03/04/2020 20:52 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều mong đợi, cuốn sách có mặt ở hầu hết các học viện âm nhạc trên thế giới và được đề cử giải Pulitzer Prize: Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời đã chính thức ra mắt công chúng Việt Nam, phiên bản tiếng Việt. 2020 cũng là năm kỉ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc (1770 – 2020).
Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời có bố cục 4 phần: Những năm đầu đời khi Beethoven ở Born (1770 – 1792), Thời kì trưởng thành thứ nhất - Những năm ở Vienna (1792 – 1802), Thời kì trưởng thành thứ hai (1802 – 1812) và Thời kì trưởng thành cuối cùng (1813 – 1827).
Ra mắt tại Việt Nam, cuốn sách cũng trở nên sống động hơn trong tay bạn đọc khi có thêm bản danh sách các bản nhạc được đưa vào dưới dạng QR Code để thưởng thức cùng với một số hình ảnh về Beethoven và các bút tích của ông.
Như chia sẻ của tác giả, GS âm nhạc Lewis Lockwood, cuốn sách trình bày cuộc đời Beethoven chủ yếu qua hành trình của một nhà soạn nhạc, thay vì dành mỗi chương sách cho một câu chuyện tiểu sử.
Khi đan dệt theo hai chiều, giữa âm nhạc và tiểu sử của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven, Lewis Lockwood mong muốn cuốn sách có thể tiếp cận dễ dàng nhất đối với đối tượng độc giả phổ thông.
Trong khi đó, với người hiệu đính cuốn sách này tại Việt Nam - pianist Trang Trịnh thì Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời có sức nặng chuyên môn rất cao.
“Khác với những cuốn tiểu sử thông thường, vốn tập trung vào các chi tiết đời tư và khai thác các câu chuyện mà có không ít là truyền thuyết, cuốn sách Beethoven: Âm nhạc & Cuộc đời mang tính phân tích - nói có sách, mách có chứng.
Tuy nhiên, từ phía ngược lại, ít có cuốn sách nào với sức nặng học thuật lại được đan xen với các sự kiện trong cuộc đời Beethoven một cách kỹ càng và dễ theo dõi như vậy. Vì thế, có thể nói rằng cuốn sách này là “best of both worlds”, tốt nhất của cả 2 mặt thường thức và chuyên sâu” – nghệ sĩ chia sẻ.
* Với vai trò là người hiệu đính, chị mong đợi gì ở độc giả cuốn sách này với phiên bản tiếng Việt ?
- Tôi hy vọng là độc giả sẽ có một chân dung chân thực và "người" hơn - là một Beethoven "Thánh" mà chúng ta đã quen thuộc. Nhưng điều này không khiến Beethoven trở nên tầm thường vì thực tế, khi những chi tiết về ông được làm sống động, ông càng giống chúng ta, và vì thế mà càng truyền cảm hứng.
Khi thấy được những gì mà Beethoven đã cố gắng và chiến đấu, chúng ta cũng sẽ càng thêm ngạc nhiên trước âm nhạc của ông.
* Sự "thần thánh hóa" Beethoven mà chị nói, được hiểu theo khía cạnh nào?
- Tôi thấy thường các sách về Beethoven có xu hướng Thánh hoá nhà soạn nhạc. Nhưng với Lewis Lockwood thì ông miêu ta chân thật về Beethoven nên có thể gây thất vọng với những ai coi Beethoven là Thánh.
Ví dụ như chi tiết Beethoven là một người làm nghề tự do (freelancer) rất giỏi và khéo léo khi làm việc với các nhà xuất bản, để có được lợi nhuận cao nhất thì thường thì độc giả sẽ quen hơn với hình ảnh một Beethoven “bất cần” và ko thực tế về tài chính như thế.
* Vậy có nhiều không, những truyền thuyết về Beethoven bị “phá bỏ” trong cuốn sách này?
- Sự hiện đại trong cách mà Lockwood viết về Beethoven được thể hiện rõ trong cách ông giữ một vị trí trung lập và sáng suốt, giúp độc giả xâu chuỗi các sự kiện trong cuộc đời Beethoven.
Xuyên suốt toàn bộ cuốn sách là cách đặt vấn đề tinh tế, nhường chỗ cho độc giả tự tạo nên nhận xét của chính mình thay vì áp đặt các đánh giá cá nhân người viết.
Ví như tôi khá ấn tượng với cách ông nhắc tới màn trình diễn đa phương tiện (với rất nhiều sự hỗ trợ của công nghệ cao) của các dàn hợp xướng Nhật Bản khi hát phần hợp xướng từ chương cuối của Giao hưởng số 9.
Như vậy là độc giả trẻ hẳn cũng sẽ thấy gần gũi hơn với những câu chuyện thật ở kỷ nguyên số mà chúng ta đang sống. Đó là thứ thú vị ở một cuốn tiểu sử được viết bởi một cây bút hiện đại. Và nói như Maynard Solomon thì: “Đây là cuốn tiểu sử về Beethoven dành cho những độc giả thông minh”.
* Từ góc nhìn của một độc giả, chị muốn chia sẻ gì về người "khổng lồ" trong âm nhạc Beethoven sau khi đọc cuốn sách này?
- Ai cũng thấy rằng, cuộc đời của Beethoven sẽ luôn được ca ngợi. Ngay cả khi còn sống, ông cũng đã được tụng ca, và ông biết được sự kính trọng mà mọi người dành cho mình, qua cách ông trò chuyện với các nhà xuất bản thời đó.
Nhưng ở một khía cạnh khác, cuộc đời ấy cũng có quá nhiều nỗi đau, từ nỗi đau của cơ thể, tới việc ông mất mẹ từ sớm, tới việc tranh dành quyền chăm sóc đứa cháu, những mối tình không thành, và sự đơn độc đến từ căn bệnh khiến ông tự đẩy mình ra khỏi mọi người.
Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai lại muốn những nỗi đau đó cho mình, dù thành công ở tầm vóc của Beethoven quả là thứ mà không ít người ước ao. Tôi muốn mình không quên ghi nhận Beethoven như một con người thực. Trước khi là một Beethoven - dòng họ đã mãi mãi gắn với con người này, ông cũng chỉ là một cậu bé yêu mẹ vô cùng và có lẽ được bạn bè trìu mến gọi với cái tên Ludwig (Ludwig Van Beethoven).
Con người ấy có thể đạt tới cảnh giới ấy của âm nhạc, như một mũi tên phóng theo duy nhất một mục đích sống, đầy nhiệt thành và quyết liệt, là niềm tự hào của loài người và niềm hy vọng của tôi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Lam Anh - Hình: NVCC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất