Sách thiếu nhi gây tranh cãi vì 'mẹ con Thạch Sanh cởi truồng'

19/03/2015 16:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi qua đời, mẹ Thạch Sanh cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con rồi nói “Con lớn rồi, cởi truồng mãi thế người ta cười cho”. Chi tiết trong cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Đồng.

Đây là tập 1 trong bộ sách Truyện cổ tích Việt Nam ra tháng 10/2014. Sáng 19/3, một độc giả phản ánh về cuốn sách này trên một diễn đàn.

Mẹ nhường quần cho con, Thạch Sanh đâm chằn tinh “óc phọt”

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, độc giả này cho biết: “Chị gái tôi mua cuốn sách về đọc cho con tối qua. Nhưng khi đọc thử truyện Thạch Sanh thì phát hiện những chi tiết và cách dùng từ không phù hợp với truyện dành cho trẻ con”.


Bìa cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Đồng

Cụ thể, trong truyện Thạch Sanh ở trang 39, có chi tiết khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng. Độc giả cho rằng đây là một chi tiết lạ, hơn thế việc mô tả mẹ con Thạch Sanh nhường quần cho nhau là “không đúng mực”. Sách kể:

“Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm” - Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con – “Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc”.

Rồi bà tắt thở.

Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.


Các chi tiết trong sách vấp phải phản ứng

Độc giả phản ánh cũng không đồng tính với một chi tiết khác ở phần sau của truyện, khi Thạch Sanh đi giết chằn tinh cứu công chúa. Sách tả: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Cách diễn đạt “óc phọt” bị cho là hơi bạo lực.

Cuốn Truyện cổ tích Việt Nam do nhóm 6 tác giả biên soạn gồm Trần Đình Nam (chủ biên), Lê Thanh Nga, Nguyễn Hường Lý, Nguyễn Thị Huế, Bùi Thị Thiên Thai, Nguyễn Huy Bỉnh. Sách gồm 66 truyện cổ tích, đều là những truyện quen thuộc như Thạch Sanh, Sọ Dừa, Nàng Tô Thị, Trương Chi, Hòn Trống Mái, Hà rầm hà rạc...

NXB Kim Đồng: Đây là một dị bản truyện Thạch Sanh

Trả lời Thể thao & Văn hóa chiều 19/3, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng cho biết: “Truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản khác nhau. Truyện Thạch Sanh ở đây cũng là một dị bản được sưu tầm chứ không phải do nhóm biên soạn sáng tác ra. Khi làm bộ sách này, biên tập viên nhà xuất bản cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng. Nhưng cách nhìn của mỗi thời đại về truyện cổ cũng có sự thay đổi”. Mặc dù vậy, NXB chưa thể trả lời về xuất xứ cụ thể của dị bản này vì chưa liên hệ được với người trực tiếp biên soạn sách.

“Khi độc giả có những ý kiến như vậy về sách của chúng tôi, NXB đều tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa khi tái bản để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và cách dùng từ ngữ của thời hiện đại. Những từ ngữ khiến độc giả có cảm giác là hơi bạo lực thì chúng tôi sẽ xem xét loại bỏ”.

NXB Kim Đồng nhắc đến trường hợp truyện Tấm Cám như một truyện cổ tích có nhiều dị bản, trong đó có những tình tiết nhuốm màu bạo lực và kinh dị. “Truyện cổ tích và truyện dân gian nói chung đều những yếu tố hoang dã và thô sơ. Nhưng khi in thành sách, người làm sách đều chọn lọc những dị bản ổn nhất và đều được biên tập về ngôn ngữ. Nhưng từ một văn bản thô sơ được mài giũa, khó tránh khỏi những chi tiết còn gồ ghề. Bởi vậy, chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến độc giả và sẽ chỉnh sửa để tác phẩm hoàn thiện hơn ở lần in sau” – đại diện NXB nói.

Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm