(TT&VH) -
Trong khi Lazio đang ngự trên ngôi đầu, thì Roma đứng áp chót và bị chê cười dữ dội. Vì sao nhà á quân mùa trước phải chịu cảnh khốn khổ đến vậy? Bởi vì có đến 2 kẻ đang dìm chết màu bã trầu.Kẻ phá hoại Ranieri
HLV Ranieri và thủ quân Totti của Roma, Ảnh Getty |
Chưa đầy nửa năm trước, khi Roma cán đích ở vị trí thứ 2, Claudio Ranieri là người hùng thực sự trong mắt các tifosi Giallorossi. Việc bị hụt hơi một cách bất ngờ và không thể lật đổ sự thống trị của Inter không làm bất kỳ ai phiền lòng. Bởi vì, một tập thể rệu rã vừa đi hết chu kỳ của Spalletti đã được Ranieri vực dậy và mang đến sự ổn định theo cách không thể ấn tượng hơn. Nhưng chỉ sau ba tháng hè ngắn ngủi, những gì tưởng như đang hoàn hảo ấy đã sụp đổ nhanh chóng, khiến
Roma rơi vào cuộc khủng hoảng.
Quá dễ để nhận ra Ranieri đã phá tan tất cả những gì mà mình đã xây dựng. Trong mùa giải thứ 2 dẫn dắt đội bóng quê hương, “Gã thợ hàn” đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác. Đầu tiên là việc làm ngơ với thị trường chuyển nhượng. Adriano, bản hợp đồng đầu tiên và gây ồn ào nhất, dường như gia nhập trung tâm huấn luyện Trigoria chỉ để… điều trị chấn thương, và mới ra sân 2 lần từ đầu mùa (1 ở Serie A). Những người khác đến theo dạng tự do, hoặc hết hạn cho mượn. Ở ngày cuối, việc được Milan “ban ơn” cho Borriello là chưa đủ để làm mới đội hình.
Chưa kể, chính sự xuất hiện của Borriello khiến Ranieri gặp khó khăn trong việc bố trí đội hình. Quá nhiều cầu thủ tấn công và phải chiều lòng những “quý ông” này là điều không dễ dàng. Dưới áp lực và đòi hỏi của các cầu thủ, Ranieri liên tục có những thay đổi về công thức thi đấu, một điều tối kỵ nếu muốn tìm kiếm sự ổn định. Từ đầu mùa, tính từ trận Siêu Cúp Italia, đã có 6 sơ đồ khác nhau được sử dụng chỉ trong 9 trận. Cụ thể, Ranieri đã dùng 4-1-4-1 (Siêu Cúp), 4-4-2 (Bayern), 4-2-3-1 (Cesena), 4-3-1-2 (từ trận Cagliari đến trận thắng Inter), 4-3-3 (Cluj) và mới nhất là 3-5-2 (Napoli).
Không có một lối chơi hợp lý, các cầu thủ gặp khó trong việc tạo sự cân bằng và tìm sợi dây kết dính, Roma chìm trong khủng hoảng là một sự tất yếu.
Kẻ phá hoại TottiNói qua thì cũng phải nói lại. Ranieri có lỗi trong cuộc khủng hoảng của Roma, nhưng không phải chỉ một mình ông. Nói thẳng ra, Totti chính là nguyên nhân thứ 2 đẩy Roma ngập trong khốn khó. Không còn biết đến bàn thắng là gì, không tạo được kết dính với các đồng đội xung quanh, khơi mào cho mâu thuẫn nội bộ đang lên đến cực điểm ở Trigoria, Totti đáng phải chịu trách nhiệm khi mà Roma vẫn chưa tìm thấy chút tia sáng hy vọng nào.
Im lặng trong 8 lần ra sân, với tổng cộng 666 phút, đó không phải hình ảnh của một Totti có hiệu suất đáng nể mùa trước, với trung bình 0,77 bàn/trận. Đó cũng không phải hình ảnh chân sút tốt thứ 6 lịch sử Serie A (192 bàn), và là xuất sắc nhất trong số những người còn thi đấu. Đồng ý là tuổi tác (34) đã làm giảm độ nhạy bén và nhanh nhẹn của Totti. Nhưng hãy nhìn sang thành Torino và Milano, nơi mà những “ông lão” Del Piero (sắp 36) và Inzaghi (37) đều đã có bàn thắng cho các CLB của mình.
Vấn đề của Totti? Phong độ xuống và sự ích kỷ. Luôn nhạt nhòa trên sân, nhưng Totti xem mình là vị trí không thể thay thế. Ngay đến việc bị thay ra khi đội nhà cần tìm kiếm giải pháp mới đã là phật ý Totti, chứ đừng nói việc đưa anh vào danh sách dự bị trước giờ bóng lăn. Khi người thủ lĩnh tồn tại một cách vật vờ trên sân, khiến các đồng đội không tìm được chỗ dựa, và khởi xướng cuộc “tấn công” nhắm vào HLV (ở Napoli, đến lượt Borriello chỉ trích Ranieri vì bị thay ra), anh ta còn xứng đáng đá chính?
Trong quá khứ, Baggio và Del Piero, những người đội trưởng có lối chơi và vai trò tương tự Totti, đều “ngoan ngoãn” ngồi ngoài vì thành tích của đội nhà, vậy thì sao “Il Capitano” của Roma lại không làm được (và không chịu làm) điều đó? Lúc này, Roma cần sự đối thoại giữa Totti (và các cầu thủ) với Ranieri, như từng có trước trận thắng Inter. Khi mà mâu thuẫn nội bộ được đẩy lùi, người ta mới toàn tâm toàn ý đưa con tàu đang chênh vênh vượt qua cơn sóng dữ.
Ngọc Linh