(TT&VH) - Bị thôi thúc ghê gớm bởi khát vọng phải bắt kịp bằng được Barcelona trong thời buổi các đội bóng lớn nhất của Premier League còn phải tính toán lại cấu trúc tài chính, Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez đã trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thế giới bóng đá mấy ngày qua.
“Chúng tôi phải làm trong một năm điều mà bình thường phải làm trong ba năm”, Perez nói. Và việc chi tiền bạo tay của ông đã khiến chính Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini cũng phải nói rằng tiền bạc của Real Madrid được tung ra “một cách cực đoan”, thậm chí vượt cả những tiêu chuẩn mà Roman Abramovich thiết lập mới cách đây năm năm.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Bernabeu, Perez đã ghi dấu với việc mỗi mùa giải lại mua về một siêu sao. Luis Figo, Zinedine Zidane, David Beckham, Ronaldo. Tất cả họ đến Madrid trong một kế hoạch không chỉ mang về thành công trên sân cỏ, mà còn giúp đội bóng củng cố sức mạnh tài chính. Nhưng lần này thì khác, lần này thực sự là điên rồ. Kaka đã tới đó với cái giá kỷ lục thế giới 56 triệu bảng và Cristiano Ronaldo, David Villa cùng một hoặc hai siêu sao nữa sắp theo bước cầu thủ người Brazil với tổng chi phí mà theo Perez công bố, có thể lên tới 300 triệu bảng. Có vẻ như lúc này chỉ ở Real Madrid, người ta mới không cảm thấy sức ép của cuộc khủng hoảng tài chính.
Chỉ trong ít ngày Real đã sở hữu 2 QBV Châu Âu
Madrid sắp cướp mất viên ngọc quý trên vương miện Premier Leagute từ tay M.U và có lẽ, sau Kaka, sẽ đánh bại nốt Chelsea trong cuộc đua giành chữ ký của Villa. Tóm lại, Premier League đã hoàn toàn lu mờ trước duy nhất một đội bóng của La Liga. Chưa hết, Real Madrid còn có thể khiến nhiều CĐV khác ở Anh phải tiếc nuối khi những kế hoạch đưa Xabi Alonso về từ Liverpool và Franck Ribery, một mục tiêu dài hạn của M.U, về từ Bayern Munich, vẫn đang được xúc tiến. Sau những diễn biến gần đây với Kaka và Ronaldo, ai cũng hiểu rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra tại Bernabeu.
Chuyển giao quyền lực
Đó thực sự là một cuộc chuyển giao quyền lực đột ngột. 6 tuần trước, Premier League vẫn còn ngạo nghễ với việc có ba vị trí ở vòng bán kết Champions League, mùa giải thứ 3 liên tiếp. Nhưng rồi tại Roma, Barcelona hạ gục M.U trên sân cỏ và giờ đây, Real Madrid đánh bại tất cả trên thị trường chuyển nhượng khi Abramovich đành bất lực đứng nhìn các mục tiêu lần lượt tới Madrid, còn Ferguson phải chấp nhận để cầu thủ giỏi nhất của mình ra đi.
Không ai dám đặt câu hỏi với Perez rằng ông lấy đâu ra bằng ấy tiền cho hai hợp đồng khổng lồ như thế. Một năm trước, dưới thời người tiền nhiệm của Perez, Ramon Calderon, Madrid cố gắng lôi kéo Ronaldo đến Bernabeu với lời đề nghị mức lương 200.000 bảng mỗi tuần và mức phí chuyển nhượng “chỉ ở mức” gần 50 triệu bảng, bằng hai phần ba bây giờ. Có những tin đồn cho biết một ngân hàng ở Catalan, La Caixa, đã cho Perez vay tiền để mua sắm và tin đồn thậm chí còn đi xa đến mức phải chăng xứ Catalan đang âm mưu làm phá sản đối thủ lớn nhất của Barcelona. Bình thường, điều đó nghe thật ngớ ngẩn, nhưng với những gì Perez đang làm bây giờ, đó cũng là một khả năng.
Perez cũng tỏ ra mập mờ. Ông gọi những khoản phí chuyển nhượng đó là “các khoản đầu tư” và trước đó từng trả sạch các khoản nợ của CLB bằng cách bán đi sân tập cho hội đồng thành phố Madrid vào tháng 5/2001. Với 110.000 mét vuông bất động sản, Perez kiếm được 280 triệu bảng và trả cho CLB khoản nợ 171,6 triệu bảng. Tuy nhiên, 8 năm sau, các khoản nợ đã trở lại, hiện giờ ước tính vào khoảng 400 triệu bảng, và có thể tăng lên 700 triệu vào cuối mùa hè này. “Đó là cách chúng tôi vẫn làm ở Madrid”, Perez giải thích, “Trên phương diện tài chính, Zinedine Zidane là một chữ ký rẻ và việc anh ấy đến mang tới các hợp đồng thương mại và thu hút các cầu thủ khác. Đó là một hình mẫu tự đầu tư”.
Laporta, Chủ tịch của Barcelona, nói rằng số tiền ông trả cho cả đội bóng đã đè bẹp M.U còn ít hơn số Madrid bỏ ra để có Kaka, và Platini đã phán: “Những vụ chuyển nhượng như thế là thách thức thật sự cho một cuộc chơi công bằng”. Nghe ra cũng có lý, nhưng lúc này đây, các CĐV ở Bernabeu không quan tâm.
T.T