17/06/2020 15:45 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo các nhà khoa học, hơn 2 tỷ ha đất nông nghiệp trước đây đã bị thoái hóa và hiện nay không còn khả năng sản xuất. Đây là một phần của quá trình sa mạc hóa - một trong số những thách thức về môi trường lớn nhất trong thời đại chúng ta.
Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17-6) năm 2020 nhấn mạnh về những lợi ích của đất trong đời sống, như cung cấp thực phẩm cho con người, thức ăn cho động vật và sợi vải để dùng trong trang phục hàng ngày... Từ đó kêu gọi các hành động cụ thể của từng cá nhân, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đang có, sống hài hòa với thiên nhiên, từ đó giảm gánh nặng cho đất, chống lại quá trình sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng.
Đất đai không tồn tại vĩnh viễn
Đất đai là nền tảng của xã hội chúng ta. Đất cung cấp hơn 50% tổng giá trị của tất cả các dịch vụ hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Đất sản xuất là nền tảng cho xóa đói giảm nghèo, cho năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe môi trường.
Dân số thế giới ngày càng tăng, chất lượng sống nâng cao, các khu vực thành thị mở rộng, kéo theo đó, nhu cầu về đất để làm nơi sinh sống, trồng lương thực làm thực phẩm, trồng cây lấy sợi làm quần áo và thức ăn cho động vật đều tăng theo. Theo công bố của Liên hợp quốc, đến năm 2030, ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ sử dụng thêm 35% đất đai, phần lớn là để trồng nguyên liệu cho thời trang giá rẻ. Số thực phẩm mà chúng ta làm mất hoặc lãng phí hàng năm thì tương đương sức sản xuất từ 1,4 tỷ ha đất sản xuất. Và với sức tiêu thụ hiện nay, vào năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.
Nhưng trong một diễn tiến ngược, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, các chất dinh dưỡng trong đất trở nên cạn kiệt đến nỗi đất không còn màu mỡ và cuối cùng trở nên khô cằn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chúng sẽ tiến vào quá trình sa mạc hóa và dần mất khả năng sản xuất.
Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, với nhiều vùng trở nên khô hơn, chịu hạn hán thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến mất đất canh tác nhiều hơn trong những năm tới, khiến hàng triệu nông dân rơi vào cảnh nghèo đói, là một nguyên nhân làm gia tăng các cuộc di cư và xung đột trên thế giới.
Hiện nay, hơn 120 quốc gia trên thế giới đã đặt ra hoặc cam kết đặt ra các mục tiêu cân bằng suy thoái đất và phục hồi đất, làm thay đổi mô hình trong các chính sách và thực tiễn quản lý đất đai, đồng thời áp dụng các chiến lược chống biến đổi khí hậu và đối phó với các tác động cực đoan của nó.
Nhân Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán 2020, ông Ibrahim Thiaw, Tổng Thư ký và Thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) đã kêu gọi cư dân toàn cầu tiết kiệm lương thực, thực phẩm, bảo vệ môi trường, làm việc hòa hợp với thiên nhiên để vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, vừa ngăn chặn suy thoái đất, đảo ngược những mất mát về đa dạng sinh học. 80 quốc gia trên thế giới đã cam kết trong 10 năm tới sẽ khôi phục 400 triệu ha đất. Tổ chức này cũng đã và đang áp dụng các sáng kiến chống hạn chán, như thiết lập hệ thống phòng, chống hạn hán ở các khu vực, các quốc gia, lập chương trình hành động để tăng cường khả năng phục hồi của con người và hệ sinh thái đối với hạn hán và sa mạc hóa.
Việt Nam tích cực ứng phó với hạn hán và suy thoái đất
Thực trạng suy thoái, xói mòn đất đai dẫn đến sa mạc hóa đang diễn ra phổ biến, phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Theo nghiên cứu, cả nước có 3 vùng hạn hán thường xuyên là miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt nghiêm trọng, thấp hơn từ 20-90% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, riêng Ninh Thuận và Bình Thuận hầu như không mưa. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận, năm 2020 là một năm điển hình thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng ở Bình Thuận. Kể từ tháng 12-2019 đến hết tháng 3-2020 trên địa bàn tỉnh chủ yếu không có mưa, sang đến nửa đầu tháng 4 chỉ một số nơi có mưa ít tập trung trong một vài ngày.
Thời gian tới lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực Duyên hải miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ, như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Chính vì thế, chủ đề của Ngày Thế giới chống sa mạc hóa, khô hạn năm nay của Việt Nam là "Tiêu dùng và đất đai", nhấn mạnh đến những nỗ lực và giải pháp, mô hình góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều vùng trên cả nước.
Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả chống hạn hán tùy điều kiện mỗi vùng, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhờ đó, năm 2019-2020 là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ có gần 20% diện tích trồng lúa bị giảm năng suất 30-70%. Để chống hạn, các tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên đang sử dụng những hồ nước lớn giữ vai trò điều tiết nước tưới. Nghệ An kêu gọi cộng đồng cùng chung tay trong khai thác, bảo vệ rừng, chống tình trạng đất trống đồi trọc tại các vùng núi.
Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành dự trữ nước để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố mùa khô năm 2020. Các tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh kết nối và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây ngắn ngày, cây chịu hạn... để thích ứng với điều kiện nguồn nước.
Thu Hạnh/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất