Man United dưới thời Ryan Giggs: Điểm tựa tinh thần liệu có đủ?

24/04/2014 20:37 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Khác biệt lớn nhất giữa Ryan Giggs và người tiền nhiệm David Moyes là khả năng thấu hiểu nội tình, cùng sự nể phục mà anh nhận được trong phòng thay đồ của Man United. Song chừng ấy liệu đã đủ để vực dậy Man United?

Không đến nỗi lành tính và rụt rẻ như Paul Scholes, nhưng Giggs cũng khá nhỏ nhẹ trong giao tiếp. Anh không phải mẫu HLV thường xuyên chạy và gào thét ngoài đường biên, hay trong phòng thay đồ.

Dấu ấn cá nhân & tầm ảnh hưởng

Giggs giải thích cho phong cách ấy rằng “Bạn không nhất thiết phải ăn to nói lớn trước cả một nhóm cầu thủ hoặc cả đội bóng để truyền tải ý tưởng của mình. Bạn có thể thị phạm nó trước một cầu thủ cũng được”.

Đó tất nhiên không phải phong cách của một HLV trưởng, và đúng là Giggs chưa thực sự sẵn sàng để đảm trách nhiệm vụ ấy, nhưng cách huấn luyện kiểu một thầy-một trò ấy có ích thực sự đối với các cầu thủ trẻ như Adnan Januzaj, Danny Welbeck, Alex Buttner, và Tom Cleverley, bởi nó giúp họ thấm đẫm những trải nghiệm từ một đàn anh đáng kính nể về chuyên môn.

Giggs từng hơn một lần khẳng định sẽ không copy công thức của Ferguson, bởi anh tin vào phong cách riêng của mỗi người, dù trên cương vị cầu thủ hay HLV.  Trên sân cỏ, Giggs để lại hình ảnh sâu đậm về một cầu thủ tấn công giàu tốc độ (thời trẻ) và cũng đậm chất sáng tạo và nhãn quan chiến thuật (khi đã có tuổi). Và xuyên suốt sự nghiệp, anh luôn thể hiện tinh thần không bao giờ đầu hàng - một phẩm chất luôn đáng học hỏi. Về khía cạnh con người, Giggs tương đối kiệm lời và khép mình.

Không ai rõ khi làm HLV, anh sẽ thể hiện sự ngạo mạn như Mourinho hay phong cách có phần độc đoán như Sir Alex. Có lẽ Giggs có chút gì đó của Pep Guardiola hơn, dù điều này cần phải kiểm chứng.

Sơ đồ nào cho “Giggs United”?

“Tôi nghĩ rằng những khóa học HLV đã dạy chúng ta rằng không có sơ đồ nào đúng hay sai, mà vấn đề là chúng ta vận dụng thế nào cho thích hợp. Nói như Ancelotti, vấn đề là bạn không có cầu thủ để phục vụ lối chơi ấy”, Giggs cho biết.

Dù vậy, Giggs cũng thừa nhận rằng sơ đồ cổ điển 4-4-2 luôn rất thú vị. Đó là điều không khiến ai ngạc nhiên bởi Giggs trưởng thành và bước lên đỉnh cao cùng sơ đồ ấy. Anh từng bảo rằng sẽ không ký hợp đồng với Roberto Baggio vì đơn giản tiền đạo người Italy không phù hợp với triết lý của anh vào thời điểm ấy. Vào thời điểm mà phần lớn các đội bóng chọn lối chơi 4-2-3-1, ý đồ của Giggs như thế nào?

Với những cái tên như Robin van Persie, Wayne Rooney, Juan Mata, Michael Carrick, Adnan Januzaj, và Antonio Valencia, có lẽ sơ đồ thích hợp nhất, trong triết lý của Giggs vẫn là 4-4-2, hoặc cụ thể hơn là 4-4-1-1. Theo đó, van Persie sắm vai trò trung phong cắm còn Rooney sẽ là một tiền đạo lùi. Juan Mata, người thích đá hộ công trong sơ đồ 4-2-3-1 có thể sẽ được bố trí ở vai trò tiền vệ tấn công trung tâm, với Carrick đá bên cạnh lo phòng ngự từ xa. Còn ở bên cánh, tốc độ của Valencia và Januzaj sẽ giúp họ chiếm vị trí. Và trong lối chơi ấy, Rooney vẫn sắm vai trò con thoi. Anh có thể lùi về phối hợp cùng Mata hoặc đẩy cao hỗ trợ van Persie.

Và cho dù mang tư duy của một cầu thủ chạy cánh lừng danh, sẽ không ngạc nhiên nếu Giggs muốn tạo ra nhiều khoảng trống hơn nữa ở trung lộ, nhằm tạo điều kiện cho những ngôi sao như van Persie, Rooney và Mata thoải mái hoạt động ở trung tâm, thay vì giẫm chân nhau, như từng xảy ra dưới thời Moyes.

Liệu Giggs United có phải một luồng gió mới so với Moyes United hay không, câu trả lời chỉ có thể được giải đáp vào cuối tuần này. Sân Old Trafford, ngày 26/4, đối thủ: Norwich.

35 Trên cương vị cầu thủ, Giggs đã giành tổng cộng 35 danh hiệu cùng với Man United, trong đó có 2 Champions League, và 13 chức vô địch Premier League.

671 Với 671 trận, Giggs vẫn đang một mình độc chiếm kỷ lục thi đấu nhiều nhất tại Premier League.

22 Giggs là cầu thủ duy nhất trong lịch sử tham dự toàn bộ 22 mùa giải Premier League, và ghi bàn ở 21 mùa giải trong số ấy (114 bàn).


Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm