Tuyển Olympic Việt Nam: Áp lực khủng khiếp từ HLV Miura

27/02/2015 06:03 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Không bỏ 1 buổi tập nào trong 3 ngày, tập đủ 5 buổi, buổi ngắn nhất dài 1 tiếng rưỡi, buổi dài nhất gần 2 tiếng rưỡi, liên tục nhồi nhét thể lực, quát tháo không ngừng từ cầu thủ tới cả trợ lý, HLV Toshiya Miura đang tạo một sức ép khủng khiếp lên đội Olympic Việt Nam chỉ trong những ngày tập luyện đầu tiên.

Đội Olympic Việt Nam với nòng cốt là nhóm cầu thủ HAGL và U19 Việt Nam từng thua những trận rất đậm trước các đối thủ ở cấp độ quốc tế và quốc nội vì cùng một lý do: thể lực. Đó cũng là vấn đề lớn nhất của thế hệ này đã được nói tới trong suốt một năm qua.

Hơn ai hết, HLV Miura là người hiểu rõ điều đó. Ông đã và đang làm mọi thứ có thể để thay đổi chuyện này. Chúng ta đều biết đội Olympic của ông chỉ có khoảng 1 tháng để làm điều đó. Tập trung từ ngày 24/2, họ chỉ có khoảng 30 ngày chuẩn bị trước khi vòng loại giải U23 châu Á khởi tranh vào hôm 23/3.

Nhưng đó không phải là 30 ngày trọn vẹn bởi xen kẽ ở giai đoạn sau, đội Olympic sẽ có khoảng 5 tới 7 trận giao hữu. Vì thế, thời gian tăng cường thể lực, trên thực tế, chỉ có khoảng 15 ngày.

Đó là còn chưa nhắc tới dư âm của đợt Tết Nguyên đán vốn là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Thử thách cho HLV Miura vì thế là rất lớn. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, ông phải nhanh chóng cải thiện thể lực của đội Olympic, đánh bật không khí Tết và sẵn sàng cho hàng loạt trận giao hữu ở phía trước.

Trong 3 ngày qua, đội Olympic gần như không hề tập bóng ngắn. Họ liên tục bị nhồi thể lực và tập đấu đối kháng theo nhiều hình thức khác nhau (chủ yếu là 8 đấu 8). Đó là một điểm khác biệt quan trọng trong giáo án tập của Olympic Việt Nam so với ĐT Việt Nam.

Khi ĐT Việt Nam tập trung cho AFF Cup 2014, ông Miura đã có tới 4 tháng chuẩn bị. Văn Quyết và các đồng đội có thừa thời gian giải quyết câu chuyện thể lực trước khi tập chiến thuật.

Nhưng ở đội Olympic hôm nay, thời gian chính là thứ có ít nhất. Xen kẽ với các bài tập chiến thuật, ông Miura đã áp dụng liên tục các bài đấu đối kháng. Riêng trong buổi tập chiều ngày 25/2, ông thầy người Nhật đã sử dụng tới... 5 bài tập 8 đấu 8 chỉ trong khoảng 1 tiếng.

Bằng mọi phương pháp có thể, nhiệm vụ của HLV Miura là tạo ra một đội quân giàu thể lực và đồng nhất về chiến thuật. Từ 30 con người (sẽ rút xuống 23) trong 1 tháng, với một thế hệ hoàn toàn mới, chưa từng tập chung với nhau, ông Miura sẽ phải tạo ra một đội bóng chiến thắng.

Mà đối thủ của họ trong một tháng tới là Olympic Nhật Bản, đội đã ghi 8 bàn vào lưới Olympic Thái Lan, và chủ nhà Olympic Malaysia. Trước 2 “ngọn núi” ấy, ông Miura không thể nhân nhượng.

Giáo áo “khủng” của HLV Miura đã tạo ra hàng loạt vấn đề khi liên tiếp các tuyển thủ phải lên tiếng thừa nhận sự mệt mỏi của mình. Không kể tới các ngôi sao U19 Việt Nam, chính những cầu thủ Olympic từng dự ASIAD và các tuyển thủ quốc gia cũng đã phải thừa nhận họ đang mệt mỏi.

Nhưng đấy là sự mệt mỏi cần thiết, là cái giá phải trả để Olympic Việt Nam hướng tới chiến thắng. Giáo án nặng ấy khiến các cầu thủ kiệt sức, nhưng tinh thần của họ lại phấn chấn. Nửa năm trước, ông Miura đã thành công với những con tính tại ASIAD. Bây giờ, các cầu thủ chờ đợi ở ông một điều kỳ diệu tương tự.

Một ngôi sao nữa kiệt sức

Những bài tập mệt mỏi của HLV Toshiya Miura đang tạo nên hàng loạt vấn đề cho các học trò. Sau Ngọc Hải, Công Phượng và Tuấn Anh, trung vệ Bùi Tiến Dũng là cầu thủ kế tiếp lên tiếng về vấn đề này: “Thầy Miura có nhiều bài tập lại. Mỗi buổi tập đều diễn ra nghiêm túc với các bài tập đa dạng. Nhưng bọn em vừa nghỉ Tết xong nên cảm thấy hơi nặng”.

Tiến Dũng là một trong những cầu thủ đặc biệt nhất đợt tập trung lần này. Anh là cái tên duy nhất không thi đấu ở giải hạng Nhất và V-League nhưng vẫn được gọi lên đội tuyển. Tiến Dũng thừa nhận: “Em không thi đấu hạng Nhất và V-League nên bị ảnh hưởng khi không được đá nhiều và hay phải tập một mình. Điều ảnh hưởng cụ thể tới em là chuyện kinh nghiệm”.

Cầu thủ của U19 Việt Nam cũng tiết lộ một số nội quy của đội Olympic như không được ra khỏi trại sau 22 giờ tối, chỉ được dùng di động theo một số giờ cố định. Cũng theo Tiến Dũng, anh và các đồng đội đều thoải mái với điều kiện sinh hoạt và ăn uống ở Trung tâm đào tạo trẻ của VFF.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm