(Thethaovanhoa,vn) -
“Quốc hội” gồm đại biểu chỉ là trẻ em và câu lạc bộ dân chủ trong trường học đang là những mô hình mới hoạt động rất hiệu quả giúp thế hệ măng non của Bhutan thêm yêu mến và hiểu rõ hơn về đất nước của mình.
Từ câu lạc bộ trong trường học đến “quốc hội nhí”
Trong căn phòng treo hàng loạt chân dung các đời vua Bhutan, cô bé Chimi Wangmo (14 tuổi) chăm chú với thẻ câu hỏi về nữ bộ trưởng đầu tiên của Bhutan. Chimi hiện là thành viên của câu lạc bộ dân chủ trường Yangchen Gatshel. Trên khắp Bhutan có 153 ngôi trường cũng tổ chức những câu lạc bộ tương tự - một sáng kiến từ năm 2013 của Ủy ban bầu cử Bhutan.
Vào năm 2008 Bhutan đã chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ khiến Chimi là thế hệ đầu tiên trưởng thành tại Bhutan với một vị thủ tướng được chọn lựa qua tổng tuyển cử. Khoảng 8 năm sau, cô bé đang tìm hiểu những khái niệm cơ bản về nền chính trị quốc gia qua câu lạc bộ dân chủ tại trường học.
Từ hạt nhân là các câu lạc bộ dân chủ này, một quốc hội dành riêng cho trẻ em Bhutan đã được thành lập. Quốc hội của trẻ em Bhutan (BCP) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 4/1 tại văn phòng Ủy ban bầu cử Bhutan ở thủ đô Thimphu với kết quả là 21 “nghị quyết” được thông qua. Nội dung họp tập trung bàn thảo về những vấn đề quốc gia liên quan tới trẻ em, thanh thiếu niên Bhutan.
63 đại biểu nhí dự cuộc họp BCP đã được tín nhiệm bầu ra từ “cuộc bầu cử quốc gia” vào tháng 9 năm ngoái tại các câu lạc bộ dân chủ trường học trên khắp cả nước. Việc bầu cử đại biểu nhí cũng được áp dụng quy thức tương tự cuộc tổng tuyển cử quốc gia, gồm máy bỏ phiếu điện tử, văn phòng bầu cử, tổ chức vận động cử tri... Kết quả đã có tới 98,22% cử tri nhí tham gia bỏ phiếu.
Bà Christina Carlson, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Bhutan bộc bạch rằng BCP là một nền tảng quan trọng để trẻ em nơi đây được thể hiện ý kiến của mình. Chính Chủ tịch Quốc hội Bhutan Jigme Zangpo cũng ca ngợi BCP và nhấn mạnh quốc hội sẽ tích cực hỗ trợ sáng kiến này.
BCP thường nhóm họp 2 lần/năm, không có thủ tướng và các đảng phái nhưng các đại biểu nhí hoàn toàn có khả năng đề cập kiến nghị đến thủ tướng, chủ tịch quốc hội và các quan chức cấp cao.
Quang cảnh phiên họp đầu tiên của Quốc hội dành riêng cho trẻ em Bhutan
Điều trẻ em muốn
Tại trường trung học tư thục Kelki tọa lạc giữa trung tâm thủ đô Thimphu, chỉ cách trụ sở quốc hội 3 km, nữ sinh Kinley Payma cho biết, nếu được bầu vào BCP, cô bé sẽ lên tiếng về công bằng cơ sở vật chất cho cả học sinh nông thôn và thành thị. Nhiều học sinh khác cảm thấy chính phủ cần phải quan tâm hơn đến giới trẻ bởi tình trạng thất nghiệp rất đáng lo ngại.
Quay trở lại với Chimi, quan tâm hàng đầu hiện nay của em là trúng cử trở thành đại biểu của BCP và tạo được sự chú ý tới các vấn đề giới trẻ đang phải đối mặt, đặc biệt là trẻ em gái.
Hiện nay có 18 nữ sinh và 45 nam sinh là đại biểu của BCP trong khi tại quốc hội hiện hành của Bhutan, chỉ có 3 đại biểu nữ. Đây có thể được coi là một tín hiệu tích cực đối với Bhutan trong tương lai. Ngay tại các câu lạc bộ dân chủ trường học, nữ giới cũng đang chiếm số đông với tỉ lệ 2.249 nữ sinh và 1.958 nam sinh. Nhiều em gái còn chia sẻ đang giúp bố mẹ hiểu hơn về đất nước Bhutan đang thay da đổi thịt.
Sự thay đổi còn xuất hiện ngay trong chính trường học. Hiệu trưởng trường Kelki kể lại, sau khi câu lạc bộ dân chủ thành lập các học sinh bắt đầu hỏi ông về quy định trong trường học do vậy trong thời gian tới, trước khi đưa ra các quy định mới ông sẽ tham khảo ý kiến của học sinh.
Hà Linh/ Báo Tin Tức