23/07/2012 13:24 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
“Mức độ tín nhiệm tài chính của Tây Ban Nha là gần như bằng không. Độ tin cậy về chính trị là không có” - các chuyên gia kinh tế châu Âu đưa ra cảnh báo. Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán TBN giảm mức kỷ lục 5,8%. Thủ tướng Mariano Rajoy thông qua quyết định cắt giảm chi tiêu công 65 tỷ euro trong vòng hai năm tới, đồng thời đánh thuế cao hơn nữa.
Các nhà đầu tư nước ngoài lũ lượt chạy khỏi TBN trong thời gian ngắn gần đây; Chính phủ các cộng đồng tự trị lên tiếng cầu cứu; tỷ lệ thất nghiệp tiến sát đến mốc 25% và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ được cải thiện. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, 40.625 công dân TBN đã ra nước ngoài tìm việc, tăng 44,2% so với cả năm 2011. Manuel Moreau, người đứng đầu Viện Kỹ thuật TBN, đưa ra dự đoán: “Chúng tôi ước tính trong vòng 5 năm tới, 10.000 kỹ sư cao cấp sẽ chạy khỏi đất nước này”.
Bộ mặt kinh tế TBN rõ ràng đang rất thảm hại, và đà suy thoái hứa hẹn còn tăng cao hơn nữa. Trong bối cảnh ấy, một nghịch lý đang tồn tại ở TBN thông qua các hoạt động liên quan đến bóng đá. Hai gã khổng lồ Barca và Real sẽ chỉ rõ về những nghịch lý này.
Đại gia thời khủng hoảng
Trong bản báo cáo tài chính, Barca công bố mức doanh thu kỷ lục 494,9 triệu euro. Như vậy, tổng doanh thu của Barca tăng 4,5% so với mùa giải trước đó. Sau khi đã trừ hết chi phí hoạt động và các khoản thuế phải nộp, Barca đạt lợi nhuận gần 49 triệu euro. Trước đó, Real cũng đã công bố doanh thu đạt mức 512 triệu euro, cao hơn tất cả các CLB thể thao khác trên thế giới. Thấp hơn một chút so với Barca, lợi nhuận sau thuế mà “Nhà Trắng” đạt được là 32 triệu euro.
Sau khi đạt được những con số kỷ lục về mặt kinh tế, Real và Barca đang vạch kế hoạch cho mùa giải mới với các con số đầy mơ ước: ngân sách hoạt động của nhà vô địch La Liga 2011-12 là 500 triệu euro; trong khi đội á quân được chi tiêu tối đa 490 triệu euro (mùa trước, Barca chi tiêu 441,1 triệu euro).
Chưa hết, trong điều tra mới nhất của Forbes, Real và Barca là hai trong số những CLB có giá trị lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, Real đứng thứ hai trong danh sách các CLB thể thao thế giới (sau M.U), với tổng giá trị là 1,88 tỷ USD. Barca đứng thứ 8, với 1,31 tỷ USD.
Nếu chỉ nhìn vào các hoạt động tài chính của Real và Barca, thật khó để tin nền kinh tế TBN khủng hoảng trầm trọng đến vậy. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Trong khi các nhà hoạt động kinh tế và quan chức lãnh đạo TBN đang đau đầu trước cơn suy thoái với tốc độ đáng sợ, thì hai đại gia này ung dung ngồi rung đùi đếm tiền. Và đó chưa phải là tất cả. Real còn đang nỗ lực cho bản hợp đồng mua Luka Modric với chi phí không ít hơn 30 triệu euro. Barca cũng chưa từ bỏ mục tiêu Javi Martinez (Bilbao đòi phí chuyển nhượng 40 triệu euro), sau khi đã chi 14 triệu euro cho Jordi Alba (đắt nhất La Liga mùa hè 2012, tính đến nay).
Cũng cần nhấn mạnh thêm, bóng đá các cấp độ đội tuyển TBN liên tiếp gặt hái chiến thắng vang đội trên sân cỏ, và thu về khoản tiền thưởng kếch xù. Giá trị hình ảnh của TBN tăng lên rất cao nhờ bóng đá thời gian qua. Chỉ có điều, người ta vẫn chưa thể khai thác thành công ảnh hưởng của bóng đá đối với kinh tế TBN. Bóng đá TBN có thể gọi là một ngành nghề riêng, khi có đóng góp 1% trong tổng sản phẩm quốc nội (mỗi năm góp 10 tỷ euro vào ngân sách quốc gia).
Ngọc Huy
512 - Tổng doanh thu của Real trong mùa giải vừa qua là 512 triệu euro. Trong khi đó, Barca có doanh thu 494,9 triệu euro, tăng 4,5% so với mùa giải trước đó. 48,8 - Barca là đội làm ăn có lãi nhất TBN mùa giải 2011-12, với lợi nhuận sau thuế 48,8 triệu euro. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Real vào khoảng 32 triệu euro. 25% - Tính đến thời điểm này, tỉ lệ thất nghiệp tại TBN lên đến 25%, một con số kỷ lục. 40.625 công dân TBN đã ra nước ngoài để tìm kiếm công việc. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất