Quyền Văn Minh trở thành nghệ sĩ “không kèn”

28/11/2010 12:03 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lần đầu tiên, tôi vào ngõ 51 Hàng Giấy, theo cầu thang hẹp lên tầng ba vào phòng bên phải. Giữa chất ngất thùng carton, NSƯT Quyền Văn Minh ngồi chật chội với cái bàn gỗ nhỏ, anh đang chuốt lại những bản phối cho các bài quốc tế sẽ diễn tối mai 29/11 - “Quyền Văn Minh và bạn bè với jazz”, cuộc diễn thứ 4 năm nay của Big Band - dàn nhạc (DN) jazz lớn đầu tiên và duy nhất đến nay của Việt Nam.

Trước mắt tôi, hình ảnh Quyền Văn Minh cười hồn hậu, phong thái tự tin và chấp nhận hoàn cảnh, khiến tôi bùi ngùi. Thủ lĩnh Big Band, nghệ sĩ jazz hàng đầu VN đạt tầm quốc tế, đang “lút” giữa “kho” bề bộn vì đồ đạc của CLB Jazz 31 Lương Văn Can phải dọn về đây sau 10 năm hoạt động để trả lại mặt bằng. Anh phải làm quá nhiều cho ước mơ duy nhất và cuối cùng của đời mình.

Long đong địa điểm cho jazz

* Chuyển về diễn hàng đêm tại 92 Trấn Vũ, jazz club có cổ phần với quán này?

- Không. Muốn độc lập, nên tôi không ký hợp đồng hay cổ phần, diễn để duy trì hoạt động và lo đời sống. Tôi thỏa thuận với đối tác, tìm được địa điểm, chúng tôi đi ngay. Big Band tập tại đó từ 3/11 đến hôm diễn là được 10 buổi chiều.

* Anh từng nói, năm nay là năm của Big Band, cho nên đêm Quyền Văn Minh và bạn bè với jazz ngày 29/11 này hẳn sẽ rất đồ sộ?

- Đêm nhạc sẽ trình diễn 17 tác phẩm, chưa kể ngẫu hứng, trong đó có 7 bài quốc tế của tác giả Mỹ. Tôi phối 13 bài. Nghệ sĩ trumpet Nguyễn Quốc Trường phối khí, chỉ huy bài Hà Nội những công trình của anh. Xuân Vượng thổi bài Em ơi, Hà Nội phố. Tùng Dương, ca sĩ chính, hát 5 bài, gồm 3 bài Mỹ và Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn), Một thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương)...


“Nghệ sĩ không kèn” Quyền Văn Minh làm việc ở căn phòng nhà anh.

* Trở lại “thực tế phũ phàng”, ông vẫn long đong tìm địa điểm cho CLB, trong khi đang là “con nợ”?

- Năm 1997, tôi mua căn phòng 48m2 này rồi đem giấy tờ thế chấp để vay mấy trăm triệu, lập CLB, diễn ở Giảng Võ, Lê Thái Tổ rồi về 31 Lương Văn Can. Số nợ lãi mẹ đẻ lãi con, nay thành gần 3 tỷ đồng. Tôi trả dần, vẫn bám trụ với niềm tin, 5 năm nữa jazz sẽ đông người nghe. Làm chương trình này, có hai người hâm mộ là em Tiệp và Quang (doanh nhân ở Phủ Lý, Hà Nam) nhiệt tình ủng hộ.

* Vợ anh Deborah Alonso đã nhìn quang cảnh này rồi chứ? Giả sử phải ở đây, chị ấy có chấp nhận?

- Cô ấy yêu tôi, chấp nhận chứ. Trước đám cưới trên du thuyền hồ Tây năm 2006, tôi đã đưa cô ấy tới căn gác này, gần đây đưa vợ về, tôi hỏi trêu: “Sẽ ở chỗ này nhé”? Deb “OK” ngay. Nói vậy chứ vợ mình người Mỹ, không chịu khổ được. Chúng tôi thuê nhà ở Nghi Tàm. Chật hẹp thế, tôi vẫn dạy học trò 3 buổi/tuần, tự nấu cơm và nghỉ trưa tại đây, chưa kể 6 buổi dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia, cả phần Đắc. Vợ chồng con gái tôi và 3 cháu gái ngoại ở tầng 4, em trai ở tầng 2, vẫn có 1 phòng dành cho Đắc.

Đã bán hết 11 cây kèn

* Con hơn cha là điều anh kỳ vọng về Quyền Thiện Đắc?

- Đắc học bài bản ở nước ngoài, kỹ thuật rất mạnh. Tôi khẳng định: về nghề nghiệp, Quyền Thiện Đắc có đẳng cấp quốc tế, nó vừa được chân truyền, vừa được đào tạo tại lò quốc tế, được tập trung chuyên môn, còn bố thì bao thứ chi phối.

* Vì con, anh đã bán hết những cây kèn?

- Gia tài của tôi có 11 cây kèn. Để lo cho Đắc tới Boston học trường Berklee (2001 - 2004), tôi đã bán 7 chiếc. Con có học bổng, trình diễn, vẫn phải phụ thêm tiền ăn ở, sách đĩa... Tháng 1 năm nay, Đắc sang Học viện Malmo (Thụy Điển), học thạc sĩ chuyên ngành jazz. Tôi đã bán nốt 4 cây.

Vì con, nhiều người đã làm những việc lớn, để con giỏi hơn cha, thì tôi hy sinh.

* Như vậy, nghệ sĩ kèn Quyền Văn Minh không còn kèn. TT&VH in điều này lên được chứ? Kèn loại tốt, giá bao nhiêu, thưa anh?

- Sự thực ấy nên đưa lên để công chúng biết. Tôi không có kèn, và sẽ diễn bằng kèn mượn học trò. Kèn của Pháp tôi rất thích, loại chơi tốt 6.000 USD. Lúc này, tôi không nghĩ đến cho mình.

* Và anh vẫn “chạy sô” hàng ngày với cây kèn mượn, diễn ở khách sạn 5 sao, trên chiếc xe cũ?

- Tôi không diễn đều hàng ngày, mà diễn khi được mời event ở Sheraton hay Metropole. Tôi chạy Vespa, trước là Excel rã nát tang thương, một cậu đàn em đổi cho chiếc PX 150 đang chạy, giá 7 triệu. Xe chẳng có chỗ nào tháo vặn, không lo trộm, yên tâm làm việc.

Ước mơ mang jazz ra vườn hoa nhà kèn

* Nhiều khó khăn, anh vẫn theo đuổi jazz. Trên vé, in dòng chữ: “Duy trì và phát triển jazz ở VN là công việc cuối cùng của đời tôi”. Đó là đam mê tận hiến, hay sự liều lĩnh đối mặt của kẻ gánh sứ mệnh ngọn cờ đầu?

- Là tất cả. Chủ lực là công quyết tâm. Tụ họp anh em, lo được về nghệ thuật kinh tế cho DN tồn tại đòi hỏi hy sinh, ngốn nhiều sức, thời gian. Tôi tự hào tạo dựng DN Big Band, được bạn bè quốc tế trân trọng vì chất lượng.

* Thời gian là cái quý nhất anh dám hy sinh. Anh muốn sống và biểu diễn đến bao nhiêu tuổi?

- Mỗi đợt chuẩn bị diễn, tôi không còn thời gian đi bộ buổi sáng. Một nghệ sĩ muốn vượt lên, phải tập 4 - 6 tiếng/ngày, đó là ước mơ không tưởng với Quyền Văn Minh, lúc muốn cầm lấy cây kèn mà phải lo đủ thứ việc.

Có nhiều nghệ sĩ vĩ đại, sống lâu, trình độ cao. Tôi mong có thể diễn đến cuối đời, như những huyền thoại jazz người Mỹ mà tôi kính trọng như: Sonny Rollis (vẫn diễn dù hơn 80 tuổi) và Gery Mulligan (đã diễn tới khi mất ở tuổi 80).

* Ước mơ của anh bây giờ?

- Tìm được địa điểm 150m2 để CLB hoạt động chủ động, ổn định và có một cây kèn tốt cho mình. Sắp tới, tôi muốn Big Band sẽ diễn cho công chúng nơi công cộng, trước mắt là vườn hoa nhà kèn (vườn hoa Lý Thái Tổ). Tôi biết trước 1954, nơi đây là sân khấu của đội kèn. Ngay thời chiến tranh chống Mỹ, vẫn còn diễn, có cả quân nhạc. Tôi quyết làm, xin hỗ trợ của Nhà nước và kêu gọi tài trợ.

* Anh là nghệ sĩ VN duy nhất được mời tham gia LH Âm nhạc châu Âu? Jazz VN cất tiếng trên “sàn đấu” tiếng tăm này thế nào, thưa anh?

- Sáng 3/12 tôi bay Sài Gòn, diễn với tam tấu lừng danh của Hà Lan là Yuri Honing tại Nhà hát TP và 4/12 diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Tôi “đấu” cùng họ và họ sẽ chơi bài Hội làng do tôi sáng tác.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm