Phạm Băng Băng 'không phải là Phan Kim Liên'

25/09/2016 09:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một phụ nữ nông thôn lam lũ, gõ cửa khắp các cấp chính quyền với lá đơn khiếu nại suốt vài chục năm là hình ảnh hoàn toàn khác biệt với các vai diễn “lộng lẫy, yêu kiều” trước đó của Phạm Băng Băng, khi cô tham gia I Am Not Madame Bovary (Tôi không phải Phan Kim Liên), tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Phùng Tiểu Cương.

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của chính mình, nhà biên kịch Lưu Chấn Vân đã cung cấp một “bài giảng ngắn” ngay phần đầu phim, để khán giả thấy 3 chữ Phan Kim Liên có ý nghĩa ra sao trong nền văn hóa Trung Quốc.

Phạm Băng Băng khác lạ

Phan Kim Liên là một vẻ đẹp hư cấu, sau khi không dụ dỗ được tình cảm của em chồng, đã dần rơi vào vụ ngoại tình với người đàn ông khác rồi tham gia vào âm mưu giết hại chính người chồng bao năm bên cạnh mình.

Tên của người đàn bà được xem là điển hình cho mẫu phụ nữ thủ đoạn và lẳng lơ này hầu như không liên quan gì tới nhân vật nữ chính Lý Tuyết Liên do Phạm Băng Băng thủ vai, trong Tôi không phải là Phan Kim Liên, người xuất hiện trong những cảnh đầu tiên, khi tới van nài một quan chức địa phương đứng về phía mình trong vụ kiện chống lại chồng cũ.


Đây là vai diễn khá lạ với Phạm Băng Băng, nữ diễn viên thường đóng đinh với những nhân vật xinh đẹp như Võ Tắc Thiên và gần đây là Dương Quý Phi

Tình cảnh Tuyết Liên trải qua không phải là một trường hợp đơn giản: Cô tuyên bố mình và chồng cũ Tần Ngọc Hà đã "giả ly hôn" vài tháng trước đó để đủ điều kiện hưởng lợi từ chính sách nhà ở của chính phủ. Nhưng khi họ đạt được mục tiêu, chồng Tuyết Liên lại biến giả thành thật, kết hôn với một phụ nữ khác chứ không cưới lại cô như đã bàn.

Lý Tuyết Liên quyết định tìm đến nơi ở của chồng để nói lời phải trái. Ban đầu, cô chỉ định nói cho hả giận rồi bắt chồng ly hôn với người đàn bà kia nhưng lại bị Tần Ngọc Hà bồi cho một câu đau đớn: "Lúc cưới tôi, cô còn là gái trinh không? Đêm tân hôn, chẳng phải cô thừa nhận mình từng ngủ với thằng khác ư?", rồi tiếp tục: "Cô có phải Lý Tuyết Liên không nhỉ. Tôi thấy cô đích thị là Phan Kim Liên mới phải".

Bị một gáo nước lạnh dội vào mặt, nhưng Lý Tuyết Liên vẫn đầy cương quyết: "Thật giả không quan trọng! Quan trọng là tôi không phải là Phan Kim Liên!".

Rồi để chứng minh vụ ly hôn là giả và mình không giống Phan Kim Liên, nhân vật của Phạm Băng Băng đã cầm đơn kiện đi nộp suốt 20 năm, từ thị trấn lên huyện, từ thành phố tới cả trung ương. Trên chặng đường đó, cô như bị bủa vây bởi những người đàn ông luôn coi thường phụ nữ.

Để hóa thân vào vai Tuyết Liên, Phạm Băng Băng chấp nhận làm xấu mình trên màn ảnh. Cô mặc trang phục rộng và thô ráp, gương mặt lấm lem, mái tóc chải tứ tung. Trong quá trình quay, cô cùng ê-kíp cũng phải quay nhiều cảnh vất vả, lam lũ  khắp các vùng quê nghèo ở Trung Quốc.

Khi không còn lớp trang điểm kĩ lưỡng, những phục trang cầu kì, dường như khán giả dễ chú tâm hơn vào lối biểu cảm của nữ diễn viên được mệnh danh là mỹ nhân hàng đầu Trung Quốc.


Tạo hình có phần khắc khổ của Phạm Băng Băng trong “Tôi không phải là Phan Kim Liên”

Phùng Tiểu Cương trở lại

Xét về mặt chuyên môn, đạo diễn Phùng Tiểu Cương cho biết ông cũng hài lòng với diễn xuất của Băng Băng: "Đây là tác phẩm đầu tiên sau 3 năm vắng bóng của tôi. Tôi chọn Phạm Băng Băng và tin rằng khán giả sẽ không thất vọng" - đạo diễn Phùng chia sẻ.

Trong buổi chiếu ra mắt Tôi không phải Phan Kim Liên tại LHP Toronto, Phạm Băng Băng cho biết, cô mong rằng tiêu đề của bộ phim, mà tựa đề tiếng Anh lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Madame Bovary từ thế kỷ 19 của tác giả Gustave Flaubert và cũng xoay quanh cuộc đời của một phụ nữ dấn thân vào cuộc tình vụng trộm nhằm thoát khỏi cuộc sống nơi vùng quê nghèo khổ, có thể giúp thu hút sự chú ý của khán giả.

"Bởi vì Madame Bovary là nhân vật mang tính biểu tượng, tôi nghĩ nó sẽ khiến khán giả chú ý ngay lập tức" - Phạm Băng Băng chia sẻ với Reuters - "Tôi muốn khán giả đánh giá cao tiêu đề khi họ xem và cảm nhận bộ phim".

Dù bộ phim có nội dung rất kiểu Trung Quốc, bạn diễn của Phạm Băng Băng là Quách Đào cũng nhấn mạnh mong muốn rằng khán giả toàn cầu có thể cảm nhận cái hay của tác phẩm điện ảnh này - "Tôi nghĩ nhiệm vụ của một bộ phim là giúp truyền bá văn hóa, và tôi tin rằng có rất nhiều điều về nền văn hóa có từ xa xưa của Trung Quốc được thấy trong bộ phim này”.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm