Trời ơi… lễ hội

19/02/2013 09:01 GMT+7

1. Với người Việt Nam, đi lễ hội đầu năm là tập tục. Cứ ra Giêng, từ quan chức đến thường dân, từ trí thức đến con buôn đều có nhu cầu hành hương đến nơi thánh địa. Bởi lẽ thường, ở hội có lễ, ấy là nơi liêng thiêng để cầu cúng, để tâm bình an, để cầu mong đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi… Thôi thì toàn những điều tốt lành cả.

Cả nước ta có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Có lẽ về số lượng thì có thể nước ta thuộc hàng quán quân về lễ hội, trung bình một ngày có trên 20 lễ hội.

Nhưng cùng với đó, người ta đang nói về sự biến tướng của các lễ hội và cả tâm thế của những người tham dự lễ hội đầu Xuân. Khi những lễ hội này đầy rẫy sự tham lam, tư lợi và sự bất an.

2. Chợ Viềng năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của công nhân viên chức vẫn chưa hết, vì vậy mà chợ Viềng thu hút đông du khách nhất từ trước tới nay. Và trong số họ, không ít người đã thành nạn nhân của những người “mài dao” cả năm, “chém” 1 ngày. Chợ Viềng chỉ họp có 1 ngày trong năm, nên không nói ai cũng biết, mài dao cả năm thì “chém” chắc là bén lắm.


Đồ cổ, giả cổ từ khắp nơi được bày bán với hàng trăm quầy tại chợ Viềng Chùa. Ảnh Lan Hương (TTXVN)

Cảnh “chặt chém” thì các hội khác phải kính nể các tiểu thương tại lễ hội chùa Hương. Từ cách đây gần 20 năm, hàng quán, nhà cửa trên đường đi lễ chùa Hương còn dựng sơ sài bằng tre, nứa nhưng người đi lễ chùa cũng đã đông lắm. Đến mùa hội chùa Hương, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người chủ quán vác một cây gậy chửi té tát khách vãn cảnh lỡ chèn vào hàng quán của họ.

Giờ đây, đường lễ Phật chùa Hương đẹp hơn nhiều, nhưng không vì thế mà khách đỡ sợ hơn, mà chỉ cần hở ra là họ bị “xơi” đủ kiểu. Từ đội lễ đến ăn uống, hàng quán “chém” thẳng tay. Dân tình đi viếng cảnh chùa cầu an đầu năm mà cứ nơm nớp sợ, nhìn đâu cũng thấy kẻ gian, nhìn đâu cũng ra đối thủ. Tâm liệu có an?

Nhưng có lẽ hội ấy phải chào thua lễ hội phát ấn Đền Trần. Theo chính ngôn của trang web Chính phủ, hội Đền Trần được giải thích như sau: “Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc”.

Nhưng rồi, bao nhiêu năm nay, tại lễ phát ấn, nhiều người sẵn sàng đạp lên đầu nhau chỉ vì muốn có bằng được lá ấn trong tay. Người ta quan niệm có lá ấn Đền Trần là sẽ may mắn trong đường quan lộ. Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” dường như vẫn hiện hữu trong nhiều người. Hơn thế nữa, người ta sẵn sàng xô đẩy để giành giật, cướp các đồ thờ cúng, hoa quả, chân hương tại các bàn thờ. Người ta lấy làm hoan hỷ, sung sướng với những thứ cướp được bởi họ coi cái cướp được ấy là lộc thánh ban.

Chỉ mấy ngày nữa là khai ấn Đền Trần, nhưng nghĩ mà buồn. Hay là năm nay mình không đi lễ hội!?

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm