Rubik bóng đá: Tinh thần của ta đâu?

20/06/2014 14:31 GMT+7 | Bảng B

(Thethaovanhoa.vn) - Trước World Cup, hãng tài chính IGN thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn thế giới để tìm hiểu mức độ “chịu chơi” của CĐV các nước có đội tham dự vòng chung kết.

1. Câu hỏi được đặt ra là bạn sẵn sàng mất bao nhiêu tiền để chứng kiến đội nhà đăng quang tại Brazil? Và CĐV sẵn sàng chi nhiều tiền nhất, đến từ Chile. Họ sẵn sàng trả hơn 700 USD, tức là hơn 3% thu nhập một năm để được thấy đội nhà vô địch.

Tây Ban Nha xếp gần bét trong “bảng xếp hạng” ấy. Người Tây Ban Nha chỉ muốn chi có hơn 100 USD để có được chức vô địch thế giới lần thứ 2 liên tiếp.

Đó là một câu chuyện rất hay để nói về cái gọi là “khao khát”. Đó chỉ là một giả định, sẽ không có ai đến lấy tiền của dân Tây Ban Nha ngay cả trong trường hợp họ thực sự vô địch. Nhưng dân xứ này dè sẻn ngay cả trong một giả định: họ không có quá nhiều khao khát, nếu không muốn nói là đã “bội thực” các danh hiệu. Việc gì tôi phải mất nhiều tiền để có một thứ tôi đã có?

Nếu như Tây Ban Nha không có 3 chức vô địch lớn từ năm 2008 đến nay, nếu họ ở cái vị thế của người Chile, thì có lẽ khao khát sẽ mãnh liệt hơn rất nhiều.

Ước mơ của CĐV hình như được phản ánh ngay trên sân cỏ. Đội bóng của những người khao khát thành công nhất, cũng là những người làm nên cơn địa chấn lớn nhất của World Cup 2014 đến lúc này. Chile đã đánh bại Tây Ban Nha và tiễn nhà đương kim vô địch về nước.

2. Có rất nhiều nguyên nhân khiến Tây Ban Nha thất bại, nào là phương án nhân sự của Del Bosque, nào là sự sa sút của các cá nhân,… Nhưng có một thứ không thể không nhận ra, đấy là sự hời hợt trong thái độ thi đấu của đội bóng này.

Hời hợt và chủ quan, Tây Ban Nha khiến người ta nhớ đến Pháp. Nhà vô địch năm 1998 đã đến Nhật Bản với một tư thế đầy ngạo nghễ, nhưng là một sự ngạo nghễ uể oải.

Có một chuyện rất nổi tiếng là năm đó, Patrick Vieira chỉ đặt vé cho gia đình sang Nhật sau vòng bảng. Đó không phải là một biểu hiện của sự quyết tâm, mà là ngược lại: đó là khi người ta nghĩ rằng mình ở cái thế không cần phải phấn đấu nữa, bất chiến tự nhiên thành. Đó là biểu hiện của cái khao khát vươn lên đã bị mất đi.

Thế rồi người thân của Vieira cũng chẳng có cơ hội xem World Cup 2002 nữa, vì Pháp đã bị loại từ vòng bảng…

Có bao nhiêu cầu thủ Tây Ban Nha đã mang cái sự chủ quan kiểu Patrick Vieira đến Brazil? Có bao nhiêu người vẫn khinh bạc Chile và Australia sau trận thua muối mặt trước Hà Lan?

3. La Roja dường như đã mất đi cả 2 thứ quan trọng nhất của một nhà vô địch, là khao khát và sự cẩn trọng.

Mất đi một Xavi thì có thể Fabregas ở đỉnh cao có thể bù đắp được, nhưng mất đi khao khát thì không gì có thể mua lại được nữa.

Báo giới Tây Ban Nha chỉ trích đội tuyển tương đối nhẹ nhàng: đó vẫn là những đại công thần và dù nhục nhã đến thế nào thì người dân nước này vẫn hàm ơn họ về những cống hiến trong suốt những năm qua. Có vẻ như chính các cầu thủ Tây Ban Nha cũng ý thức được điều đó, rằng bây giờ ngay cả khi thua cuộc thì họ cũng đã là những huyền thoại rồi.

Có thể nếu khảo sát của IGN được thực hiện sau trận thua Hà Lan, thì người Tây Ban Nha sẽ giật mình mà chi nhiều tiền hơn. Nhưng chắc cũng không nhiều bằng người Chile: cái tâm lý của một kẻ đói khát, cái mong muốn được liên tục vươn lên, đã vĩnh viễn rời xa thế hệ cầu thủ và CĐV này của Tây Ban Nha rồi, một thế hệ quá sung túc.

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm