Tại sao bóng đá Việt Nam chỉ thích thắng Thái Lan?

09/10/2015 14:10 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thắng 1-0 ở Rajamangala, có thể tạm coi như người Thái đang dẫn chúng ta sau hiệp 1 tại vòng loại World Cup 2018, với cách biệt tối thiểu và thầy trò HLV Miura còn ít nhất 45 phút của hiệp nhì để thay đổi cục diện trận đấu. Đấy là trận tái đấu ở Mỹ Đình vào ngày 13/10 tới đây, một trận đấu có ý nghĩa sống còn để tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng.

Nhưng câu chuyện mà Thể thao & Văn hoá cuối tuần muốn đề cập ở đây là với một bộ phận người Việt, họ có thể chấp nhận thất bại chung cuộc trên hành trình tìm vé dự VCK Asian Cup 2019, nhưng chỉ cần thắng Thái Lan là đủ. Tại sao thế nhỉ?

Thắng, thua một trận đấu…

Vẫn phải nhắc lại một chút diễn biến ở trận lượt đi. Thái Lan cho đến trước khi có bàn thắng ở phút 81 (do công của Pokklaw A-Nan) đã gần như lấn lướt hoàn toàn đội tuyển Việt Nam, ít nhất là thời lượng kiểm soát bóng, cũng như các ý tưởng phát triển lối chơi. Tuy nhiên, học trò HLV Miura không phải đã không có cơ hội ghi điểm, cụ thể là 2 pha tiếp bóng không như ý muốn của tiền đạo đội trưởng Lê Công Vinh, thời điểm mà thủ thành S. Hathairattankool đã xuất tướng.

Tuy nhiên, nếu cứ bám víu vào những tai nạn hoặc điều không may, ví như chiếc thẻ đỏ của Minh Châu ở đầu hiệp 2, để giải thích cho một thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ, thậm chí còn giảm thiểu giá trị chiến thắng của đối thủ. Có câu, ngay cả kẻ thù cũng phải dành cho nhau sự tôn trọng đúng mực, huống hồ là đối thủ chính ở khu vực như Thái Lan. Họ đã có chiến thắng xứng đáng và sức mạnh của Thái thể hiện ở vị trí số 1 bảng đấu có cả Iraq.

Vấn đề đặt ra lúc này là, HLV Miura và các học trò sẽ làm gì để thay đổi cục diện ở lượt về, hay ít nhất cải thiện thành tích so với lượt đi và cả thành tích đối đầu nghèo nàn giữa hai nền bóng đá?! Theo chia sẻ của cựu danh thủ Thể Công (cũ) và đội tuyển Việt Nam, HLV Nguyễn Đức Thắng, chúng ta buộc phải dồn lên chơi tấn công, thay vì để đối phương phán xét trận đấu. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Miura không chỉ dồn lên một cách vô thức, mà thiếu các ý tưởng.


Công Vinh và đồng đội có 90 phút trên sân Mỹ Đình để đòi "món nợ" trước Thái Lan

“Thái Lan rất giỏi trong việc tính toán, chọn thời điểm để ăn bàn, cũng như gây sự ức chế lên đối thủ, đặc biệt là trong các cuộc đối đầu với Việt Nam”, HLV Nguyễn Đức Thắng nói. Việc kiểm soát trạng thái tâm lý là điều rất quan trọng, để không phải nhận những chiếc thẻ không hề oan uổng như của Minh Châu ở lượt đi. Bởi, muốn vượt qua đối thủ, nếu bạn không hơn họ về quân số trên sân, thì ít nhất không thể để mất người. đội tuyển Việt Nam không thể chơi thứ bóng đá xấu xí.

Thông thường, khoảng thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu là rất bổ ích, để các HLV đưa ra các phương án, cũng như hiệu đính về chiến thuật – con người. HLV Miura đã có gần 5 tháng để nghiền ngẫm, sau thất bại tại Rajamangala, thêm 2 tuần chuẩn bị và một trận “thử nghiệm” với đối thủ rất mạnh khác tại bảng F là Iraq, trước khi trở lại “hiệp 2” với Thái Lan. Như thế là quá đủ để có thể đưa ra được lời giải, nếu không làm được, thì HLV Miura tốt nhất là nên xin nghỉ hay VFF phải hành động.

… Sau khi đã thua cả chiến lược

Sự thật là, chúng ta luôn đi sau người Thái và ở tầm chiến lược phát triển nền bóng đá, khoảng cách có thể không chỉ là 10 hay 20 năm, thậm chí còn rất lâu nữa mới bắt kịp được họ. Tuy nhiên, như Thể thao & Văn hoá cuối tuần đã từng nhiều lần đề cập, trong khuôn khổ một trận đấu, đội tuyển Việt Nam không phải không có cơ hội. Thực tế, đã hơn một lần chúng ta vượt qua Thái Lan, tại các trận đấu – giải đấu chính thức cấp khu vực, mà  có lẽ không cần phải nhắc thêm nữa.

Chiến lược là quá trình cải tổ, nâng cấp diễn ra trong nhiều năm, cho những mục tiêu cụ thể. Về điều này, chúng ta đã có cả Đề án phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, song trên thực tế, với lối tư duy nhiệm kỳ và vị thành tích, các ĐTQG vẫn phải mang trọng trách của một "kẻ ăn đong". Tức là, cứ trước mỗi giải đấu cụ thể, chúng ta lại đặt ra chỉ tiêu đoạn ngắn, quên rằng mình đang chạy đường trường.

Nhưng, Thái Lan không như thế. Giai đoạn 1995 – 2005, sau khi đã no nê các danh hiệu cấp khu vực, họ quyết định dừng lại và ngẫm nghĩ để nâng tầm tham vọng. Hơn nửa thập niên vắng bóng trên bục danh hiệu ở cả SEA Games lẫn AFF Cup, kể từ sau lần cuối cùng trên sân nhà 2007, không có nghĩa là bóng đá Thái Lan đã biến mất trên bản đồ, mà họ lùi lại để tiến xa. Mục tiêu dự VCK Asian Cup 2019 là đương nhiên, ngoài ra, người Thái đã nghĩ đến World Cup 2022.

Xét về sự phát triển đồng bộ, từ đào tạo trẻ đến hệ thống các giải đấu hàng đầu, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho bóng đá, Thái Lan có cơ sở để tin vào điều tưởng như không thể, với một nền bóng đá vùng trũng. Có lẽ ít ai trong chúng ta nhớ, Indonesia từng dự VCK Asian Cup 2004 (diễn ra tại Trung Quốc) bằng cửa chính (tức thông qua vòng đấu loại), còn Thái Lan cũng nhiều lần góp mặt ở sân chơi cao nhất châu lục, không phải với tư cách chủ nhà hay đồng chủ nhà.

Chấp nhận mình yếu và thiếu, hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, nhưng với môn thể thao vị thành tích như bóng đá, cần phải thực tế. Nếu không muốn mãi mãi chạy sau họ, trước nhất, chúng ta phải học họ, ít nhất về phương pháp làm, bởi bóng đá là sự tích luỹ, là cuộc chạy marathon, tiếp sức, cần tính kế thừa liên tục, chứ không mua đứt bán đoạn. Đội tuyển Việt Nam đã chỉ trụ lại trên đỉnh Đông Nam Á được 2 năm, sau chức vô địch AFF Cup 2008, vì đã ngủ quên trên chiến thắng.

Nền bóng đá từng phải trả giá ở bán kết AFF Cup 2014, vì sự chủ quan vô lối và những tính toán sai lầm của BHL, sau khi nắm được lợi dẫn 2-1 trước Malaysia ở lượt đi. Bài học ấy còn chưa ráo mực và lần này, ở thế chân tường, HLV Miura buộc phải hành động.

Theo diễn biến, đã có khoảng chục ngàn chiếc vé xem trận tái đấu giữa Việt Nam và Thái Lan được bán ra (chưa kể vé chợ đen), nhưng trước đó, vé xem trận gặp Iraq lại khá ế ẩm. Điều đó phần nào cho thấy sức hút các cuộc đối đầu với người Thái vẫn cực lớn.

Tuy nhiên, có một chi tiết ít ai trong chúng ta để ý, đó là văn hoá cổ động ở Việt Nam vẫn còn khá nghiệp dư, thiếu đồng bộ và đương nhiên, thiếu cả bản sắc. Phần đông người hâm mộ tìm đến sân để xem bóng đá, thay vì cổ vũ đội bóng, biến các khán đài thành cầu thủ thứ 12.

Năm 2008, khi theo chân đội tuyển Việt Nam đá chung kết lượt đi AFF Cup ở Rajamangala, tuy là Thái Lan đã thua 1-2 (trước khi thua chung cuộc 2-3), điều bị cho là khó chấp nhận, nhưng các khán đài sân bóng hùng vĩ này chưa từng ngưng “động”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã thấy phần nào sự khác biệt.


Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm