21/06/2024 09:35 GMT+7 | Văn hoá
Lễ ra mắt sách Nói hay Đừng và tri ân nhà báo Trần Đức Chính (bút danh Lý Sinh Sự - Hà Văn - Trần Chinh Đức) vừa diễn ra giữa tuần này tại Hà Nội. Buổi lễ khá đặc biệt vì "nhân vật chính" không thể có mặt tại sự kiện do sức khỏe đã yếu. Nhưng, chân dung của một cây viết đầy bản lĩnh, sắc sảo không kém phần tinh tế, hóm hỉnh trước những nghịch lý trong xã hội vẫn hiện lên sống động trên từng trang sách, và qua những kỉ niệm ấm áp được kể bởi bạn bè, đồng nghiệp của ông.
Sách Nói hay Đừng (NXB Văn học, Liên Việt) là món quà tri ân mà gia đình, bạn bè, đồng nghiệp dành cho nhà báo Trần Đức Chính vào đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), cũng là dịp ông tròn 80 tuổi.
Trên dưới 6.000 tiểu phẩm "sinh sự"
Nhóm biên soạn sách gồm các nhà báo, họa sĩ: Lưu Quang Định, Đỗ Doãn Hoàng, Vũ Kiều Minh, Mỹ Hằng, Nguyễn Tiến Dũng (Choai), Quảng Hà, Phan Huy Hà, Trần Mỹ Linh, Trần Đức Hùng. Phần nhiều trong số họ đều là những đồng nghiệp từng gắn bó nhiều năm với nhà báo Trần Đức Chính khi công tác ở báo Lao động.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sách Nói hay Đừng, nhà báo Lưu Quang Định kể: "Năm nào, tôi cũng cùng gia đình tới nhà bác Trần Đức Chính để chúc Tết. Tết năm ngoái, thấy bác chậm hơn mọi khi, chúng tôi nảy ra ý tưởng thực hiện một cuốn sách tập hợp những tinh túy trong cuộc đời làm báo gần nửa thế kỷ của bác. Được sự đồng ý của vợ bác - nhà báo Thiếu Mai - chúng tôi tập hợp nhau lại bàn kế hoạch làm sách. Chúng tôi gọi vui nhóm là "Lao kiều" - những đồng nghiệp từng công tác tại báo Lao động - ai cũng sốt sắng tham gia để sớm hoàn thành cuốn sách. Bởi thế, đây thực sự là ấn phẩm đến từ tình cảm đặc biệt của những đồng nghiệp được nhà báo Trần Đức Chính dìu dắt rất nhiều trong nghề báo".
Là "tập hợp những tinh túy trong cuộc đời làm báo gần nửa thế kỷ" của nhà báo Trần Đức Chính, có lẽ ngay từ tên sách Nói hay Đừng đã là một bảo chứng. Còn nhớ, năm 1994, trên mục Nói hay Đừng của báo Lao động bắt đầu xuất hiện cái tên Lý Sinh Sự. Lý Sinh Sự gắn liền với những bài bình luận theo phong cách "thích gây sự". Như chính tác giả từng bộc bạch: "Nước mình đã có nhiều cụ Lý, Lý Toét, Xã Xệ thành danh từ ngót trăm năm trước trên "báo đàn", còn Lý Sinh Sự là tên của một người làm báo tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời".
Ngoài những bài viết ở báo Lao động, cái tên Lý Sinh Sự còn xuất hiện đều đặn trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của một vài tờ báo khác. Sau này, nhiều độc giả mới biết, Lý Sinh Sự - tác giả của hàng trăm bài báo trên mục Nói hay Đừng của báo Lao động chính là nhà báo Trần Đức Chính.
Và, nhà báo Lý Sinh Sự không chỉ giữ chuyên mục Nói hay Đừng trong 10 năm mà kéo dài tới 20 năm. Cho đến khi đã về hưu, ở tuổi 70, ông vẫn đều đặn viết bài cho chuyên mục này với văn phong độc đáo, dị biệt nhưng mạch lạc, dân dã, hóm hỉnh cuốn hút bạn đọc lạ kỳ dù bài báo chỉ bằng "bàn tay" trên trang báo.
Trong lời mở đầu của sách, nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính rằng, trong 10 năm đầu gác mục Nói hay Đừng, "đều như vắt tranh", mỗi ngày nhà báo Trần Đức Chính viết một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm.
"Nhẩm tính thì cụ Lý (cách nhà báo Trần Đức Thảo gọi nhà báo Trần Đức Chính) đã có khoảng trên dưới 6.000 bài Nói hay Đừng đăng báo, nghĩa là cụ đã "gây sự" với xã hội, với quan chức, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây "nghiền" cho không ít bạn đọc" - nhà báo Trần Đình Thảo cho hay.
Với trên dưới 6.000 bài "sinh sự" như thế, có lẽ không ngoa khi nói nhà báo Trần Đức Chính là "linh hồn" của chuyên mục Nói hay Đừng trên báo Lao động.
Như lời nhà báo Vũ Kiều Minh, "nhắc đến Nói hay Đừng phải nói đến cái tên Lý Sinh Sự và ngược lại. Đến hôm nay, khi đọc lại những bài viết của nhà báo Lý Sinh Sự rất dễ hình dung ra những câu chuyện xảy ra vào những năm 1990, 2000 cho đến những năm 2010, để biết được con người, xã hội ở những thời thời kỳ đó đã biến động ra sao! Đó thực sự là một bức tranh xã hội dưới con mắt hóm hỉnh, đôi lúc có cả châm biếm, đả kích rất Lý Sinh Sự".
"Chú Trần Đức Chính bảo: làm báo là phải luôn sẵn sàng lên đường" - nhà báo Vũ Thu Trà kể.
Một người thầy hóm hỉnh và thắm tình
Không chỉ là một bút đặc sắc với những tiểu phẩm báo chí "sinh sự", nhà báo Trần Đức Chính còn là một người thầy nhất mực hết lòng với nhiều cây bút đàn em, đàn cháu. Minh chứng là, có nhiều bài học làm báo đã được kể bởi những người đồng nghiệp thân quý của ông trong sách Nói hay Đừng.
Với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, "nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy "kính nhi viễn chi" mà lại ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của tôi rất nhiều". Đã có bao phóng sự của "cậu bé" Đỗ Doãn Hoàng thuở mới làm nghề báo được ra đời từ những góp ý, động viên đôi khi chỉ từ một câu nói, một cái vỗ vai khích lệ của "thầy" Trần Đức Chính. Đó là "Mõ làng liệt truyện", là "Cây Chay bao giờ đơm trái?" là "Binh pháp xe lai",… và có không ít phóng sự được giải của báo Lao động sau này.
Rồi lần khác, khi từ báo An ninh Thế giới về báo Lao động năm 2004, Đỗ Doãn Hoàng được giao ngay phụ trách biên tập mảng phóng sự. Sau đó, nhờ có Phó Tổng Lý Sinh Sự nói với Tổng biên tập rằng "cái thằng này, chỗ của nó là ở trên rừng, ở ngoài muôn dặm xa kia kìa", mà Đỗ Doãn Hoàng thoát khỏi chân làm "quản lý phóng sự". Để rồi, anh tung hoành ra Bắc vào Nam, đi hết trong nước, đi tứ phương trên thế giới, và trở thành cây phóng sự - điều tra sáng giá của làng báo hiện nay.
"Ông ngồi cười hóm, nói hóm, xưng chú mày, chú em, rồi "cao tay ấn", "điểm huyệt" cho những cây bút đàn em, đàn cháu dần tiến bộ. Mỗi lần gặp, chỉ một câu nói, một cái vỗ vai, tôi hiểu, từ lần gặp trước đến lần gặp này, và bao năm qua, ông vẫn ưu ái đến tôi, một câu bé quê mùa vác ba lô đến xin diện kiến và trình bày các đề tài phóng sự" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bày tỏ - "Tôi biết, có lúc, mình đã quá thơ ngây và hoang tưởng, nhưng ông Lý vẫn cười hóm, bao dung và tiếp tục "điểm huyệt", "truyền võ công". Tôi tin, với nhiều người, chú Chính cũng luôn đối xử hóm hỉnh và thắm tình như vậy".
Nhà báo Vũ Thu Trà thì cho biết, với phóng viên trẻ, "chú Chính" như một điểm tựa vững chắc. Khó khăn trong chuyên môn sẽ được ông chỉ bảo tận tình.
Bài học làm báo đầu tiên mà nhà báo Trần Đức Chính dạy chị là phải biết "làm báo trong nhà vệ sinh". Sở dĩ như vậy vì thời điểm cuối năm 1994, máy ghi âm to bằng cả bàn tay, không thể giấu kín khi cần tác nghiệp. "Chú Chính dạy: Có những chi tiết, những con số mà không được ghi âm, không được ghi lại ngay thì sẽ quên. Do đó, cách hợp lý nhất trong trường hợp này là xin phép vào nhà vệ sinh, rồi tranh thủ ghi lại thông tin".
Còn có lần, "khi ấy, báo Lao động nghỉ thứ Sáu, đi làm thứ Bảy, Chủ nhật. Sáng thứ Sáu, mấy thanh niên chúng tôi hay đến cơ quan tập trung rồi phóng xe máy đi chơi. Có một sáng thứ Sáu nọ, chúng tôi gặp chú Chính ở tòa soạn. Chú hỏi chuyện, biết chúng tôi đi dã ngoại, chú sang cửa hàng bên cạnh tòa soạn mua cho chúng tôi bánh mì, sữa. Rồi chú đi nhập hội cùng chúng tôi luôn. Chú bảo: Làm báo là phải luôn sẵn sàng lên đường" - nhà báo Vũ Thu Trà nhớ lại.
Những câu chuyện đó đã cho thấy một Trần Đức Chính rất đời, rất tình bên cạnh một Lý Sinh Sự gai góc với tinh thần "tuyên chiến" với những nghịch lý ở đời. Để rồi, dẫu đã "rửa tay gác bút", thì Nói hay Đừng vẫn còn đó như "di sản" của một thời lừng danh mang tên Lý Sinh Sự, mà theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe, nên Trần Đức Chính được phong là "tứ trụ phiếm luận" trong làng báo Việt Nam.
Vài nét về nhà báo Trần Đức Chính
Ông sinh ngày 16/4/1944 tại Hà Nội.
Năm 1967, ông tốt nghiệp Văn khoa khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1968 - 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leningrad (Liên Xô cũ).
Ông công tác tại báo Lao động từ cuối năm 1967, nhưng đến năm 1994 mới chính thức "cầm trịch" mục Nói hay Đừng. Ông từng giữ cương vị Phó Tổng biên tập báo Lao động, rồi Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất