Quốc hồn quốc túy

20/02/2014 12:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Qua rằm tháng Giêng rồi, lạnh bổ sung, thêm mưa phùn. Rét căm căm thế này, chẳng nghĩ ra được món gì hay hơn...thịt chó. Đám khách vỉa hè nhìn ra ngoài trời bảo nhau. Thịt chó, rượu, mắm tôm, ôi cái không khí dân dã vẫn đặc sệt trong phố thị mỗi khi thời tiết thế này, khiến cho những tâm hồn ăn uống phát sinh nhu cầu ẩm thực rất chất phác như thế. Không ai thèm  KFC hay McDonald vào lúc trời gió bấc mưa phùn, hẳn nhiên là thế.

Có thể do thời tiết, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, rét kèo dài, luôn thích hợp với việc ăn thịt chó, mà 5 triệu con chó đã chết ở Việt Nam mỗi năm. Con số 5 triệu này do Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) công bố, hoàn toàn không phải bịa.

Cứ thử đi qua mấy cửa khẩu chỗ miền Trung, nhìn những xe tải đầy ắp chó, tội nghiệp lắm, con nọ chen chúc con kia trong hoàn cảnh sống dở chết dở trước khi đưa về những lò mổ khắp khu vực đồng bằng bắc bộ, cũng chỉ để bổ sung cho lượng chó nuôi trong dân thôi, cho đủ cái nhu cầu thịt chó của người mình. Trong khi tất cả các nước trong vùng đã ra lệnh cấm vận chuyển chó chưa được tiêm chủng dại, chó không có chứng nhận sức khỏe, giấy phép nhập khẩu, và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thì việc buôn lậu chó bất hợp pháp qua biên giới vẫn cứ phát đạt.

Nước mình nó thế, cũng tại thế nên nước mình mới là cường quốc bia rượu, chứ chẳng lẽ ăn thịt chó uống nước lọc hay nước ngọt? Báo chí đưa tin thế này: Mức tiêu thụ rượu bia bình quân của những người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta (quy đổi thành rượu nguyên chất) đã tăng từ 1,35 lít năm 2001 lên 3,3 lít năm 2007, 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010, trong đó mức tiêu thụ bia tăng nhanh hơn so với mức tiêu thụ rượu.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia quy rượu nguyên chất bình quân (với người từ 15 tuổi trở lên) ở VN năm 2025 có thể sẽ tăng lên 7 lít/người/năm, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).

Nếu cứ nhất được cái gì cũng tự hào, thì mấy vụ thịt chó là bia rượu nước mình đúng là quá tự hào rồi. Thịt chó, rượu bia, xem là quốc hồn, quốc túy... Mình bảo tồn di sản văn hóa được đến đâu không rõ, chứ bảo tồn tinh thần dân tộc riêng trong lĩnh vực này đúng là thành tựu.

Mà có lẽ, cũng chỉ riêng lĩnh vực này bảo tồn được tốt thế thôi. Chứ công cuộc bảo vệ di sản nước mình gian nan vô kể. Kể cả những di sản đã được UNESCO công nhận rồi, vẫn cứ nơm nớp lo mất danh hiệu. Chưa nói đến những di sản quý giá chưa đệ trình lên UNESCO, nhưng cũng là những di sản lẫy lừng, kiểu như cầu Long Biên ấy, giờ cũng đang bị đe dọa kia kìa. Cái cầu như thế, gánh vác bao nhiêu năm lịch sử, giờ cứ muốn bắt gánh thêm trọng trách của một cây cầu thời hiện đại. Người hiện đại cứ tưởng có tiền là phá quách đi xây cái cầu y hệt, một trăm năm nữa nó cũ là xong.

Câu chuyện vỉa hè rốt cuộc quay lại với cây cầu cũ xưa của Thủ đô.  Bộ GTVT mới đây dự kiến đưa ra ba phương án chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu vị trí cầu đường sắt sông Hồng. Theo phương án nào, thì cầu Long Biên... cũng hỏng, dù phương án nào cũng nói đến hai chữ bảo tồn.

Ai cũng biết cầu Long Biên không chỉ là di tích lịch sử, là chứng nhân của bao sự kiện quan trọng liên quan đến Thủ đô, nó còn là di tích kỹ thuật. Một loại hình di tích cực kỳ hiếm ở Việt Nam. Nếu không có cầu Long Biên, hay nhà máy nước Vạn Niên ở Huế, tháp nước vườn hoa Hàng Đậu, cầu sắt Sài Gòn cuối thế kỷ 19…thì loại hình di tích kỹ thuật ở nước ta sẽ đơn thuần chỉ là mấy cối xay, giã gạo hay những cọn nước miền cao. Điều quan trọng nữa là ý nghĩa đặc biệt của cầu Long Biên với cảnh quan và sắc thái đô thị Hà Nội. Nhiều đô thị trên thế giới gắn với một dòng sông và cây cầu.

Sẽ mất rất nhiều tiền để xây lại cầu. Trong những công cuộc xây lại ấy, mấy chữ bảo tồn chỉ để làm dáng. Chắc chắn thế!

Quốc hốn quốc túy mai ngày chắc chỉ còn mỗi thịt chó rượu bia!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm