Phim hiếm của Hitchcock gây tranh cãi nảy lửa

11/01/2014 10:45 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Ít người biết rằng nhà làm phim Anh huyền thoại Alfred Hitchcock từng cho ra đời một bộ phim tài liệu về các trại tập trung chết chóc của phát xít Đức. Cuối năm nay, phiên bản đầy đủ của phim sẽ lần đầu được trình chiếu trước công chúng thế giới, nhưng đã gây tranh cãi ngay lập tức.

Năm 1945, Hitchcock được người bạn đồng thời là nhà bảo trợ Sidney Bernstein đề nghị hỗ trợ làm một bộ phim tài liệu về sự tàn bạo của phát xít Đức.

Gây ì xèo ngay từ ý định phát hành phim

Phim sẽ dựa trên những thước phim quay các trại tập trung, do các nhóm làm phim của quân đội Anh và Liên Xô (cũ) ghi được. Tuy nhiên, bộ phim tài liệu này chưa hề được phát hành.

“Phim bị đình lại vì tình hình chính trị thay đổi, đặc biệt ở Anh. Khi phát hiện ra các trại tập trung, người Anh và Mỹ muốn phát hành phim nhanh chóng để gây áp lực buộc người Đức phải nhận trách nhiệm về những hành động tàn bạo của họ. Nhưng thời gian làm phim diễn ra lâu hơn so với kế hoạch. Cuối năm 1945, lực lượng Đồng Minh nhận thấy việc đào sâu vào tội lỗi của người Đức cũng chẳng giúp gì được cho hoạt động tái thiết thời hậu chiến. Cuối cùng các cuộn phim đã bị lãng quên trong bảo tàng” – tiến sĩ Toby Haggith, phụ trách bộ phận nghiên cứu thuộc Bảo tàng Chiến tranh Đức quốc xã, cho biết.


Nhà làm phim Anh huyền thoại Alfred Hitchcock

Trong những năm 1980, một nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện ra bộ phim tài liệu này nằm trong một chiếc hộp đã bị han rỉ. Năm 1984, phiên bản không đầy đủ của phim được trình chiếu tại LHP Berlin. Năm 1985, phim tiếp tục được chiếu trên kênh PBS của Mỹ, nhưng chất lượng rất kém và thiếu cuộn phim thứ 6.

Giờ đây, Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc đã cẩn thận phục dựng lại phim bằng công nghệ kỹ thuật số. Bản phim đã được phục chế mang tên Night Will Fall. Cả bản phim gốc và phim đã qua phục chế sẽ được chiếu trên truyền hình Anh vào đầu năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng châu Âu. Trước đó, phim sẽ được chiếu tại nhiều liên hoan phim và rạp chiếu.

Nhưng phim đã gây tranh cãi ngay từ khi người ta bắt đầu phục chế nó. Billy Wilder, tác giả bộ phim Death Mills (1945) mô tả về sự tàn bạo của phát xít Đức, chất vấn rằng trong bối cảnh hiện đại, liệu phim có thể mang thông điệp “giáo dục” gì tới cho người Đức? Liệu người Đức hiện đại có phải chịu trách nhiệm trước những gì phát xít Đức đã làm nhân danh họ.

“Người Đức không thể đối diện với hiện thực đó. Wilder từng nói với tôi, mọi người đã rời rạp chiếu hoặc nhắm mắt. Họ không muốn xem. Họ không thể chịu đựng nổi khi xem những bộ phim tài liệu như vậy” - Volker Schlondorff, một người bạn của Wilder nói về trải nghiệm của khán giả với phim Death Mills.


Trại tập trung Belsen năm 1945, dưới sự kiểm soát của Anh sau khi được giải phóng

“Vừa khủng khiếp vừa xuất sắc”

Trong phim tài liệu quân đội mang tên Memory Of The Camps mà Hitchcock dựa vào để làm phim của ông, có hình ảnh những xác người lõa lồ bị chất thành đống trong các ngôi mộ tập thể. Phim có cảnh người Đức phải chứng kiến các tội ác mà binh lính phát xít thực hiện, bị ép buộc tham gia chôn xác người chết.

Ông Toby Haggith nhận định rằng “phim mô tả ngay thẳng” hơn bất cứ bộ phim tài liệu nào khác về các trại tập trung. Tuy nhiên, chính sự chân thực của nó sẽ có thể mang tới những trải nghiệm khó khăn cho khán giả.

Bản phim phục dựng lại đã gần được hoàn tất và khán giả hiện đại sẽ phản ứng ra sao với nó? “Sau 2 buổi chiếu thử, nhiều đồng nghiệp, chuyên gia và sử gia điện ảnh cảm thấy bối rối. Khi ngồi trong một rạp chiếu tối om và chú tâm nhìn màn hình, đầu óc bạn rất tập trung, không giống như khi xem truyền hình. Bản phim được phục dựng bằng kỹ thuật số làm cho những hình ảnh trong phim trở nên rõ rệt sắc nét. Lúc xem xong, một chuyên gia đánh giá: “Phim vừa khủng khiếp vừa xuất sắc””.

Có thể xem đây là lời ca ngợi tay nghề của Hitchcock và các nhà làm phim quân đội, những người đã ghi lại những hình ảnh tàn bạo của thời kỳ đó, biến chúng thành một câu chuyện dễ hiểu, khiến khán giả xúc động nhưng cũng run sợ trước hậu quả của tội ác.

Hiện các nhà phục dựng chỉ còn phải thêm phần giải thích nội dung vào phim. “Chúng tôi không thể cắt bỏ những hình ảnh tàn bạo trong phim, song chúng tôi có thể giúp khán giả hiểu rằng tại sao những cảnh đó được ghi lại” – ông Haggith nói.

Việt Lâm (theo The Independent)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm