Ca khúc bóng đá: Từ sân vận động tới màn solo của Ronaldo

10/06/2016 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người hâm mộ bóng đá thích hát, bất kể tỷ số là thế nào và hiển nhiên nhiều cầu thủ cũng vậy. Bóng đá không chỉ thấm đẫm những giọt mồ hôi, nước mắt và… bia, mà còn có nhiều giai điệu cảm động. Giống như bất cứ bộ phim hay nào khác, một ca khúc phù hợp với bối cảnh trên sân cỏ cũng có thể mang lại nhiều cảm xúc và tính giải trí.

Các ca khúc của người hâm mộ Anh đặc biệt nổi tiếng, kể cả khi đội tuyển quốc gia về nhà "trắng tay" từ các giải đấu quốc tế. Nước Anh được coi là "chiếc nôi" bóng đá và danh hiệu đó cũng phù hợp với các ca khúc của người hâm mộ môn túc cầu ở xứ sở sương mù.

Fan hát để bày tỏ cảm xúc ở sân cỏ

Các giai điệu pop nổi tiếng như Yellow Submarine của ban nhạc huyền thoại The Beatles, Que Sera Sera của Doris Day hay Go West của ban nhạc Pet Shop Boys đã trở thành lựa chọn của các cổ động viên. Những giai điệu dễ nhớ ấy được fan ghép vào những chủ đề mới, có thể thay đổi tùy thuộc vào tỷ số và đối thủ.

Thậm chí ở Đức, các giai điệu ấy đã trở thành một phần quan trọng của các mùa giải bóng đá. Người hâm mộ đội bóng Đức Schalke 04 từng thay đổi phần ca từ trong ca khúc Go West của Pet Shop Boys và có câu: "Hãy đứng lên nếu bạn là một fan của Schalke 04".


Siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo trình bày ca khúc “Mi Amor”

Tại giải EURO 2012, người hâm mộ bóng đá thực sự tỏa sáng với các khả năng âm nhạc của họ, đặc biệt là trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Ireland. Ở phút thứ 87, Ireland đã để thua 0-4, song lúc đó khoảng 20.000 cổ động viên của Ireland đã khích lệ tinh thần đội bóng của mình bằng cách cùng nhau hát The Fields Of Athenry, ca khúc viết về nạn đói ở nước này hồi thế kỷ 19, tại sân vận động Gdansk.

Họ vẫn hòa giọng kể cả sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Không khí ấy đã khiến bình luận viên truyền hình Tom Bartels xúc động đến mức ông lạc cả giọng.

Mỗi câu lạc bộ bóng đá đều có ca khúc riêng và nước Anh có một số ca khúc được đánh giá là hay nhất mọi thời. Đó là những ca khúc pop được "cải" thành những bài hát về bóng đá hoặc do các ngôi sao pop sáng tác.

Điển hình trong số đó là Three Lions (Football's Coming Home) của ban nhạc alternative rock Lightning Seeds hay You'll Never Walk Alone của ban nhạc Gerry  & The Peacemakers.

Gerry  & The Peacemakers chưa hề có ca khúc ăn khách nào trước khi cover nhạc phẩm You'll Never Walk Alone trong vở nhạc kịch Carousel của Rogers & Hammerstein hồi năm 1963. Lập tức sau đó, You'll Never Walk Alone đã nổi tiếng khắp thế giới, người hâm mộ của FC Liverpool bắt đầu hát ca khúc này ở sân vận động và truyền thống này vẫn được giữ từ đó đến nay, kể cả khi đội bóng của họ thua trận hay chiến thắng.


Ca khúc "You'll Never Walk Alone"

You'll Never Walk Alone còn được nhiều câu lạc bộ bóng đá ở Đức, châu Âu sử dụng, trong đó có cả Borussia Dortmund. Hồi tháng 3, một người hâm mộ đã qua đời sau khi bị cơn đau tim khi đang xem bóng đá ở sân vận động. Thời khắc đó, tất cả các cổ động viên đã hát ca khúc đầy cảm xúc này, kể cả khi trận đấu được tiếp tục trở lại.

Một thời gian ngắn sau đó, người hâm mộ Dortmund lại tạo ra một thời khắc xúc động khác với âm nhạc. Trong trận tứ kết giải Europa League, Dortmund đấu với FC Liverpool và lúc đó huấn luyện viên của FC Liverpool là cựu huấn luyện viên của Borussia Dortmund, Jurgen Klopp. Khi Klopp bước ra sân vận động, tất cả 65.000 cổ động viên của Dortmund và Liverpool đều hát ca khúc You'll Never Walk Alone.

Kể từ EURO 2008, ca khúc Seven Nation Army (2003) của ban nhạc Mỹ White Stripes đã trở thành một nhạc phẩm chủ đạo của bóng đá. Ca khúc này được người hâm mộ bóng đá Bỉ đưa vào sân vận động ở Bruges trong mùa giải Champions League 2003-2004. Nhưng sau đó thì đến cả fan của đội bóng đối thủ cũng say mê ca khúc và nó vẫn sống động đến nay.


Nhạc phẩm "Seven Nation Army"

Cổ động viên của Italy hát Seven Nation Army tại World Cup 2006 ở Đức. Hai năm sau, tại EURO 2008 ở Áo và Thụy Sĩ, nhạc phẩm này lại vang lên ở mỗi trận đấu của đội Italy.

Cổ động viên của FC Bayern cũng hát Seven Nation Army, trong khi fan của Bayer Leverkusen lại thích Rockin' All Over the World của Status Quo. Ở Milan, người hâm mộ lại thích hát Jump của Van Halen, còn ở St.Paul và Salzburg, giai điệu Song 2 của Blur lại được fan lựa chọn. Hay Chelsea Dagger của Fratellis cũng là ca khúc được yêu thích ở nhiều nước.

Ngôi sao túc cầu trở thành ngôi sao pop

"Ngôi sao bóng đá trở thành ngôi sao pop" đã là xu thế trên thế giới. Nhiều năm qua, đội tuyển quốc gia Đức đã được mời vào phòng thu để thu âm cùng các ngôi sao pop như Udo Jurgens, Peter Alexander và ca sĩ giành chiến thắng Cuộc thi Ca khúc châu Âu Eurovision, Nicole.

Năm 2004, ban nhạc Sportfreunde Stiller đã hợp tác với hậu vệ Roque Santa Cruz, từng chơi cho FC Bayern trong 8 năm, trình bày ca khúc Ich, Roque. Hay năm 2010, tiền vệ Mesut Ozil đã mời ca sĩ Jan Delay cùng rap nhạc phẩm Large.

Trong những năm 1970, hậu vệ Anh Kevin Keegan từng lọt vào các bảng xếp hạng với ca khúc pop sướt mướt Head Over Heels in Love. Còn siêu sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo thì "khoe" giọng ca của mình trong nhạc phẩm bossa nova lãng mạn Mi Amor.


"The Fields Of Athenry"


"Head Over Heels in Love"


"Mi Amor"


Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm