Real thua trận 'Kinh điển', nhưng sẽ trở lại mạnh mẽ?

25/03/2015 11:24 GMT+7 | Real Madrid

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận “Kinh điển” hôm Chủ nhật, trong phòng họp báo của sân Camp Nou, cả hai HLV Carlo Ancelotti và Luis Enrique đều nói về cuộc đọ sức giữa “2 CLB mạnh nhất thế giới”.

Real Madrid đang là nhà ĐKVĐ Champions League và Club World Cup, trong khi Barcelona đã có 2 Champions Leagues và Club World Cup từ năm 2009, cả Ancelotti và Enrique đều có quyền tuyên bố như thế. Cũng chính vì lẽ đó, Real Madrid cho thấy qua bàn thắng của họ vào lưới đối thủ ở Camp Nou rằng họ sẽ chưa chịu khuất phục. Thử nghĩ xem, việc ghi bàn vào lưới “1 trong 2 đội bóng mạnh nhất thế giới” với việc chuyền bóng từ thủ môn lên tới người ghi bàn trong 20 giây qua 5 cầu thủ và 14 lần chạm bóng ngoạn mục thế nào?

Bao nhiêu đội bóng ở châu Âu không thể giữ bóng trong chân tới 20 giây? Bao nhiêu đội nữa có thể có 14 lần chạm bóng trong 20 giây? Để cho bạn dễ tính toán, bóng ở trong chân mỗi cầu thủ Real Madrid trung bình chỉ 1,5 giây trong bàn thắng đó, do Cristiano Ronaldo kết thúc. Chỉ riêng bàn thắng đó thôi đủ là tiêu tan mọi câu hỏi thực dụng về trận đấu, như việc ai sẽ chiến thắng, Ancelotti có bị sa thải hay không và liệu đây có phải là trận “Kinh điển” cuối cùng của Iker Casillas và Xavi không.


Ronaldo ghi một bàn thắng ngoạn mục vào lưới Barca

Bàn thắng đó cũng không nhận được đủ sự chú ý. Sau trận đấu, một phóng viên truyền hình đã hỏi Enrique về việc liệu Real Madrid đang có ngày càng chơi giống với “phong cách Barca truyền thống”. Enrique rõ ràng không thích câu hỏi đó: “Tôi hài lòng với việc dẫn đầu, hài lòng với Barca mà tôi đang thấy. Tôi không thường nói về các đối thủ…”

Thêm nữa, phải thấy rằng dù cho Real Madrid có chơi đẹp mắt tới đâu cùng Ancelotti, Los Blancos không hề giống với Barcelona dưới thời Guardiola. Dù hấp dẫn thế nào, và trong chuỗi 22 trận thắng liên tiếp hồi mùa thua và mùa đông, họ chắc chắn đã chơi rất hấp dẫn, Real vẫn là một trường phái hoàn toàn khác so với lối chơi nhấn mạnh cầm bóng kiểu Guardiola.

Đôi lúc trong một trận đấu cụ thể họ có thể giống nhau, nhưng những triết lý cơ bản thì không hề. Hãy trở lại với bàn thắng của Ronaldo. Đó là một bàn thắng phải lẽ ra phải được đánh giá cao hơn nếu như nó không phải là của đội thua trận. Cầu thủ TBN duy nhất tham gia vào tình huống đó là Casillas, nhưng bàn thắng chính xác là điều đã khiến La Liga thống trị bóng đá châu Âu những năm vừa qua: kỹ thuật thuần túy, nhãn quan, tốc độ chuyền bóng, sự thông minh và đa văn hóa (bàn thắng có sự tham gia của những cầu thủ 6 quốc tịch khác nhau: TBN, Đức, BĐN, Croatia, xứ Wales và Pháp).

Đầu tiên là việc chấp nhận rủi ro. Tốc độ của bóng đá hiện đại khiến cho các thủ môn luôn lựa chọn giải pháp an toàn sau mỗi tình huống họ phát bóng lên, hoặc là chuyền cho hậu vệ gần nhất, hoặc là phát thật mạnh lên qua vạch vôi giữa sân. Ở đây, Casillas đã quyết định chuyển bóng cho một tiền vệ trung tâm, Toni Kroos, ở một khu vực mà việc đón bóng bước một của tuyển thủ Đức phải là hoàn hảo. Não bộ bóng đá của anh phải hoạt động với công suất cao nhất, khi vừa xử lý bóng bước một, vừa phải phán đoán và có đủ nhãn quan để nhận ra các đồng đội đang ở đâu để chuyền bóng tiếp. Bằng không, Madrid đứng trước nguy cơ lớn bị mất bóng, và đó sẽ là một cơ hội ghi bàn cho đối phương. Ngay khi Kroos nhận bóng, anh đã bị cả Gerard Pique và Ivan Rakitic áp sát.


Toni Kroos luôn bị cầu thủ đối phương áp sát

Khá chắc chắn là một đội bóng của Pep Guardiola sẽ không chấp nhận thứ rủi ro như thế. Ngay tại Bayern Munich bây giờ, Pep vẫn luôn nhấn mạnh sự kiên nhẫn và thận trọng, dù đội bóng của ông hoàn toàn áp đảo so với các đối thủ trong nước, và cho tới giờ, cả ở châu Âu. “(Các hậu vệ) phải ở đúng vị trí để đảm bảo nếu như rủi ro phát sinh thành biến cố, hàng thủ không quá trống trải, mà vẫn kiểm soát được các khoảng trống, các hậu vệ cần chuyền bóng cho tiền vệ nếu như họ bị gây sức ép”, ông viết trong cuốn sách nổi tiếng của mình, “Pep Confidential”.

Kroos không như thế. Anh đón bóng bước một gọn gàng. Nhãn quan bóng đá giúp anh nhận ra Ronaldo đang không bị ai kèm và dù khoảng trống là rất ít ỏi, Kroos vẫn chuyền từ trung lộ ra cánh phải và Madrid tăng tốc. Rủi ro cũng không hề nhỏ với đường chuyền áp chót của Luka Modric. Nhận thấy Karim Benzema đang di chuyển, anh hất bóng chính xác vào khoảng trống phía trước, cho thấy tầm nhìn và kỹ thuật thượng thặng của tiền vệ người Croatia.

Chúng ta cũng thấy sự chấp nhận may rủi khi Benzema có cú đánh gót đầy chất nghệ sĩ cho Ronaldo. Kỹ thuật, tầm nhìn và sự tự tin để triển khai pha bóng đó đều ở đẳng cấp cao nhất, nhưng Benzema cũng hiểu rằng anh có thể hoàn toàn tin cậy nơi Ronaldo rằng bàn thắng sẽ đến.

Modric đã có thể thực hiện một đường chuyền dễ dàng hơn, để đảm bảo rằng Real vẫn giữ được bóng.Với Benzema, pha xử lý quá phức tạp đương nhiên là đứng trước rủi ro trở thành một tình huống không ăn ý ngớ ngẩn vụng về và bị chế giễu. Nhưng tất cả đã diễn ra đúng như kết hoạch.

Đây đã là lần thứ ba Real Madrid làm như thế mùa giải này. Ở Almeria tháng 12 vừa rồi, bàn thứ 3 của họ là một pha phối hợp 8 đường chuyền trong 15 giây từ bên ngoài khu cấm địa đội nhà tới lưới của đối phương. Bóng trôi qua chân Raphael Varane (một đường chuyền nhiều rủi ro nữa) tới chỗ Isco (người có kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật), rồi Kroos, rồi Ronaldo, Bale (một pha đánh gót!), Ronaldo và cuối cùng là Benzema (có vẻ họ đã tập nhiều?), người có pha kiến tạo.

Rồi ở Getafe hồi tháng 1, bàn mở tỉ số của Madrid là sự tham gia của 6 cầu thủ, 16 pha chạm bóng trong 19 giây, từ bên ngoài vòng cấm địa đội nhà tới khung thành đối phương qua Kroos, Bale, Ronaldo, Isco, James Rodriguez, Benzema, cuối cùng là Ronaldo. Đó là bóng đá kiểu Hollywood.

Bàn thắng hôm Chủ nhật là giá trị nhất, xứng đáng xem đi xem lại hết lần này tới lần khác, đó là một biểu tượng của La Liga, giải đấu kỹ thuật nhất thế giới, và cũng là một dấu hiệu cho thấy Madrid sẽ chưa dễ dàng buông xuôi ở mùa giải này.

Trần Trọng
Theo ESPN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm