Hồi ký nạn nhân của Roman Polanski 'thẳng thắn đến sửng sốt'

17/09/2013 07:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trong đời, ít ai chưa từng có cảm giác mình là nạn nhân, vào một lúc nào đó. Nhưng Samantha Geimer thì khác, từ “nạn nhân” gắn chặt với cuộc đời người phụ nữ Mỹ này, kể từ khi cô bị đạo diễn lừng danh Roman Polanski cưỡng bức năm 13 tuổi.

Chuyện xảy ra năm 1977, là một trong những vụ bê bối tình dục lớn nhất của giới giải trí trong thế kỷ qua. 36 năm sau, năm 2013, chính Geimer quyết định nhắc lại câu chuyện qua hồi ký The Girl - A Life In The Shadow Of Roman Polanski (Cô gái - một cuộc đời sống trong cái bóng của Roman Polanski). Sách sẽ lên kệ ngày 17/9.

Khi đàn ông có thể làm mọi thứ

Trong bộ phim Chinatown (1974) của Roman Polanski, kịch bản của Robert Towne, có một câu thoại đáng nhớ: “Ông thấy đấy, ông Gittes, hầu hết đàn ông không bao giờ chịu đối mặt với sự thật rằng vào đúng lúc, ở đúng chỗ, họ có thể làm bất cứ thứ gì”.

Câu thoại đó có thể giải thích cho cuộc đời bị đánh cắp của Samantha Geimer - một cựu người mẫu kiêm diễn viên nhí. Từ năm 1977 đến nay, cuộc sống của Geimer không còn tiếp diễn theo cách của những người bình thường. Trái lại, cô từng sa vào ma túy, sống bừa bãi và không được một đạo diễn nổi danh nào mời đóng phim.

Trong hàng chục năm cô bị bao vây bởi cánh báo chí từ khắp nơi trên thế giới, nhận được lời mời trả lời phỏng vấn trong những chương trình trò chuyện của Larry King và Oprah Winfrey (nhưng không đồng ý). Hiện, Geimer 50 tuổi và đang sống ở Hawaii, Mỹ.

Câu chuyện này có lẽ đã được kể đi kể lại hàng nghìn hoặc triệu lần trên các phương tiện truyền thông trong mấy thập kỷ qua: Geimer khi sắp 14 tuổi, tham dự một bữa tiệc ở nhà riêng của tài tử Jack Nicholson. Cô bé khỏa thân nằm trong bồn tắm để Polanski chụp những bức ảnh mà ông hứa sẽ cho đăng trên tạp chí thời trang.

Theo New York Times, có lẽ đó là hoàn cảnh mà người đàn ông bên trong Polanski cảm thấy “có thể làm bất cứ thứ gì”.

Dưới tác dụng của rượu Champagne và chất kích thích do Polanski cung cấp, Geimer đã thuật lại câu chuyện mà về sau cả gia đình cô lẫn cảnh sát Los Angeles, luật sư và cả thế giới đều gọi là “một vụ cưỡng hiếp trẻ vị thành niên”. Nhưng đó hầu như là lần duy nhất Geimer được lắng nghe. Về sau, câu chuyện về phía Polanski - con người, tính cách và cuộc đời chìm nổi sau đó của ông - được quan tâm đặc biệt. Geimer bị đẩy thành nhân vật phụ, không ai biết tên nhớ mặt.

Đúng vậy, điều trái khoáy là dù vụ việc gây tai tiếng rất lớn, truyền thông ráo riết săn đuổi Geimer nhưng công chúng Mỹ lại rất ít biết đến cô. Báo chí phương Tây biết rõ mặt mũi và nhân thân của Geimer đến nỗi bắt đầu săn ảnh cô ở nhà, trường học từ năm cô học lớp 9, nhưng các tình tiết của vụ việc vẫn được hệ thống tư pháp Mỹ giấu kín.


 Samantha Geimer thời niên thiếu (ảnh nhỏ) và hiện nay.
Nạn nhân vô tội hay một Lolita đời thực?

Nay, với sự giúp đỡ của luật sư và người chấp bút, Geimer quyết định kể lại câu chuyện từ góc độ của mình. Có thể, với nhiều người, câu chuyện đã cũ hoặc nghe quen đến chán ngấy nhưng vấn đề là chưa ai hiểu hết nó. Cách nhìn của hầu hết mọi người là vị đạo diễn (năm nay 80 tuổi) đã dụ dỗ và hành xử vô nhân đạo với cô gái bằng tuổi con cháu mình.

Nhưng riêng lời giới thiệu của nhà xuất bản về cuốn hồi ký của Geimer đã gợi ra những thắc mắc khác: “Ai là kẻ săn mồi? Ai là con mồi? Cô gái là nạn nhân vô tội hay một Lolita ranh mãnh bị người mẹ tham vọng điều khiển? Tại sao hệ thống tư pháp hình sự lại thất bạt một cách ngoạn mục như vậy? Sau khi Polanski rời khỏi đất nước, cuộc đời Geimer sẽ như thế nào khi cô mãi mãi bị gắn chặt với một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất Hollywood”.

Geimer, cũng như Polanski, đã trở thành một kẻ trốn chạy truyền thông kể từ năm 1977. Polanski hiện mang quốc tịch Pháp, nếu trở về Mỹ vẫn có khả năng bị truy tố. Việc lời giới thiệu so sánh Geimer với nhân vật văn học Lolita trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vladimir Nabokov cũng gây nhiều nghi vấn mới. Lolita là cô gái tuổi teen quyến rũ, say mê nhục dục và hiểu sức cám dỗ của mình đối với đàn ông. Qua cuốn sách, Geimer thừa nhận một điều quan trọng: ở một khía cạnh nào đó, cô cũng có thể coi là người tham gia vào vụ việc. “Xin hãy lắng nghe: tôi không phải là người ngây thơ” - cô viết. “Nếu bạn viết sách cho mọi người đọc, bạn không muốn bình yên nữa. Chính bạn mời họ nhìn vào cuộc sống của bạn”.

Trong sách, Geimer dành hẳn chương 4 tường thuật lại chính xác những lần giao tiếp giữa cô và đạo diễn Polanski. Cô không ngần ngại kể việc đạo diễn này dẫn dụ cô quan hệ qua đường hậu môn. Nhưng điều cần lưu ý là Polanski không muốn làm việc đó một cách ép buộc mà muốn Geimer cũng được tận hưởng khoái cảm. Còn điều quái gở là đây: Polanski chụp ảnh Geimer ngực trần và đưa cô về nhà để khoe những bức ảnh đó với mẹ và cha dượng của cô. Hai vị phụ huynh chẳng hề phản đối, chỉ không hài lòng vì ảnh chụp trông không chuyên nghiệp và khó có thể được đăng trên các tạp chí thời trang. Những tình tiết như vậy được tiết lộ cho thấy toàn bộ câu chuyện không đơn giản là một vụ cưỡng hiếp. Nó hé lộ về một thời đại ở Hollywood khi các bậc cha mẹ sẵn sàng đánh đổi thể diện của con cái để lấy danh tiếng.
Cuộc đời của các nhân vật trong vụ việc đều bi kịch. Chính Polanski, một đạo diễn vĩ đại về tài năng, cũng trở thành nạn nhân của nghịch cảnh. Vợ ông là nữ diễn viên Sharon Tate bị ám sát khi đang mang thai hơn 8 tháng. Bản thân vị đạo diễn chạy trốn khỏi nước Mỹ, sống lưu vong qua nhiều nước và hiện mang quốc tịch Pháp. Còn Geimer cũng nhắc lại những trải nghiệm ê chề trong phiên tòa khi hai phe luật sư cãi cọ nhau về việc lấy và xét nghiệm mẫu tinh dịch trên quần lót của cô. Đến tận bây giờ, đó vẫn là những chuyện khó nói.



Đạo diễn Roman Polanski sau một phiên tòa ở California (Mỹ) năm 1977, trong thời gian bị khởi tố tội hiếp dâm.

Bảo vệ Polanski?

Dường như Geimer không phát hành cuốn hồi ký để xới lại tội trạng của Polanski. Trái lại, qua cuốn sách, cô phần nào bảo vệ cho Polanski, và khẳng định những gì đã qua thực sự đã qua. Thêm nữa, chuyện đã xảy ra trong một nền văn hóa có những quan niệm rất đa dạng về tình dục và tình yêu.

Cô cũng lưu ý công chúng rằng ở thời niên thiếu của cô, Hollywood bắt đầu có những bộ phim về những cô gái tuổi teen nổi loạn và khám phá tình dục như Taxi Driver (Jodie Foster đóng vai chính) hay Pretty Baby (Brooke Shields đóng). Geimer cũng muốn đính chính những tin đồn ác ý lâu nay, chẳng hạn cô là một thiếu niên lang thang hay có một bà mẹ tự cao tự đại. “Tình dục, tuổi trẻ và quyền lực luôn là “chất đốt” của Hollywood và, như cuốn hồi ký đã chứng minh, thứ chất liệu đó đã bắt lửa dữ dội trong câu chuyện của Roman và Samantha” - nhà văn Joe Eszterhas đúc kết về cuốn sách.

“Cuốn sách là một sự ngạc nhiên toàn diện” - Sheila Weller, một tác giả sách, nhận xét. “Sau hàng thập kỷ nghe về “vụ án Roman Polanski” qua lời tường thuật của người ngoài và những giả định cứng nhắc, đây là một bước ngoặt đáng sửng sốt, là lời kể cá nhân của người trong cuộc. Dí dỏm, quái gở nhưng vẫn chính xác và tinh tế không chỉ về chính mình mà còn về tập tục và văn hóa của một thời rất khác bây giờ. Samantha Geimer là một người kể chuyện biết suy nghĩ và đã kể lại một cách nhân đạo sự xâm phạm gây đau đớn nhưng không làm cô gục ngã”.

“Thành thực nhưng làm người ta nguôi giận và rất riêng tư, The Girl là một hồi ký hấp dẫn: tác giả không hề tự thương hại chính mình và thẳng thắn đến gây sửng sốt, như chính bản thân câu chuyện vậy” - Portia de Rossi, một tác giả khác bình luận.

Publishers Weekly viết: “Cuốn hồi ký có đề cập đến sự phỉ báng đau lòng mà báo chí nhắm vào mẹ của tác giả và sự thất bại ngoạn mục của hệ thống pháp luật Mỹ trong việc xử lý vụ việc. Đây là cuốn sách rất tinh tường”

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm