ĐT Anh: Ông Hodgson đi thuần phục Sư tử

07/09/2012 13:32 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Đội tuyển Anh dưới triều đại của HLV Roy Hodgson đã leo lên vị trí cao nhất trong lịch sử Tam sư trên Bảng xếp hạng FIFA (thứ ba), nhưng đó chưa hẳn là giá trị lớn nhất mà ông Hodgson mang lại.

1. Năm 1966, bóng đá Anh thay đổi mãi mãi. Sir Alf Ramsey dẫn dắt đội tuyển Anh đến với chức vô địch thế giới duy nhất trong lịch sử, và Allen Wade, Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Anh (FA) từ 1963-1983, viết cuốn “Cẩm nang của FA về đào tạo và huấn luyện”, cuốn sách đã trở thành Kinh thánh cho một thế hệ HLV, như Bobby Houghton, Dave Sexton, Don Howe và tất nhiên, Roy Hodgson.



HLV Roy Hodgson - Ảnh Getty

Cuốn sách kinh điển ấy phải được viết dưới dạng một cẩm nang vì như Allen giải thích, nó sẽ không thể được phổ biến dưới dạng một quyển sách chiến thuật bình thường vào thời điểm mà tính hệ thống và chiến thuật không được coi trọng trong bóng đá Anh, với biểu hiện cụ thể là sự coi thường của các cầu thủ với các HLV: “Có 2 giai đoạn thử thách cần phải vượt qua trước khi các ý tưởng được chấp nhận: Thứ nhất, các cầu thủ bỏ qua việc cụ thể hóa các ý tưởng, và thứ hai, họ chế nhạo chúng. Các HLV cần phải trải qua và chấp nhận hai giai đoạn này”.

Trong một thời gian dài, các cầu thủ Anh hoàn toàn coi thường chỉ đạo của các HLV. Walter Winterbottom, HLV đầu tiên trong lịch sử tuyển Anh (dẫn dắt từ 1946 – 1962), đã phải rất vất vả để có thể áp dụng chiến thuật một cách chi tiết thông qua các bài tập, việc chuẩn bị trước trận, và cả chỉ đạo trên sân. Trung phong Tommy Lawton từng hét vào mặt ông ngay trên sân: “Ông định “dạy khôn” Stanley Matthews cách chơi tiền đạo cánh? Và chỉ cho tôi cách ghi bàn cơ à?”.

2. HLV Roy Hodgson, một “tín đồ” của cuốn cẩm nang mà Allen Wade chấp bút, là một nhà cầm quân có đòi hỏi rất cao về tính hệ thống và các ý tưởng chiến thuật ở tất cả các đội bóng mà mình đã từng dẫn dắt, và ông cũng đã từng vấp phải những rào cản đã nói ở trên.

Tiền vệ của Fulham, Simon Davies, tiết lộ: “Nếu bạn chơi dưới quyền ông ấy (Hodgson), bạn phải tự thay đổi, thích ứng với hệ thống và phòng ngự một cách chặt chẽ. Chúng tôi lặp đi lặp lại các bài tập để thấm nhuần triết lý ấy và định hình đội bóng”. Nhưng anh cũng thừa nhận sự nghi ngờ rằng chính vì phong cách ấy, Roy Hodgson đã thất bại ở một đội bóng với nhiều tên tuổi và cá tính như Liverpool, khi các ngôi sao tỏ ra miễn cưỡng trong việc thực hiện những công việc lặp đi lặp lại và nhận những chỉ đạo quá chi tiết của Hodgson.

Davies thừa nhận rằng phải mất một thời gian nhất định, sự can thiệp tỉ mỉ của Hodgson mới được các cầu thủ Fulham chấp nhận, sau khi bị thuyết phục bởi kết quả tích cực: “Chúng tôi tập với bóng trong tình trạng luôn phải chịu áp lực từ phía đối phương, trong các cuộc diễn tập tình huống tấn công và phòng thủ chi tiết, và tập luyện thực sự khắc nghiệt”. Triết lý “can thiệp toàn diện” của Roy Hodgson có rất nhiều điểm chung với Marcelo Bielsa, một nhà tư tưởng chiến thuật lớn, nhưng không thành công với các đội bóng lớn vì thất bại trong việc thuyết phục các cầu thủ cụ thể hóa các ý tưởng khá chi tiết và có phần độc đoán của mình.

3. Nhưng qua 7 trận đấu với kết quả tích cực (thắng 5, hòa 2) vừa qua, tuyển Anh của ông Hodgson đã thể hiện một diện mạo rất khác so với quá khứ, với những chiến thắng tối thiểu, sự giản dị, chặt chẽ, và không bị phân tâm từ những tung hô phù phiếm của truyền thông Anh. Một đội tuyển Anh của mồ hôi, của lao động, của sự chi tiết và tỉ mỉ của mỗi cá nhân trong cả một hệ thống vận hành kỷ luật. Một tuyển Anh đúng chất Roy Hodgson.

Dư luận Anh đã chỉ trích ông Hodgson vì cho tuyển Anh vận hành một sơ đồ tưởng chừng đã lỗi thời là 4-4-2, hay gọi quá nhiều cầu thủ cao tuổi trong đợt tập trung lần này. Nhưng đơn giản là ông đang làm những gì phải làm để giữ vững triết lý của mình, với một hệ thống đề cao sự kỷ luật, tính cân bằng và có thể can thiệp chi tiết một cách dễ dàng hơn, và những cầu thủ kinh nghiệm để cụ thể hóa triết lý ấy.

Không ai hiểu sư tử hơn người đã thuần phục được chúng, và không ai có quyền can thiệp vào quá trình này. Nếu bản năng của sư tử lại trỗi dậy, chúng có thể nuốt chửng lại người dạy.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm