Chuyện chưa kể về Tô Ngọc Vân và bức vẽ cuối cùng

14/06/2009 16:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Danh họa Tô Ngọc Vân đã hy sinh vào ngày 17/6/1954 trên đường đi sáng tác về không khí chiến thắng của quân dân ta sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. 55 năm sắp trôi qua nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại chưa được kể về người họa sĩ tài danh này, đã sống và chết vì Tổ quốc…

Thiếu nữ bên hoa huệ đã trở về VN?

Họa sĩ Tô Ngọc Vân qua nét vẽ Lê Lam
 
Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1908 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 17 tuổi bỏ ngang, trung học, ông thi và đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1926 và sớm trở thành một trong những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Từng tham gia giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, rồi Trường Mỹ thuật Phnom Penh (Campuchia), sau này làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam, nhưng Tô Ngọc Vân vẫn say mê sáng tạo. Ngay từ năm 1931 tác phẩm sơn dầu Bức thư đã được tặng bằng danh dự triển lãm hội họa Pháp và được tặng HCV tại Triển lãm thuộc địa Paris. Nhiều bức vẽ của ông được xếp vào hàng kiệt tác từ rất sớm: Dưới ánh mặt trời, Bụi chuối ngoài nắng, Trời dịu, Thiếu nữ bên tranh Tố Nữ, Bên hoa sen... Những người đàn bà thành thị trong tranh Tô Ngọc Vân mang một vẻ đẹp thuần Việt, không cụ thể mà vẫn toát lên biểu tượng của sự trong trắng, hiền dịu cao quý vốn là đức tính quý báu của họ.
 
Sau Cách mạng tháng Tám, một bước ngoặt mới trong sáng tác của Tô Ngọc Vân. Tác phẩm của ông mang hơi thở cuộc sống chiến đấu, thấm đẫm cái nhiệt tình của thời đại trong tranh ông với những bức Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ, Hành quân qua suối, hay mô tả cuộc sống kháng chiến của quân và dân trên khắp nẻo đường...

Kiệt tác Thiếu nữ bên hoa huệ vẽ năm 1943 có lẽ cũng mang số phận long đong của người đàn bà đẹp. Theo GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân thì: “Khi gia đình đi kháng chiến, bức Thiếu nữ bên hoa huệ được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì bức họa đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là mua lại của một người khác. Nghe nói khi ông Đức Minh qua đời thì các con ông bán bức tranh với giá 15.000 USD. Lúc ấy chúng tôi đã báo cáo việc này với ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa và đề nghị Bảo tàng Mỹ thuật mua lại. Đáng tiếc là Nhà nước khi đó không thể chi món tiền lớn hơn định mức quy định nên câu chuyện rơi vào im lặng, để bức tranh vào tay nhà sưu tập sống ở Singapore, hình như (tôi không được biết chính xác) tên Hà Thúc Cần...”.

“Tôi không bảo đảm những điều nói trên là hoàn toàn đúng vì việc mua bán là việc riêng của hai bên, nên tôi không có cơ hội được tiếp cận, nhưng đó là tất cả những gì tôi được biết về sự việc này” - GS-TS Tô Ngọc Thanh thận trọng cho biết.
Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ

Bức tranh được treo ở Singapore rồi tiếp tục phiêu lãng. Thế là mấy mươi năm người Việt không còn được ngắm nguyên bản Thiếu nữ... mang nét buồn quý phái cúi xuống bông hoa trắng muốt kia nữa. Tất cả những bản in trong sách báo không đồng nhất. Cả bức in trên logo triển lãm nhân 100 năm Tô Ngọc Vân cũng là bản chép. Rồi thì trên thị trường tranh nhái, đi đâu cũng thấy Thiếu nữ bên hoa huệ. Nhiều bức sơn dầu vẽ giống 99%, giống đến cả chữ ký dưới tranh... Thiếu nữ bên hoa huệ có lẽ đã “nuôi” không biết bao nhiêu người chép tranh từ bấy đến nay!?

Có tin hiện nay, kiệt tác ấy của cố danh họa Tô Ngọc Vân đã trở về Việt Nam và hiện đương được một nhà sưu tập ở Hà Nội sở hữu với giá lên đến 200 ngàn USD. Chủ sở hữu bức tranh đã có lần muốn nhờ họa sĩ Tô Ngọc Thành (người con trai thứ của Tô Ngọc Vân) đến thẩm định hộ nhưng anh từ chối vì sợ là có thể nhìn thấy bức tranh Thiếu nữ... giả, khi đó điều đáng sợ nhất có thể xảy ra là sự sụp đổ của chủ nhân...

Ngã xuống dưới chân đèo Lũng Lô

Tô Ngọc Vân đã ngã xuống ở gần đèo Lũng Lô vì bom của Pháp sau khi hoàn thành bức ký họa cuối cùng có tên Đèo Lũng Lô, mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mừng vui phấn khởi trở về sau ngày chiến thắng Điện Biên vào buổi sáng 17/6/1954.
 

55 năm đã qua nhưng hình ảnh người họa sĩ tài danh Tô Ngọc Vân ngã xuống vẫn được nhắc như một sự hy sinh của người nghệ sĩ cuối cùng sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm.
 
GS-TS Tô Ngọc Thanh kể: Thời điểm cha tôi hy sinh là sau khi toàn thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 40 ngày và chỉ cách ngày ký Hiệp nghị Geneve có 34 ngày. Cái chết như một định mệnh bởi ông có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ theo chiều dài chiến dịch, trực tiếp sáng tác về chiến dịch... Vậy mà, sau khi chiến dịch đã thành công, trên đường đi vẽ không khí chiến thắng thì lại bị dính bom. Khi đó cha tôi đương ở trong ngôi nhà sàn người Tày, thuộc bản Hoi gần khu vực Ba Khe. Máy bay B29 của không quân Pháp phát hiện khói bếp của đoàn dân công gần đấy, nên đến oanh kích...
GS Thanh kể tiếp: “Mấy ngày sau tôi đương dạy học bên Hiệp Hòa, Bắc Giang tôi nhận được hung tin cha tôi hy sinh gần chân đèo Lũng Lô. Xin nghỉ dạy học, tôi một mình đạp xe từ Hiệp Hòa vượt bao đèo suối lên Yên Bái. Đến nơi cha tôi đã được mai táng trước đó bốn ngày. Do điều kiện chiến tranh nhiều người phải chôn chung. Riêng cha tôi được chôn riêng do trước đó ông được giới thiệu là trưởng đoàn công tác, lại có ưu ái vì họa sĩ đã vẽ tặng ông chủ nhà người Tày bức chân dung. Có lẽ vì thế mà cha tôi được chôn riêng. Đến bên nấm mộ cha cạnh con suối, tôi cúi lạy cha và xin bà con cho được mai táng lại, đưa cha tôi lên ngọn đồi gần đó bên gốc ổi. Một năm sau thì gia đình tôi lên xin đưa hài cốt về nghĩa trang Hợp Thiện trên đường số 6 Hà Nội - Hà Đông nay là đường Nguyễn Trãi. Sau đó vì giải tỏa nghĩa trang để xây khu công nghiệp Cao - Xà - Lá nên mộ ông được chuyển xuống nghĩa trang Mai Dịch, khi đó dùng để mai táng những người hy sinh trong đêm 19/12/1946. Cha tôi nằm giữa những người đồng đội, đồng chí ấy...

Sau này có ý kiến đề nghị để cha tôi vào khu cán bộ cao cấp trung ương nhưng tôi đề nghị giữ yên chỗ nằm cho người, như vậy thanh thản hơn.
Được biết sự hy sinh của họa sĩ Tô Ngọc Vân như vậy, nhưng mãi 5 năm sau ông mới được công nhận là liệt sĩ. Ấy là tình cờ trong một lần có một cán bộ cao cấp đến thắp hương cho họa sĩ ở nhà riêng trên phố Yết Kiêu. Vị cán bộ nhìn lên bàn thờ không thấy Bằng Tổ quốc ghi công hay Huân chương kháng chiến gì ngoài một bức di ảnh. Ông hỏi chủ nhà vì sao lại thế thì được cho biết họa sĩ Tô Ngọc Vân chưa được công nhận là liệt sĩ vì ông là... “họa sĩ”. Ngay lập tức, vị lãnh đạo gọi thư ký vào chỉ thị báo ngay việc này cho những người có trách nhiệm... Vậy là ngay sau đó, gia đình nhận được quyết định công nhận liệt sĩ, Bằng Tổ quốc ghi công và cả tiền tuất...

Bài thơ hầu như chưa công bố của Tố Hữu tặng Tô Ngọc Vân

Mùa Xuân năm 1991, nhà thơ Tố Hữu đã đến thăm lại ngôi nhà của họa sĩ Tô Ngọc Vân trên phố Yết Kiêu, nơi nhà danh họa đã sống những năm ở Hà Nội. Nhớ người nghệ sĩ tài hoa mệnh bạc, tưởng nhớ một người nghệ sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam, một người cán bộ cách mạng tận tụy đã hy sinh vì Tổ quốc, nhà thơ đã viết nên những dòng lục bát thống thiết, đầy tình cảm nhớ thương, nhan đề Thăm nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Nhà anh, cuối phố Yết Kiêu
Chợ ngồi, rau quả sớm chiều ngoài hiên
Bán mua chào giá trao tiền
Ai hay anh tự cõi tiên nhìn đời
Phòng riêng chẳng lọt nắng trời
Trông lên chợt thấy tranh tươi bút thần
Dịu dàng người đẹp thanh tân
Nghiêng đầu bên huệ trắng ngần tương tư
Người hay mơ đó? Thực hư?
Năm mươi năm lẻ tưởng như còn nàng
Bâng khuâng lại nhớ đến chàng
Long lanh ánh mắt nở nang miệng cười
Tuyệt vời Tô Ngọc Vân ơi!
Tài hoa màu sắc cho đời nên tranh
Mũ vải mềm mảnh áo xanh
Nẻo quê, xóm núi bóng anh đi về
Đường dài kháng chiến mải mê
Chân anh nào biết phút tê tái lòng
Anh đi để giọt máu hồng
Dáng anh lồng lộng cánh đồng Điện Biên
Đem bài thơ sưu tầm được cho người con trai trưởng của họa sĩ là GS-TS Tô Ngọc Thanh xem, ông Thanh xác nhận đây là bài thơ Tố Hữu tặng gia đình và “chưa công bố” lần nào...
Tân Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm