13/04/2019 10:27 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu giá Các họa sĩ châu Á của nhà Aguttes vừa diễn ra chiều 12/4/2019 (giờ Paris) tại sàn đấu danh tiếng Drouot, có 3 tranh Việt bán hơn 22 tỷ đồng. Đây cũng là 3 bức cao giá bán nhất của phiên này.
Trong 210 lô hàng, tranh Việt áp đảo về số lượng, riêng các ký họa của Alix Aymé (1894-1989) - giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - đã chiếm hơn nửa phiên.
Gây bất ngờ nhất là bức lụa L'atelier de broderie (Xưởng thêu, 37cm x 77,5cm) của Lương Xuân Nhị (1913-2006), với giá dự kiến từ 50.000 đến 80.000 euro, kết quả đấu lên 410.000 euro, cộng chi phí thành 526.760 euro, gần 14 tỷ đồng.
Trước khi chuyển mạnh qua khuynh hướng hiện thực xã hội, Lương Xuân Nhị là một gương mặt quan trọng của phái ấn tượng Việt Nam đầu thế kỷ 20, thể hiện rõ trong các tranh vẽ phong cảnh. Bức Xưởng thêu tại phiên đấu này là sự kết hợp giữa ấn tượng và hiện thực, giữa tạo hình Tây phương và quan niệm mờ ảo trong kỹ thuật lụa Á Đông. Có lẽ nhờ sự kết hợp này mà bức tranh lập tức gân ấn tượng mạnh, tăng giá chóng mặt, để thành đỉnh điểm về giá của Lương Xuân Nhị trên thị trường công khai của thế giới.
Bức này vốn “ngủ yên” trong một bộ sưu tập tư nhân tại Pháp, lần này xuất hiện và tạo ấn tượng mạnh, nên giới thạo thị trường cho rằng nếu nó trở lại nhà đầu giá liên tục hơn, việc đạt mức 1 triệu USD hoặc cao hơn là bình thường.
Tác phẩm được chờ đón nhất của phiên này là bức sơn dầu Le vieux du village de Kim Liên (Ông già Kim Liên, 40,2cm x 52,3cm, 1926) của Nguyễn Nam Sơn (1890-1973). Với giá dự kiến từ 100.000 đến 150.000 euro, đấu 100.000 euro, cộng chi phí thành 130.000 euro, hơn 3,4 tỷ đồng.
Ra đời gần 100 năm, đây có thể nói là một trong những bức sơn dầu đầu tiên của Việt Nam, được nhắc rất nhiều những biên khảo, sách vở cũng như luận án mỹ thuật. Về mặt tạo hình và kỹ thuật sơn dầu - dù Nam Sơn tự học - để lại nhiều ấn tượng đặc biệt.
“Kỹ thuật này gợi nhớ phương pháp của Cézanne, vượt trên tính cách của phong trào ấn tượng, ông vẫn giữ ý niệm về hình thể, nhưng làm đổi mới phong cách của mình bằng màu sắc, đôi khi được đánh dấu bằng các đường viền phức tạp và khúc khuỷu - phương pháp xử lý không gian kiểu mới xuất hiện khoảng năm 1880” - nhà nghiên cứu và sử gia mỹ thuật Nadine André-Pallois nhận xét.
Tiêu điểm tiếp theo là bức bình phong sơn mài Femmes alanguies (Mòn mỏi, 102cm x 157cm) của Alix Aymé, với giá dự kiến từ 50.000 đến 80.000 euro, kết quả đấu 140.000 euro, cộng phí thành 182.000 euro, gần 4,8 tỷ đồng.
Chịu ảnh hưởng của sơn mài Nhật Bản (năm 1928), kết hợp với phong cách nabi, trường phái art deco và mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, Alix Aymé đã đặt để dấu ấn này lên sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1934.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất