Real có thể bán Ronaldo, nhưng Barca không bao giờ bán Messi

16/03/2015 14:42 GMT+7 | Real Madrid

(Thethaovanhoa.vn) - Real và Barca cùng thắng cuối tuần qua. Messi và Ronaldo cùng được nhắc tới. Nhưng là theo cách khác nhau. Đó cũng là một phần trong cuộc tranh luận dưới đây với độc giả TT&VH của nhà báo Phạm Tấn.  

* Độc giả Vui Ding: Không thể nói tập thể Real chỉ dựa vào Ronaldo để thành công và phong độ phụ thuộc hoàn toàn vào anh ấy. Sự xuống dốc của Real là sự đi xuống phong độ của cả tập thể và yếu tố chấn thương của các trụ cột (James, Ramos, Modric). Barca có phụ thuộc hoàn toàn vào Messi không ư, rõ ràng là ở những mùa giải gần đây là thế, đặc biệt ở mùa giải năm nay, Barca đang sống dựa trên số bàn thắng khủng khiếp và những đường kiến tạo của anh ấy. Messi đã làm tốt không những nhiệm vụ ghi bàn mà còn đóng góp cực lớn ở vai trò kiến tạo, tổ chức lối chơi và truyền cảm hứng lên các đồng đội. Xét về khía cạnh này hẳn Barca phụ thuộc mình cá nhân Messi hơn là Real phụ thuộc vào Ronaldo.

Nhà báo Phạm Tấn: Không phải ngẫu nhiên khi tôi đưa ra các thống kê về việc khi Messi giành bóng Vàng thì cũng là năm mà các đồng đội của anh là Xavi, Iniesta cũng được tôn vinh (hoặc cả hai, hoặc chỉ một người). Và nếu chúng ta thấy trong hai năm 2013 và 2014 mà Messi chỉ giành bóng Bạc, thì cũng không có Xavi, Iniesta hay bất cứ cầu thủ nào của Barca trong danh sách ba người cuối cùng.

Bạn có nghĩ là vì Messi không đủ sức kéo họ lên? Thực tế là sự sa sút của Xavi, Iniesta khiến cho Messi thiếu sự hỗ trợ, và Barca cũng sa sút theo. Chỉ cần thế thôi, chứ không cần tính đến việc Messi hiếm khi chơi hay ở đội tuyển Argentina như ở Barca, cũng là đủ cơ sở để cho rằng Messi cần Barca, hơn là Ronaldo cần Real để trở nên vĩ đại.


Bộ ba tấn công BBC của Barca đang thăng hoa

Giờ đây, khi chúng ta thấy Barca có được Rakitic, Neymar đang chơi hay nhất kể từ khi về Barca, và Suarez hoà nhập rất tốt, xuất sắc trong vai trò kiến tạo rồi mới ghi bàn thì Messi bắt đầu trở lại với tầm vóc vĩ đại như đã từng.

Cũng từ đây, chúng ta có thể khẳng định Barca là đội bóng có tính đồng đội cao hơn. Thực ra, chơi tiki-taka thì không thể không đồng đội. Bất cứ ai nằm trong hệ thống này cũng cần phải đặt lối chơi của đội bóng lên trên cá nhân. Vì trong một pha bóng mà có hai khả năng, hoặc là đan bóng áp sát cầu môn, hoặc là sút xa thì Barca luôn ưu tiên cho phương án đầu.

* Độc giả Dũng Phương: Messi quá ích kỷ. Cậu ta chỉ làm ra vẻ khiêm tốn và đồng đội thôi. Ai không theo Messi cũng thất bại ở Barca đấy còn gì. Độc giả Bá Cường Nguyễn‬‬: Nói Messi và "Rô điệu" cùng ích kỉ như nhau là không đúng, bẻ cong ngòi bút. Nên nhớ Ibra ra đi vì không phù hợp với Pep chứ Ibra chưa hề hục hặc theo kiểu chửi bới với Messi. Tôi nghĩ Ibra rất đàn ông và sống rất đàng hoàng quân tử, không thích Pep vì Pep sử dụng Messi, nhưng mỗi khi bỏ phiếu Quả bóng vàng, Ibra luôn chọn Messi số 1.

Nhà báo Phạm Tấn: Đúng là Messi cũng ích kỷ. Hầu hết các cầu thủ tấn công, các tiền đạo đều có sự ích kỷ. Bởi thế, việc chơi quá đồng đội, luôn tìm cách chuyền bóng trước tiên như Ozil ở Arsenal mới đây chẳng hạn, có thể bị dè bỉu là kém cỏi.

Ích kỷ không phải là quyền lực, nhưng ở đây, một phần nào đó đã đúng. Có một chi tiết thế này về Messi, khi Christian Tello vẫn chưa được đem cho mượn. Trong trận đấu giữa Barca và Granada mùa 2012-2013, khi được tung vào sân từ phút 60, tỉ số lúc đó là 1-1, Tello đã chơi khá cá nhân, không chịu chuyền bóng cho Messi và các cầu thủ khác ở tư thế thuận lợi mà sút, đã bị Messi mắng. Cuối cùng Tello phải ra đi.

Chúng ta có thể nói Ibra ra đi vì Pep Guardiola, nhưng sâu xa của câu chuyện (như trong tự truyện của Ibra) là việc Pep đã không bảo vệ anh, để có thể được chơi ở một vị trí thích hợp nhất, khi mà Messi đòi được chơi ở vị trí mong muốn. Tức là tận cùng của nguyên nhân vẫn là Ibra - Messi.

Mặt khác, Ibra luôn chọn Messi cho danh hiệu Bóng Vàng không phải là thống kê chuẩn xác. Nếu tôi không nhầm, Ibra chọn Messi đứng đầu chỉ một lần mới đây.


Nguyên nhân sâu xa khiến Ibra rời Barca là vì Messi?

Nhưng sự ích kỷ của Messi có giới hạn. Nó được đặt dưới lợi ích của CLB. Việc Messi chơi ở giữa sân, thay vì lệch ra cánh rõ ràng đã khai thác tối đa khả năng của anh, một cầu thủ có khả năng kiểm soát bóng, kiến tạo chứ không chỉ là đột phá chéo từ ngoài vào trong rồi dứt điểm. Kết quả của nó là Barca từ đấy chinh phục mọi đỉnh cao, còn Messi là số 10 hay nhất.

Nếu như mùa 2008-2009, Messi “chỉ” ghi được 38 bàn và 16 lần kiến tạo sau 51 trận cho Barca, thì ở mùa 2011-2012, sau 60 trận, anh ghi 73 bàn và có 28 lần kiến tạo.

Và đôi khi, chúng ta có thể thấy được, mục đích của Messi là vì đội bóng. Xung đột với Tello nói trên là bởi Tello đã phá vỡ nguyên tắc giải quyết tình huống của Barca mỗi khi xuống sát cầu môn: Căng ngang cho đồng đội hơn là dứt điểm góc hẹp từ xa.

Alexis Sanchez ra đi bởi anh không thể hiện được khả năng của mình trong lối chơi của Barca. David Villa không còn chỗ ở Barca bởi chấn thương từ lần tham dự Cúp Thế giới các CLB cũng như tuổi tác khiến anh sa sút.Chúng ta cũng đã thấy Villa cũng mất luôn vị trí ở đội tuyển ở thời điểm đó.   

Sự ích kỷ của Ronaldo có phần khác, đặc biệt trong mối quan hệ với các đồng đội khác, trong đó có Gareth Bale ở Real. Trận thắng Levante đêm qua một lần nữa cho thấy các vấn đề cá nhân ở đây quá lớn. Ronaldo tức giận khi Bale không chuyền cho anh mà tự dứt điểm sau một cú đá bồi. Ronaldo tỏ ra lãnh đạm khi Bale quăng chân phải đá bồi, ghi bàn đầu tiên. Bale đã bịt tai và đá cột cờ góc, ăn mừng bàn thắng đầu tiên như một sự đáp trả lại các CĐV Real đã chỉ trích anh. Ronaldo và Bale ăn mừng gượng gạo khi cú sút của Ronaldo lại đập chân Bale trước khi đi vào lưới ở bàn thứ hai.  

Chính vì thế, tôi nói rằng các vấn đề với đồng đội của Messi dễ dàng được giải quyết hơn của Ronaldo.

* Độc giả mrqd: Vấn đề là chúng ta phải định nghĩa "Thế nào là khủng hoảng"? 1 trận thua, 1 bậc tụt, 1 cuộc cãi vã... có phải là khủng hoảng không? Nếu đúng là thế thì họ (cả Barca và Real) đều khủng hoảng, còn không thì chả có vấn đề gì cả. Cứ theo ý tôi hiểu thì khủng hoảng phải là Serie A với Juve, Milan, Inter: Họ không còn ở đẳng cấp cao nhất của châu Âu nữa, vô cùng khó khăn, thậm chí không được chơi ở Champions League, quá ít (thậm chí không còn) ngôi sao trong đội hình.

Nhà báo Phạm Tấn: Tôi nghĩ bạn đang là một phóng viên thể thao, còn không, tôi cũng sẽ mời bạn cộng tác với TT&VH. Còn với tôi, khái niệm khủng hoảng trong bóng đá có thể được dùng khi một việc nào đó vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Real có những dấu hiệu cho thấy HLV không kiểm soát được cả phòng thay đồ cũng như nỗ lực, cách chơi của các cầu thủ trên sân. Và họ vẫn có cơ hội để giành ngôi đầu bảng, nhưng nguy cơ họ bị bỏ xa lại lớn hơn nhiều. Tất nhiên, vấn đề của Real hay Barca trong thời gian qua chỉ là cái móng tay so với Serie A, nhưng đó cũng chẳng phải điều quá đáng tiếc. Một nền bóng đá mà nhiều ngôi sao và các huyền thoại ở đó lần lượt ra toà, vào tù, rồi CLB biểu tượng bị đánh tụt hạng vì dàn xếp tỉ số thì việc phải trả giá (Serie A không còn hấp dẫn) là đương nhiên. Chắc chắn, chúng ta sẽ có dịp để bàn về chủ đề này.


Serie A không còn hấp dẫn

* Độc giả Thuong Vo‬‬: Ronaldo thành danh ở MU, được Perez mua về. Còn Messi từ một cậu bé bị bệnh rối loạn tăng trưởng, bị các CLB ở Argentina từ chối chi tiền chữa bệnh, đã được Barca đưa về đào tạo và trở thành tài năng xuất chúng. Vì thế Messi trở thành niềm tự hào của người Catalan. Và vì thế vai trò của Ronaldo ở Real là rất nhỏ bé nếu đem so với Messi ở Barca.‬‬

Nếu Real có khủng hoảng vì Ronaldo, thì cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết nhanh chóng, chậm nhất là đến cuối mùa bóng. Còn Barca để xảy ra khủng hoảng vì sự ích kỷ (nếu có) của Messi, thì sức tàn phá của nó rất lớn và cũng rất khó để giải quyết.

Cũng vì vai trò của Messi là cực lớn, nên rất khó cho Barca có thể tìm được 1 HLV tài năng và có tên tuổi lớn đồng ý ngồi vào vị trí này. Vì thế HLV Enrique có thể xem là giải pháp tương đối có thể chấp nhận được cho đến thời điểm này.

Nhà báo Phạm Tấn: Ronaldo và Messi là hai cầu thủ không có sự thay thế tương xứng. Bởi họ xuất sắc hơn phần còn lại của thế giới. Nhưng Ronaldo 30 tuổi, sự nghiệp đỉnh cao của anh chỉ còn vài năm. Real, với triết lý bóng đá đậm màu thương mại của mình, và nếu như họ không thể giải quyết các vấn đề nội bộ, bán Ronaldo là phù hợp hơn so với bán Bale, người năm nay mới 26 tuổi. Real sẽ lại mua một ngôi sao lớn khác về để bổ sung vào tập thể vốn cũng đã nhiều Galaticos lúc này.

Barca lại khác ở chỗ, họ hiếm khi bán các cầu thủ khi vẫn đang còn hữu dụng. Họ sẵn sàng để các cầu thủ đá cho tới hết hợp đồng, rồi để ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do, hoặc treo giày. Là Marquez, Valdes, Puyol. Sắp tới là Xavi, Alves. Từ ngoài nhìn vào có thể cho rằng họ thiếu khôn ngoan, nhưng nó cũng sẽ là cách họ ứng xử với Messi.


Mối quan hệ giữa Messi với HLV Enrique từng rất phức tạp

Ở đây, mối quan hệ giữa Messi với HLV Enrique có lẽ chính là "vết đen" lớn nhất từ đầu mùa của siêu sao người Argentina. Vụ phản ứng vì chỉ được vào sân từ hiệp hai trong trận Barca thua Sociedad cho thấy quyền lực của Messi ở Barca. Messi đã thắng khi buộc Enrique phải lùi bước dù ông có nguyên tắc sắt đá là phải tập tốt, tập đủ mới được ra sân chính thức. Nhưng Messi đã thua nếu coi anh là tấm gương cho các cầu thủ trẻ nhìn vào. Nên nhớ Messi còn nằm trong nhóm đội trưởng, đội phó của CLB.

Thực ra, như tất cả các dữ kiện ở trên cho thấy, Messi đủ tầm để trở thành quyền lực bất cứ nơi đâu. Và anh đã từng bộc lộ ngay dưới thời của Pep: Phớt lờ yêu cầu của Pep là không được uống đồ có gas, khi anh cầm lon Pepsi nhấm nháp trong các cuộc họp kỹ thuật.

* Facebooker Huy‬: Nhà báo đếm kiểu gì ra 6 quả bóng vàng cho cả hai vậy? 7 quả trong 7 năm liên tiếp rồi, ngoài ra cứ đội bóng có cầu thủ giành Bóng Vàng mà không có đồng đội giành Bóng Bạc hay đồng là đội bóng lệ thuộc vào một cá nhân?‬

Đó là loại logic gì mà kì lạ vậy? Từ khi nào số Bóng Vàng, Bạc, Đồng được lấy làm tiêu chí đong đếm tính tập thể của một đội bóng? Tuyển Đức ở World Cup vừa rồi có một mình Neuer bóng Đồng, phải chăng là Đức lệ thuộc Neuer? Real lệ thuộc Ronaldo mà chung kết Champions League Ronaldo mờ nhạt đội bóng vẫn vô địch nhờ Ramos, Bale....? Hay theo logic của nhà báo thì dù Ramos, Bale có góp phần quan trọng cho Real mà 2 anh không có Bóng Đđồng, Bóng Bạc thì Real vẫn cứ là đội bóng một người?

Nhà báo Phạm Tấn: Bạn thống kê chính xác. Họ giành 7 Quả bóng Vàng trong 7 năm gần đây, nhưng tôi đếm 6, bởi phân tích này chỉ tập trung vào sự khác biệt giữa hai ngôi sao khi Ronaldo bắt đầu tới Real (sau mùa 2009). Quả bóng Vàng mà Ronaldo giành được khi khoác áo Man United vì thế tôi không tính tới.

Và ở đây, các kết luận về sự lệ thuộc đưa ra chỉ dựa trên những gì đã xảy ra với Messi và Ronaldo, ở Barca và Real để thấy sự khác nhau giữa họ và hai CLB. Bạn có thể đọc lại ở đầu bài viết này.


Ronaldo và Messi thay nhau thống trị danh hiệu QBV trong những năm gần đây

Ronaldo không ghi bàn trong trận chung kết Champions League, nhưng Real đã đi tới trận cuối cùng nhờ phần nhiều ở 8 bàn thắng, 3 lần kiến tạo của siêu sao người Bồ sau 8 trận ra sân.     

Còn đội tuyển Đức, đấy là đội bóng đã vô địch World Cup nhờ tính tập thể, tinh thần đồng đội. Mario Goetze ghi bàn khi vào sân từ ghế dự bị đã cho thấy điều đó.

Và nếu Neuer xuất sắc tới mức để cả Bayern Munich và tuyển Đức phải lệ thuộc, thì anh ấy đã giành Bóng Vàng.

Tôi tin là những người đề cử danh sách rồi bầu chọn đã xếp Neuer ở vị trí đã suy nghĩ rằng, "chúng ta cần phải chọn một người từ tập thể đội bóng vô địch thế giới, từ CLB Bayern Munich đã vô địch Bundesliga, đã chơi cực hay cho tới khi thua Real ở bán kết", và Neuer có lẽ thích hợp hơn cả để làm một "đại biểu".

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm