Rubik bóng đá: Ai cứu ẩm thực Pháp?

01/06/2014 12:41 GMT+7 | Bảng E

(Thethaovanhoa.vn) - “Ai cứu ẩm thực Pháp” là tiêu đề một bài viết trên tờ New York Times hồi tháng 3 năm nay. “Ẩm thực Pháp” là một cụm danh từ huyền thoại, người ta đã làm không biết bao nhiêu bộ phim, viết bao nhiêu cuốn sách vì mấy chữ ấy. UNESCO đã đưa nó vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại. Thế mà bây giờ, nó lại cần cứu vớt.

1. Điều tra cho thấy 70% số nhà hàng trên đất Pháp bây giờ sử dụng các bữa ăn nấu sẵn được sản xuất tại các bếp ăn công nghiệp. Cái thứ “cuisine du potager” (nấu từ nguyên liệu trong vườn) và “cuisine du marché” (nôm na là đi chợ hàng ngày nấu nướng), vốn là nền tảng của ẩm thực Pháp, hướng tới sự tươi sống, biến hóa theo mùa và thú vui chế biến, giờ đang có nguy cơ thành dĩ vãng bởi thời kỳ công nghiệp hóa ẩm thực.

Chỉ còn 10% trong số tất cả các loại phô mai Pháp giờ là “fromage au lait cru”, tức là phô mai từ sữa tươi, một thứ tưởng như là bản sắc. Sản lượng tiêu thụ rượu Pháp của thế giới đã giảm 50% từ thập niên 60 thế kỷ trước tới nay.

Và quan trọng nhất, nước Pháp đang trở thành thị trường có lợi nhuận cao thứ 2 của McDonalds trên toàn thế giới: Chính dân Pháp bây giờ cũng ăn thức ăn nhanh nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trừ Mỹ.

Khi cửa hàng đồ ăn nhanh Burger King khai trương ở Paris, nhiều người Pháp đã xếp hàng 2 tiếng đồng hồ để mua một chiếc bánh hamburger. Một số tờ báo nước ngoài đã mỉa mai rằng Burger King là “nhà hàng số 1 Paris”.

2. Tháng 11 năm ngoái, L’Equipe viết rằng đội Pháp dự World Cup 2014 tới đây là “đội tuyển tệ nhất trong lịch sử”. Không có nhiều ngôi sao để hy vọng.

Món Les Bleus năm nay sẽ được nấu bằng những Varane, Grenier, Griezmann, Pogba, Digne,… và có thể là đội tuyển “tươi sống” nhất trong vài năm trở lại đây. Nhưng tươi đến mấy thì cũng không phải những gì người Pháp thích.

Họ mù quáng tin vào những giá trị đã được khẳng định, hơn là dám nghĩ đến những giá trị mới. Họ thà ăn một thứ đồ hộp để lâu có nhãn mác đắt tiền hơn là tin rằng những nguyên liệu tươi sống có thể được chế biến ra một món ăn ngon. Họ thà nhìn thấy một Zinedine Zidane già cỗi gồng mình dẫn dắt đội tuyển Pháp như ở World Cup 2006, hơn là chứng kiến và thưởng thức quá trình một thế hệ mới trưởng thành.

3. Didier Deschamps có thể là Gregory Marchand, bếp trưởng đang được nói đến nhiều nhất tại Paris những ngày này. Là niềm hy vọng của Paris, nhưng Marchand tu nghiệp ở New York và London. Ông mang phong cách Ăng-lê đến Pháp, nhưng vẫn giữ tinh thần của “cuisine du marché”: Thực đơn của Marchand dựa hoàn toàn vào những gì được cung cấp trong ngày; mỗi món có thể có đến 4 nhà cung cấp nguyên liệu khác nhau.

Deschamps cũng từng tu nghiệp tại Serie A, và biết chơi lối chơi của người Italy. Nhưng ông cũng là một người có đam mê “nấu nướng” với những thứ nguyên liệu tươi sống.

Cái quan trọng nhất, là người ta thấy được vị bếp trưởng của Les Bleus vui vẻ, rau củ quả nhảy múa trong tay ông. Deschamps hay cười đùa trong các buổi họp báo, và người ta đã thấy những trận toàn bộ đội tuyển Pháp hát quốc ca. Các đời HLV trưởng gần đây đều không làm được thế.

Cái quan trọng nhất, trong bất kỳ công việc gì, vẫn là người ta làm nó với nhiệt huyết và niềm vui, chứ không phải là áp lực đã từng khiến nhiều đời HLV trưởng đội tuyển Pháp đem một đoàn quân già cỗi đến giải lớn rồi thảm bại. Les Bleus phải tươi ngon và vị nghệ thuật, thay vì cũng trở nên dễ dãi và đầy tính thỏa hiệp.

Nhưng tất nhiên, cũng có thể là thứ gì đã mai một rồi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa cho dù người ta có hy vọng nhiều đến thế nào.

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm