21/06/2012 13:33 GMT+7 | Bảng D
(TT&VH)- Anh chưa hề chiến đấu vì ai cả, ngoại trừ bản thân anh, cái tên của anh và danh dự của anh. Nhưng trong một đêm mà Thụy Điển chiến đấu chỉ còn vì danh dự, Zlatan Ibrahimovic đã lần đầu tiên chiến đấu vì những người khác, với tấm băng đội trưởng trên tay và trách nhiệm khôi phục lại đội Thụy Điển sau EURO năm nay. Một cú cắt kéo siêu đẳng cho một lời chia tay, mà như kèm theo nắm đấm hăm dọa: “Chờ đấy, tôi, Ibra, và Thụy Điển sẽ còn trở lại”.
Ibra có, và Ibra không. Người Thụy Điển thậm chí đã từng đặt ra câu hỏi ấy trước giải năm nay, khi các con số thống kê chỉ ra rằng ở các trận vòng loại EURO, Thụy Điển chỉ thắng được 55% số trận đấu khi có Ibra, và 100% khi không có anh. Một tiền đạo siêu đẳng, nhưng không hề có ý định hợp tác với các đồng đội, và thậm chí là sẵn sàng phá tan lối chơi của cả đội để thỏa mãn cá nhân mình. Một con người kiêu căng và ích kỷ ở ngoài đường piste, thích gây gổ, và việc từng giành đai đen taewonkdo không những không đánh thức tinh thần thượng võ, mà thậm chí còn làm cho sự hung hăng của Ibra trở nên trầm trọng hơn.
Anh là người đã từng hất hàm trước toàn đội Ajax và lớn tiếng rằng “tôi là Ibra, còn các người là ai?”, từng dọa đá gãy chân Rafael van der Vaart, khi cả hai còn là đồng đội ở đội bóng thành Amsterdam, từng đánh nhau với Oguchi Onyewu, thời trung vệ người Mỹ này còn đá cho Milan, gây gổ với Patrick Vieira khi còn ở Inter. Đến HLV, Ibra cũng chẳng tha, và cựu HLV của Barcelona, ông Pep Guardiola có thể chứng thực điều này.
Ibra (trái) và cú vô lê thần sầu mở tỉ số trước đội tuyển Pháp- Ảnh Getty
Báo chí Italia từng vẽ một bức tranh biếm họa rất sâu sắc về sự tráo trở của Ibra: Từ Juventus, Inter cho đến Milan, anh đều từng phát biểu rằng đó những đội bóng mà anh hằng “mơ ước”, “mạnh nhất”, rồi “không thể đánh bại” v.v Và mỗi lần nói ra những lời như thế, cái mũi khoằm của Ibra lại mọc dài ra một chút như Pinocchio, một sự trừng phạt cho những lời trung thành giả dối, cho đến khi cái mũi ấy biến thành một cái… cây lớn cho chim chóc làm tổ. Ibra thì chưa bao giờ có ý định “làm tổ” ở đâu, vì sự ích kỷ và thích gây gổ với chính các đồng đội, và lối chơi quá cá nhân.
Khi cái mũi Pinocchio biến mất
Khi anh phát biểu về sự trung thành và một tương lai gắn bó lâu dài với đội Thụy Điển, và đứng ra úy lạo tinh thần các đồng đội trong buổi tập sau trận thua đội tuyển Anh, có một sự thay đổi đang manh nha xuất hiện, nhưng chưa đáng tin cậy. Những gì Ibra nói và những gì Ibra làm thường cách nhau quá xa, như khi mỗi lần anh “trình bày” về tình yêu với một đội bóng anh khoác áo, để rồi luôn muốn tất cả phải phục vụ anh trên sân, và biến mất lúc các đồng đội cần anh nhất.
Nhưng cú cắt kéo siêu đẳng vào lưới đội tuyển Pháp, một khoảnh khắc phi thường, đã lần đầu tiên xác nhận cho chúng ta biết rằng Ibra nói được, thì làm được. Một Ibra có trách nhiệm với tấm băng đội trưởng trên tay, và biết hành động vào thời điểm mà người Thụy Điển vốn giàu lòng tự tôn cần một chiến thắng danh dự. Thậm chí, Ibra và các đồng đội của anh đã có thể nã vào lưới đội Pháp đến 3-4 bàn, nếu Hugo Lloris không chơi xuất sắc.
Ibra từng bảo anh chẳng quan tâm gì đến chuyện đội nào vô địch EURO, vì xong việc, anh sẽ đi nghỉ hè, và anh “chẳng có lý do gì để chống lại đội Pháp, ngoài lòng tự tôn nghề nghiệp bị đe dọa”, theo đúng cái kiểu bất cần đời và thậm chí vô trách nhiệm của mình. Nhưng trận gặp Pháp lại là thời điểm anh chứng minh được trách nhiệm ấy, dù luôn chối bỏ rằng mình đã trưởng thành và thực sự muốn là thủ lĩnh của đội tuyển Thụy Điển.
Một lời nói dối khác, nhưng cái mũi Pinocchio lại biến mất. Ibra, khi đã 30 tuổi và đeo trên tay tấm băng đội trưởng, có lẽ ý thức được rằng đã đến lúc phải thay đổi thực sự, để một trong những tài năng kiệt xuất nhất của Thụy Điển một thập kỷ qua không bị phí hoài vì sự trẻ con và ích kỷ của mình.
Ban Cầm
Erik Hamren cũng đã được “cứu thoát” Với HLV Erik Hamren, thì trận gặp Pháp là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ rằng ông đang đưa đội tuyển Thụy Điển đi đúng hướng. Ông Hamren là một nhà cầm quân theo trường phái kiểm soát bóng, chơi chuyền ban nhỏ và tấn công, lối tư duy đi ngược lại với phong cách truyền thống của đội Thụy Điển, là phản công, sử dụng bóng dài, lối chơi giàu thể lực. Hai trận đầu vòng bảng, chúng ta chưa nhìn thấy được hình ảnh của tuyển Thụy Điển mà Hamren mong muốn, cho đến trận thắng đội tuyển Pháp, chấm dứt mạch 23 trận bất bại của đội áo lam: “Việc chúng tôi có thể giành thắng lợi theo cách này đồng nghĩa với rất nhiều niềm tin sẽ tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn và có thể hoàn thiện mình hơn nữa”. Thụy Điển sẽ vẫn tin tưởng vào Hamren, và qua những gì đã thể hiện, chúng ta biết đó không phải một đức tin mù quáng. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất