Bài 2: Bị sách lậu ăn cướp

26/01/2010 07:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Không chỉ các nhà văn kêu trời về sách lậu mà chính các nhà sách chân chính cũng bị sách lậu ăn cướp. Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu - Trưởng Ban Khai thác đề tài & Giao dịch tác quyền NXB Trẻ, một nhà xuất bản Nhà nước và dịch giả Nguyễn Lệ Chi - chủ sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks, một nhà sách tư doanh, cùng lên tiếng về vấn đề này.

* Mỗi năm, đơn vị của các anh/ chị thiệt hại bao nhiêu tiền khi sách của mình bị in lậu dưới tất cả các hình thức (“luộc”, xâm phạm bản quyền). Nếu cộng thêm thiệt hại về uy tín thương hiệu, thiệt hại cho người tiêu dùng (độc giả) thì hậu quả ra sao?

Ông Phạm Sĩ Sáu (PSS): Thực ra không thể đo đếm được mức độ thiệt hại do bị in lậu dưới mọi hình thức. Con số có thể hình dung là hàng tỉ đồng của tác giả và NXB đã bị bọn in lậu ăn cướp một cách trắng trợn dưới hình thức làm sách giả, sách lậu.

Mặt khác, sách giả, sách lậu thường không bảo đảm về chất lượng cả hình thức và nội dung, lại có gắn logo của NXB, điều đó cũng gây thiệt hại không nhỏ cho NXB về mặt uy tín thương hiệu. Đối với độc giả, thiệt hại thường khó thấy, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng, là chỉ thích hàng rẻ mà không biết do đâu mà rẻ, lại không biết là đang góp phần tiếp tay cho những người làm sách lậu cướp thành quả lao động của tác giả cũng như những người góp phần làm nên cuốn sách. Tiêu thụ sách giả là góp phần trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Mà quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì dường như còn có vẻ xa lạ với nhiều người.


Ông Phạm Sĩ Sáu (trái) và Bà Nguyễn Lệ Chi
Bà Nguyễn Lệ Chi (NLC): Hiện tại Chibooks chưa có điều kiện để phát hiện ra sản phẩm nhái sách của Chibooks. Tuy nhiên với số vốn trung bình từ 50 - 70 triệu đồng đầu tư sản xuất cho một cuốn sách, nếu bán hết 2.000 bản, chúng tôi chỉ có thể lời được 5-7 triệu đồng là cùng. Nếu sách bị in lậu và được tung ra bán với chiết khấu cao hơn thì không những công ty không thể thu hồi vốn, mà còn mất trắng bao công sức chuẩn bị và đầu tư cho một cuốn sách (trong khi cả quá trình này thường mất nửa năm, từ khâu giao dịch mua bản quyền, triển khai dịch, in ấn…). Việc sách bị “luộc” sẽ mang lại những thiệt hại nặng nề cả về vật chất và tinh thần cho các đơn vị xuất bản. Tất nhiên chất lượng sách in lậu sẽ kém hơn sản phẩm chính nên người tiêu dùng cũng bị thiệt hại hơn.

* Luật xuất bản hiện nay chỉ xem những kẻ làm sách “chợ trời” là làm sách lậu, vi phạm bản quyền. Trong khi, với một loại hàng hóa khác thì bị xem là làm giả.

PSS: Phải gọi đích danh những kẻ làm sách “chợ trời” là những người buôn lậu sách, vì Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và ngay cả Luật Dân sự cũng đều chỉ ra tội danh này. Chỉ có điều là các cơ quan quản lý Nhà nước dường như chưa quan tâm đến lĩnh vực này lắm nên tình trạng càng kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn. Lý ra cơ quan cấp phường xã có thể vào cuộc, vì mua bán sách là phải có hóa đơn xuất kho, phải có ghi danh nhà cung cấp. Nên chăng phạt thật nặng người trực tiếp bán lẻ vì chính họ, bằng lợi nhuận cao, đã bất chấp luật pháp, tiếp tay với bọn làm sách giả, sách lậu.
 
NLC: Đúng là hiện nay với những khái niệm về sách lậu, sách vi phạm bản quyền… như Luật xuất bản đã nêu ra dễ khiến người tiêu dùng lầm lẫn và chưa hiểu rõ thực sự bản chất của vấn đề. Hãy đơn giản hóa vấn đề bằng cách nếu chúng ta coi sách là một sản phẩm nói chung thì khi sản phẩm này bị làm giả, bằng bất cứ hình thức nào như: vi phạm bản quyền, in lậu, làm sách nhái… thì rốt cuộc vẫn là một sản phẩm giả kém chất lượng và bất hợp pháp. Một dạng hàng nhái không hơn không kém. Những kẻ làm sản phẩm giả này dù với bất kỳ lời lẽ biện minh nào cũng là vi phạm pháp luật, cướp công sức và sản phẩm của người khác để trục lợi cá nhân. Như vậy nếu xét về mức độ phạm tội và tội danh với các sản phẩm khác thì những kẻ làm sách “chợ trời” vẫn bị coi là làm sách giả, làm hàng giả.


Số lượng sách giả bị “dẹp” chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số sách giả đang lưu hành
* Xin chia sẻ kinh nghiệm để chống sách lậu của đơn vị mình và bày tỏ mong muốn gì ở các cơ quan công quyền.

PSS: Cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm là cách tốt nhất để chống sách lậu. NXB chỉ là một doanh nghiệp, chỉ biết làm ra sản phẩm với chất lượng cao nhất để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Còn việc phòng chống sách giả, sách lậu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi chỉ ước ao có một ngày sẽ không còn ai xâm phạm bản quyền, tất cả đều được mua bán một cách sòng phẳng và công khai với những cuốn sách đảm bảo các chỉ tiêu về quyền lợi và trách nhiệm.

NLC: Là một đơn vị xuất bản, Chibooks rất mong mỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để dẹp bỏ các sản phẩm giả trên. Hãy coi sách như một sản phẩm đàng hoàng trên thị trường tiêu dùng, cần được cư xử và bảo vệ như các sản phẩm khác như sữa, ti vi... Hãy xóa bỏ ngay suy nghĩ “sách giả cũng không chết ai” bởi nếu tình trạng sách giả còn kéo dài sẽ khiến các đơn vị xuất bản làm ăn đàng hoàng dần rơi vào cảnh thua lỗ do không thu hồi được vốn, sẽ dẫn tới đóng cửa. Hoặc để cầm cự lại, các đơn vị xuất bản dễ rơi vào cảnh “nhắm mắt làm liều”, không mua bản quyền, mà cho dịch và xuất bản luôn. Như vậy thị trường sách sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, chưa kể sách hay trên thế giới sẽ không được các NXB nước ngoài tín nhiệm, đưa vào thị trường Việt Nam nữa. Tóm lại xét về lâu về dài, việc còn tồn tại sách giả sẽ dần giết chết văn hóa đọc của người Việt do gián tiếp chặn mất nguồn sách mới, không hòa mình cùng dòng chảy văn minh trên thế giới, không cập nhật được những kiến thức mới nhất, bổ ích nhất phục vụ cho cuộc sống, công việc và xã hội nước ta.

Việc mua sách giả chỉ vì cái rẻ trước mắt sẽ dẫn đến hậu quả là chính chúng ta - những người tiêu dùng - đã tự khoanh hẹp lại tương lai tri thức cho chính con cháu chúng ta sau này. Khoảng cách này sẽ ngày càng bị rút lại nếu Nhà nước không sớm có biện pháp và không đặt nặng vấn đề này, không coi trọng nó đúng như cần có.

Hãy xóa bỏ ngay suy nghĩ “sách giả cũng không chết ai” bởi nếu tình trạng sách giả còn kéo dài, các nhà xuất bản dần rơi vào thua lỗ, sẽ dẫn tới đóng cửa. Hoặc để cầm cự, các đơn vị này dễ rơi vào cảnh “nhắm mắt làm liều”.

Về các biện pháp dẹp bỏ sách giả, Chibooks xin đề xuất vài ý như sau: ráo riết làm những đợt kiểm tra hàng loạt các cửa hàng sách, các hệ thống bán sách khắp cả nước. Nếu đầu sách nào không có hóa đơn nhập rõ ràng và cụ thể của đơn vị xuất bản làm ra cuốn sách đó, hoặc không có hóa đơn, chứng từ xuất kho của đơn vị phát hành làm đại diện cho đơn vị xuất bản đó thì cương quyết tịch thu. Cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm khác, nếu đầu sách không chứng minh được đầu vào thì tịch thu, tiêu hủy ngay vì chắc chắn đó là sách lậu. Ngoài ra, dẹp bỏ ngay các chiếu sách vỉa hè vì đây là những địa điểm bán sách lậu công khai và khó kiểm soát hơn các nhà sách. Khi phát hiện sách giả, tịch thu ngay và phạt nặng đơn vị bán sách đó với số tiền gấp 10-20 lần trị giá số sách đang bán để làm gương và biết sợ mà từ bỏ. Rà soát lại hết các cửa hàng bán sách nhỏ lẻ, xem có giấy phép kinh doanh sách hay không, vì sách lậu thường được đưa vào các cửa hàng này. Nếu làm được liên tục trong một vài năm như vậy, giao cho từng quận kiểm soát chặt chẽ thì tôi tin rằng vấn nạn sách giả sẽ bỏ được.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm