15/01/2016 15:56 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ăn Tết trong ngôi đình cổ nổi tiếng để thêm yêu di sản; trẻ em khám phá tranh Tết Hàng Trống, tranh Đông Hồ; tranh làng Sình; chơi Tết người Mông giữa lòng Thủ đô; gói bánh chưng cho người nghèo ăn Tết…
Đó là bốn trong số nhiều sự kiện hướng về Tết cổ truyền ý nghĩa sẽ diễn ra trong thời gian tới đây tại Hà Nội.
Tết cổ truyền lan tỏa tình yêu di sản
Đình So, nơi diễn ra Tết Việt. Ảnh: Nguyễn Trần Thế Hiệp
“Trong không gian linh thiêng, ấm cúng của ngồi đình làng, mọi người sẽ có dịp quần tụ bên nhau, giúp lan toả tình yêu di sản, tình yêu với những ngôi đình làng Việt. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong mỗi thành viên trong dịp Tết đến xuân về.”
Đó là chia sẻ của đại diện nhóm “Đình làng Việt” về chương trình Tết Việt do nhóm tổ chức sẽ diễn ra tại Đình So (Hà Nội) vào ngày 30/1 tới đây.
Theo dự kiến Tết Việt sẽ tái dựng nhiều sinh hoạt liên quan tới Tết cổ truyền và hun bồi tình yêu di sản như: Hát cửa đình; thi gói bánh chưng; thi bày đồ lễ; viết thư pháp; nói chuyện về Tết Nguyên đán; sinh hoạt âm nhạc truyền thống (chèo, hát văn, ca trù, quan họ...); vinh danh các cụ có công trông giữ đình làng trong chương trình "Vì mái Đình làng Việt - 2015"…
BTC chia sẻ: “Tết Việt là sự kiện giúp mọi người có dịp cùng nhau tham gia các hoạt động chung trong không gian truyền thống của ngôi đình làng Việt, nhân dịp này BTC cũng mong muốn các thành viên, đặc biệt là giới trẻ được khám phá và tìm hiểu những phong tục Tết truyền thống hết sức tốt đẹp của cha ông ta”.
Trẻ em khám phá tranh Tết cổ truyền
Bản khắc gỗ Bà Triệu cưỡi voi được BTC chuẩn bị cho chương trình. Ảnh: BTC.
Sự kiện “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào ngày 17/1 tới đây. Theo thông báo từ BTC, sự kiện thu hút hơn 400 em thiếu nhi trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cụ thể, các em thiếu nhi tới chương trình sẽ tham gia khám phá đồ họa tranh dân gian với tranh Tết Việt xưa. “Các em sẽ được khám phá tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc, tranh làng Sình ở miền Trung, Huế là những dòng tranh nổi tiếng với những nét nghệ thuật đặc trưng”- BTC chia sẻ.
Ngoài ra, dự án với sự tham gia của các họa sĩ đồ họa cũng sẽ giúp các em nhỏ làm nên những sản phẩm đậm chất đương đại như thiệp chúc Tết, bao lì xì năm hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian…
Lý giải về động lực tổ chức sự kiện, nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng: Trong sự “đứt gãy” của những giá trị văn hóa truyền thống, những dự án nghệ thuật như thế này có thể xem như nỗ lực của các nghệ sĩ tạo hình nhằm đưa các giá trị văn hóa dân gian trở về và sống trong lòng văn hóa đương đại.
Không chỉ tạo ra sân chơi cho các bé, dự án cũng là hoạt động tiếp tục hướng đến mục tiêu thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Các bé tham gia sự kiện đồng thời đã đóng góp một phần kinh phí giúp các bạn nhỏ vùng cao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa đông giá rét, đón cái Tết cổ truyền bên gia đình.
Tết của người Mông xuống phố
Ném pao, một trong những trò chơi truyền thống của người Mông mỗi dịp Tết. Ảnh: Phạm Mỹ.
Tết Mông xuống phố là sự kiện văn hóa chào đón năm mới 2016 của cộng đồng người Mông đang sinh sống và học tập tại thủ đô Hà Nội. Sự kiện nhằm quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông đến với bạn bè các cộng đồng dân tộc khác. Đồng thời, sự kiện cũng tạo điều kiện cho sinh viên Mông đang học tập tại Thủ đô đón tết cổ truyền khi xa nhà.
Tết Mông xuống phố được tổ chức ngày 17/1/2016 tại Đại học Văn hóa (418, đường La Thành, Hà Nội) là sự kiện vào cửa tự do tạo ra một không gian mở, sân chơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.
Sự kiện được sự bảo trợ của tổ chức Plan International Vietnam và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh Tế & Môi trường ISEE, nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông (Action for Hmong Development- AHD) phối hợp với Ban liên lạc sinh viên Mông Hà Nội đã xây dựng chương trình dựa trên không gian tết truyền thống của người Mông. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động bảo vệ bản sắc các dân tộc thiểu số của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường ISEE.
Gói bánh chưng xanh cho người nghèo ăn Tết
Gói bánh chưng vì người nghèo là một trong những hoạt động thể hiện đạo lý "lá lành đùm lá rách". Ảnh: Cao Mạnh Tuấn.
Đây là sự kiện nhân văn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có tấm lòng hảo tâm chung tay thực hiện.
Sự kiện sẽ diễn ra ngày 30 - 31/1/2016 tại Làng văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).
Theo thông tin từ BTC, đây là hoạt động có kinh phí được huy động từ xã hội hóa, nguồn đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp. Dự kiến sẽ mua hoặc góp 3.000 bánh chưng xanh của các nghệ nhân làng nghề truyền thống và cá nhân, doanh nghiệp; mua 2.000 hộp mứt tết, bánh, kẹo; mua túi quà, và kinh phí tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, hoạt động phụ trợ; kinh phí tổ chức gói bánh chưng xanh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như mua 400 kg gạo nếp, 120kg đỗ xanh, 120kg thịt lợn, 7000 lá dong, lạt…
Sự kiện sẽ khiến những ngày Tết thêm tươm tất cho các thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc tại các trung tâm thuộc Hà Nội và Bắc Ninh; trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa đang được chăm sóc tại các trung tâm và một số đối tượng khác thuộc thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội; trẻ em dân tộc nghèo, hoàn cảnh khó khăn thuộc một số tỉnh Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng…; nạn nhân chất độc da cam theo đề xuất của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa.
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất