Tevez quá tham lam hay khôn ngoan?

07/07/2011 11:25 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Ngay sau khi đâm đơn đòi rời Man City, lần thứ 2 trong vòng 8 tháng, Tevez bị chỉ trích là đã hành động như một đứa trẻ tham lam, cứ khóc nhè đòi bằng được thứ mà mình muốn. Nhưng ở góc nhìn khác, Tevez đã rất khôn ngoan khi tận dụng triệt để vị thế của mình.

Khi rời Corinthians vào năm 2006, Tevez nói rằng anh cần khẳng định mình ở trời Âu. Rời West Ham, anh lý giải tham vọng được khoác áo đội bóng lớn. Chia tay M.U vì anh muốn đá chính thường xuyên và nhận lương cao. Bây giờ, anh công khai lý do "vì gia đình" để được rời Man City, đội bóng đã xem anh là cầu thủ không thể đụng đến, cho anh hưởng mức lương kỷ lục thế giới 250 nghìn bảng/tuần.

Kẻ muốn đi bao giờ cũng có lý do, thậm chí là rất chính đáng. Không ai nghi ngờ Tevez đã nói dối cuộc sống gia đình. Những người đến từ Nam Mỹ đầy nắng gió luôn gặp khó khăn trong việc thích nghi cuộc sống ở Anh, nơi mà họ thường xuyên ngồi trong nhà, phát chán khi nhìn những cơn mưa dai dẳng bên ngoài cửa sổ. Sự khác biệt ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt cũng là rào cản lớn khác.

Tevez đang cùng ĐT Argentina tham dự Copa America- Ảnh Getty

Nhưng không phải bây giờ Tevez mới nhận ra những khó khăn ấy. Anh đã sống ở đảo quốc sương mù đến 5 năm, 1 năm với West Ham, 2 năm với M.U và 2 năm qua gắn bó với Man City. Nếu thực sự có khó khăn thì chỉ cần 1, 2 năm là đủ nhận ra. Nếu thực sự "làm mọi thứ vì gia đình", liệu anh có đủ can đảm trở về Argentina thi đấu, hàng ngày ở bên cạnh hai cô con gái và vợ nhưng chấp nhận giảm lương 4, 5 lần? Chắc chắn là không.

Tevez không phải là một đứa trẻ, suốt ngày khóc than để có được những thứ mình muốn. Anh sinh ra ở khu ổ chuột nổi tiếng bên ngoài Buenos Aires, từng tâm sự rằng đến ban đêm không thể ra khỏi nhà vì các băng nhóm tội phạm dùng súng thanh toán nhau. Một người lớn lên từ môi trường ấy là một người từng trải, hiểu rõ các giá trị của cuộc sống, của đồng tiền, của hạnh phúc. Bất cứ lính lê dương nào cũng hiểu rằng họ phải chấp nhận hy sinh cuộc sống gia đình vì sự nghiệp khi ra nước ngoài thi đấu. Nhưng dường như Tevez quá tham lam. Anh muốn có tất cả. Anh muốn được thi đấu thường xuyên cho một CLB lớn ở châu Âu, muốn giành các danh hiệu cao quý, muốn có được nhiều tiền và bây giờ lại muốn vì gia đình. Cái gì anh cũng muốn có được, nhưng không muốn hy sinh thứ gì.

Đòi ra đi để được tăng lương?

Đại diện của Tevez không hề làm một người tầm thường. Đó là Kia Joorabchian, được mệnh danh là "siêu cò", từng đứng ra làm trung gia cho mọi hoạt động trong bóng đá, kể cả vụ Abramovich mua lại Chelsea năm 2003. Từ sau khi rời CLB quên hương Boca, mọi bước đi của Tevez đều được dẫn dắt bởi Joorabchian. Vì lẽ đó, có thể tin rằng yêu cầu đòi ra đi của Tevez không hề đơn thuần vì "gia đình" như trong lá đơn mà anh gửi BLĐ Man City. Đằng sau đó là bao tính toàn vì lợi ích kinh tế.

Từ khi rời Boca, Tevez chưa bao giờ gắn bó với một đội bóng quá hai mùa. Tên anh luôn xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng. Anh đổi CLB càng nhiều, Joorabchian càng thu về nhiều tiền, được gọi là phí làm trung gian. Tại sao Tevez lại luôn nghe lời người đại diện? Đơn giản vì mỗi lần chuyển CLB, lương của anh lại tăng cao. Từ West Ham sang M.U, lương của anh tăng gấp đôi. Khi gia nhập Man City, lương của anh tăng từ 80 nghìn bảng/tuần lên 160 nghìn bảng/tuần, và sau đó là 250 nghìn bảng/tuần ở mùa thứ hai.

Xét ở khía cạnh nào đó, Tevez đã học hỏi rất đồng đội cũ Wayne Rooney. Khi Rooney đâm đơn đòi ra đi vào tháng 10/2010, M.U đã vội vàng thương thảo hợp đồng mới với anh, tăng lương lên mức 180 nghìn bảng/tuần. Hai tháng sau, Tevez nộp đơn. Man City lo phát sốt. Anh chấp nhận ở lại sau khi được tăng lương từ 160 nghìn bảng/tuần lên 250 nghìn bảng/tuần - cao nhất thế giới.

Động cơ lần này có thể vẫn vậy. Yêu cầu đòi ra đi của Tevez được đưa ra sau khi Man City thất bại trong việc chiêu mộ Alexis Sanchez và Samuel Eto'o. Điều đó đồng nghĩa, Man City chưa thể tìm thấy một chân sút đẳng cấp cao, đủ sức giúp đội bóng hoàn thành mục tiêu vô địch Premier League mùa tới. Họ không còn cách nào khác là phải trông đợi vào Tevez. Nếu Tevez ra đi, đó sẽ làm thảm họa đối với Man City khi mà các chân sút họ đang sở hữu như Balotelli, Dzeko hay Adebayor kém xa tuyển thủ Argentina.

Bán Tevez không phải là chuyện dễ khi giá của anh lên đến 50 triệu bảng và mức lương của anh là cao kỷ lục. Man City nhiều khả năng sẽ thuyết phục Tevez ở lại, chấp nhận "hy sinh gia đình". Đổi lại, họ thêm một lần nữa tăng lương?

Đức Lộc


Nếu Tevez đi, ai sẽ đến?

1. Sergio Aguero Tiền đạo đồng hương của Tevez đã tuyên bố sẽ rời Atletico Madrid ở mùa Hè này. Aguero, 23 tuổi, được định giá khoảng 37 triệu bảng.

2. Ezequiel Lavezzi Cũng là một chân sút người Argentina, hiện thuộc quyền sở hữu của Napoli. Lavezzi, 26 tuổi, sẽ thuộc về Man City nếu họ sẵn sàng chi ra 26,8 triệu bảng để trả cho Napoli.

3. Samuel Eto'o Man City có thể nối lại vụ đổi Tevez lấy Eto'o, trong đó phía Inter phải trả thêm tiền. Ở cuộc đàm phán đầu tiên, Inter đã lắc đầu từ chối. Eto'o năm nay đã 30 tuổi và chỉ được xem là giải pháp ngắn hạn.

4. Wayne Rooney Khi Rooney đòi rời Old Trafford, Man City được xem là điểm đến phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu Rooney, Man City sẽ phải chi ra số tiền rất lớn, chắc chắn không dưới 50 triệu bảng.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm