09/05/2018 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ý nguyện dựng tượng Quốc tổ Hùng Vương là có thật ở mọi phương diện truyền thống, tâm linh và văn hóa.Thế nhưng, việc lựa chọn về thẩm mỹ, quy mô hay số lượng những tượng đài này lại đang là bài toán khiến ngành quản lý băn khoăn.
Những câu hỏi này cũng là nội dung chính của hội thảo về Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua 8/5.
Dựng tượng kiểu gì?
Hiện nay, dự án Quy hoạch này đã được Chính phủ đưa vào chương trình kế hoạch công tác năm 2018 và giao Bộ VH,TT&DL triển khai thực hiện.Theo đó, ngoài các vấn đề về nội dung và thẩm mỹ, bản Quy hoạch còn có mục tiêu kiểm soát số lượng, cũng như địa điểm xây dựng các công trình này.
Thống kê sơ bộ cho biết, toàn quốc có 1.417 di tích liên quan tới thời Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012).
Tuy nhiên, ngoài một số tượng Hùng Vương được xây dựng trong các đền thờ hoặc các công trình nhỏ, số tượng Quốc tổ tiêu biểu đến nay chỉ có... 2 trường hợp. Đó là hệ thống 1 tượng trong nhà và 18 tượng ngoài trời tại công viên văn hóa Đồng Xanh (Pleiku, Gia Lai) và tượng Hùng Vương tại khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM.) Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ tại đền Hùng.
Như phân tích từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, dù đáp ứng được tâm nguyện "uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng, nhưng những công trình đã được thực hiện còn nhiều nhược điểm về chuyên môn nghệ thuật, nhân chủng học, trang phục.
Về màu sắc, các tượng chủ yếu dùng sơn phết màu theo lối tạo dân gian. Về trang phục, các tượng sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau với những họa tiết trống đồng, mũ lông chim, vòng trang sức... Nhìn chung, tính biểu tượng của các công trình này còn hạn chế (hoặc lại được cường điệu qua mức) nên chưa đủ điều kiện là tượng đài Quốc tổ đại diện cho cả nước nếu xét về tổng thể.
Ngay với những phác thảo từng được lựa chọn để xây dựng tượng đài Hùng Vương tại đền Hùng, các chuyên gia cũng đã có những băn khoăn. Điển hình, PGS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) cho biết: Ngành sử học cũng từng góp ý rằng việc một mẫu phác thảo sử dụng hình ảnh trống đồng làm... trụ đỡ dưới tượng Quốc tổ là không nên, bởi đó là biểu tượng kết tinh của cả nền văn hóa Đông Sơn. Hoặc, một phác thảo khác có hình đôi chim lạc (sau lưng Quốc tổ) vươn ra 2 phía lại là không hợp lý, bởi chim lạc trên các hoa văn truyền thống chỉ chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Có nghĩa, những tiêu chí cơ bản về chất lượng nghệ thuật, bố cục không gian, kết cấu hình khối... của tượng Quốc tổ là cần thiết. Nếu được nghiên cứu xây dựng, những tiêu chí ấy không những có thể áp dụng với các tượng đài lớn, mà còn có thể trở thành "cẩm nang" để hướng dẫn những tổ chức, cá nhân có nguyện vọng xây dựng tượng Quốc tổ tại không gian riêng của mình.
Bao nhiêu tượng đài là đủ?
Dù vậy, khi đặt ra vấn đề quy hoạch tượng Quốc tổ, ngành quản lý lại tỏ ra rất thận trọng khi nói tới tiêu chí về các địa điểm có thể xây dựng tượng đài Hùng Vương trong tương lai. Đó là điều dễ hiểu, khi trong vài năm qua, dư luận luôn tỏ ra "nhạy cảm" với những công trình thuộc dạng này.
"Chúng tôi đều thống nhất quan điểm: Kiểm soát chặt về số lượng,những địa phương không có đủ tiêu chí chắc chắn sẽ không được tạo điều kiện để xây dựng những tượng đài này" - ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói ngắn gọn.
Vì đang ở dạng hoàn thiện, nên những tiêu chí dự kiến (dành cho các địa phương) mà bản quy hoạch dự kiến chỉ gồm có: Địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, thể hiện ý chí đại đoàn kết dân tộc; địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng và giữ nước; đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Cụ thể hơn, nhiều đại biểu đã đề nghị "bàn thẳng": Trên toàn quốc nên quy hoạch bao nhiêu tượng đài Quốc tổ là hợp lý?
Chẳng hạn, theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, việc xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương của Việt Nam nên chia theo khu vực và dừng lại ở con số 7 tượng đài. Ngoài 2 tượng đài ở Pleiku (đã có nhưng cần sửa lại) và đền Hùng (đang nghiên cứu), 5 tượng còn lại nên đặt ở miền Bắc (Hà Giang), Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh), Nam Trung Bộ (Ninh Thuận hoặc Bình Thuận); Nam Bộ (TP.HCM) và Đồng bằng sông Cửu Long (có thể là Tây Ninh).
Trong khi đó, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường đưa ra một gợi ý táo bạo hơn: Chỉ nên dựng một tượng đài Quốc tổ duy nhất tại đền Hùng. "Lựa chọn như vậy vừa tiết kiệm, vừa làm tăng giá trị của đất Tổ - khi mà mỗi người dân đều ít nhất muốn một lần hành hương tới đó trong đời" - ông nói.
"Thẳng thắn, chúng ta vốn ít có kinh nghiệm xây tượng đài - một dạng công trình có xuất xứ từ phương Tây. Những bài học rút ra từ câu chuyện này vẫn còn nguyên đó. Bởi vậy, việc dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương cần được nghiên cứu hết sức cẩn trọng" - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.
Theo lời ông, trong thời gian trước mắt, dù tiếp tục nghiên cứu về tiêu chí thẩm mỹ, nhưng bản quy hoạch nên hạn chế việc dựng tượng đài Quốc tổ ở mức thấp nhất. Bù lại, những mẫu tượng Hùng Vương "chuẩn" có thể được giới thiệu để cộng đồng làm với quy mô nhỏ và sử dụng làm tượng thờ, vốn rất hợp với tâm thức người Việt.
Trong ngày 10/5 tới, hội thảo về vấn đề này sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP.HCM. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến chuyên gia, bản quy hoạch sẽ được hoàn thiện vào quý IV năm nay. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất