30/06/2011 11:57 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Họ là những người hiếm hoi đã (Messi) và đang (Neymar) được cho rằng đủ tài năng để vươn tới đẳng cấp của những huyền thoại trong lịch sử bóng đá của nước họ. Nhưng từ kỳ vọng đến sự vĩ đại là một khoảng cách mênh mông.
Biếm họa Pele và Maradona |
Cụ thể hơn, người ta nhìn thấy được hình bóng của Pele trong Neymar, và Maradona trong Messi, cũng như cái "chất" Brazil (Neymar rất ngẫu hứng, sử dụng rất nhiều những pha xử lý bằng gầm giày, lắc đảo người liên tục) và Argentina (kỹ thuật của Messi khá thực dụng, kết hợp sự tinh quái) đặc trưng bên trong hai cầu thủ nhỏ bé ấy. Để rồi đặt họ vào thế đối đầu, như một sự tiếp nối của lịch sử. Tức là cuộc chạm trán giữa Messi và Neymar, vào thời điểm này, mang nặng tính đại diện cho màu sắc truyền thống, tính kế thừa, hơn là một cuộc chiến được cho là sòng phẳng về mặt tài năng và bản lĩnh.
Việc người Brazil cố gồng mình đưa một cầu thủ mới 19 tuổi lên ngang tầm cầu thủ số một Thế giới thời điểm này (ở chiều ngược lại, người Argentina lại tỏ ra khá ghẻ lạnh với ngôi sao Messi của họ, trong màu áo ĐTQG) cho thấy họ đang khan hiếm những ngôi sao mang tính biểu tượng như thế nào. Nếu Ronaldinho trẻ lại nửa thập kỷ, Kaka không sa sút kinh khủng,... hẳn Brazil đã có một đối trọng tương xứng cho cuộc chiến tay đôi với Argentina ở khu vực Nam Mỹ, để không phải đẩy một cậu bé mới chập chững bước vào vũ đài thế giới như Neymar đến trước mặt một cầu thủ đã tiến bộ không ngừng trong một thập kỷ qua, ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, và đã được thừa nhận là người giỏi nhất như Messi.
Nhưng nếu như nỗi khổ của người Brazil không những được họ chấp nhận, mà còn cố gắng lấp liếm nó đi, thì người Argentina dường như chưa bao giờ chấp nhận nổi một thực tế: Họ có thân xác của Messi, nhưng chưa bao giờ cảm thấy "phần hồn" của anh thuộc về ĐTQG. Sự khắt khe của người Argentina thậm chí khiến Messi cũng phải ngạt thở (mới đây, anh tuyên bố mình không nhận lòng tin tuyệt đối từ các CĐV Argentina).
Người Brazil ước mơ có một ngôi sao đủ đẳng cấp để đặt vào thế đối trọng với kẻ địch truyền kiếp, và họ nén giấc mơ ấy vào trong Neymar, dù bản thân anh chưa đủ lớn. Còn người Argentina chẳng qua là thông qua Messi, ngẫu nhiên bộc lộ ước mơ rằng đội tuyển của họ có thể chơi như Barcelona, và họ chọn cách trút giận lên chính bản thân Messi.
Đó vẫn là thử thách lớn nhất của Messi trên con đường dẫn đến sự vĩ đại. Một bên là một bao tải Cúp với Barcelona, và bên kia là cái túi rỗng cùng ĐTQG Argentina. Chiếc "bao tải Barca" càng nặng, anh càng khó cất mình lên, và bước đi một cách tự tin, trong cuộc đối đầu với Neymar, người đang phải đối mặt với áp lực từ sự kỳ vọng vượt quá giá trị bản thân vào thời điểm này, nhưng chưa cho thấy nhiều hệ quả tiêu cực từ kỳ vọng ấy (Neymar đã chơi khá thành công trong những trận đầu tiên cho Brazil).
Copa sẽ là thời điểm kiểm chứng xem Messi, ở tuổi 24, liệu đã đủ trưởng thành để xua đi một góc khuất trong sự nghiệp lẫy lừng của anh, và liệu Neymar có trở thành một "nạn nhân" của những nỗ lực gồng mình tìm ra một biểu tượng mới của người Brazil? Nếu họ không thể bước qua được áp lực khổng lồ ấy, thì sẽ là dịp để người Argentina và người Brazil tự vấn lại cách những sức ép ấy hình thành.
Dù thế nào, cũng thật tội nghiệp cho họ, những người bị đặt dưới hai cái bóng quá vĩ đại của Pele và Maradona, những người đã sở hữu tổng cộng 4 Cúp vô địch Thế giới (3 cho Pele, và một cho Maradona), và đặt nền móng cho một cuộc chiến mà những "hậu bối" của họ có muốn chối từ cũng chẳng được.
Nhưng cũng vì thế, chỉ những ai thắng nổi lịch sử, mới có thể chạm đến sự vĩ đại. Ở kỳ Copa này, Messi, với sự tiến bộ qua từng năm, sẽ bắt đầu vượt qua được cái ngưỡng ấy chăng?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất