31/07/2012 11:08 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam
Hoàng Anh Tuấn không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến đàn em vuột mất chiếc HCĐ mà đáng lẽ có thể giành được. Lực sĩ người Bắc Ninh cho rằng, nếu thời điểm Quốc Toàn đang thi đấu được anh trực tiếp nhắc nhở, có thể kết quả đã khác.
“Dẫu sao thì tôi cũng là VĐV có nhiều kinh nghiệm. Riêng ở đấu trường Olympic, tôi cũng đã có kinh nghiệm với tấm HCB. Nếu có mặt trong đêm thi đấu, tôi sẽ chỉ những ngón nghề của mình và biết đâu, Quốc Toàn đã có huy chương?”, Hoàng Anh Tuấn cho biết. Hiện tại, Hoàng Anh Tuấn đã học xong lớp bằng HLV và đã bắt tay vào công việc mới của mình. Anh hy vọng sau khi tham dự giải VĐQG năm nay, sẽ có suất tham dự SEA Games năm tới để hoàn thành nốt tâm nguyện có huy chương ở đấu trường này.
Hoàng Anh Tuấn ở kỳ SEA Games 2009 tại Lào. |
Sau đó, nếu được gọi vào ĐTQG làm HLV, Anh Tuấn sẽ trực tiếp huấn luyện cho Toàn. “Toàn vẫn đủ sức tham dự thêm 1 kỳ Olympic nữa. Toàn có sự ổn định, lực đùi rất tốt và đặc biệt là nỗ lực tập luyện. Chỉ trong vòng nửa năm, Toàn nâng được lên tới 4kg là rất đáng khen".
"Đáng khen ở chỗ 280kg đang là ngưỡng của Toàn rồi. Không đạt huy chương như mong đợi, nhưng nâng được 284kg trong môi trường như Olympic cũng đã là xuất sắc. Sẽ là tuyệt vời nếu tôi được vào BHL ĐTQG để có thể trực tiếp chỉ các ngón nghề cho Toàn tại Olympic 4 năm tới”, Anh Tuấn cho biết.
Đánh giá về thất bại của đàn em, Hoàng Anh Tuấn phân tích: “Tôi cho rằng mức đăng ký ở cử giật chưa thật sự hợp lý và thực tế đã cho thấy, Toàn đã mắc lỗi ngay ở nội dung này một cách đáng tiếc. Toàn đăng ký mức khởi điểm 125kg có vẻ hơi cao. Tại SEA Games 26, đây là mức cao nhất mà Toàn thực hiện được.
Dù đã có sự tiến bộ nhưng nếu lùi lại 1-2kg để có sự khởi động tốt về cả các nhóm cơ và tâm lý, có thể Toàn đã nâng được 127kg, thậm chí là 130kg cử giật. Ngoài ra, cần phải nhắc lại mức tạ đăng ký lên tới 292kg vô tình đã tạo áp lực không nhỏ với Toàn.
Việc đăng ký mức tạ cao như vậy, khiến Toàn được xếp vào cửa trên so với hầu hết các đối thủ còn lại. Toàn sẽ bị để ý kỹ hơn và các đối thủ, sẽ lấy Toàn làm mục tiêu để bám đuổi và đánh bại. Tôi nghĩ Toàn chỉ cần nâng được mức tạ 285kg là đã có thể có HCĐ rồi, bởi giải năm nay thật sự không có nhiều VĐV nổi trội. Toàn đã bị lỗi ngay ở nội dung cử giật. Đó thật sự là điều đáng tiếc”.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra, chính là bởi Toàn đã bị áp lực lớn từ VĐV đã đạt tới mức tạ 293kg ở nhóm B. Tuy nhiên theo Tuấn, áp lực này không đáng có bởi Toàn nên chỉ xác định có huy chương, chứ khó có thể đuổi kịp đối thủ về thành tích để tranh chấp HCV hay HCB.
“Theo tôi, trong tình thế chúng ta đã nhìn thấy rất rõ cơ hội tranh chấp HCV và cả HCB là rất khó, nên chỉ đặt ra mục tiêu là có huy chương để có những chiến thuật vừa sức hơn. Cứ nhìn lực sĩ người Azerbaijan đã có chiến thuật bám đuổi rất tốt với Quốc Toàn chỉ để tranh tấm HCĐ và đã thành công.
Chính tôi 4 năm trước, lúc đầu cũng “máu” HCV lắm bởi trong tập luyện, tôi đã nâng được mức 305kg. Đây là mức thậm chí còn phá kỷ lục Olympic. Tuy nhiên, từ tập luyện đến thi đấu lại khác và bạn bắt buộc phải có những điều chỉnh hợp lý với diễn biến”.
Quá đáng tiếc cho đàn em nhưng theo Hoàng Anh Tuấn, những nỗ lực của Quốc Toàn cũng đã gấp 2-3 lần bình thường và anh xứng đáng được nhận những lời khen ngợi. Toàn vẫn thiếu một chút tính toán và may mắn mới có thể lập được kỳ tích cho cử tạ Việt Nam.
Theo Vietnamnet
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất