Xử phạt quấy rối tình dục: Chưa định nghĩa biết đường nào xử?

18/03/2013 08:02 GMT+7 | Pháp luật

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động đang được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến người dân. Trong đó có nêu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn định nghĩa hành vi này nên dễ xảy ra sót lọt hoặc oan sai.

Tốt nghiệp Trường ĐH Luật, NHY về tỉnh nhà ở Tây Nguyên xin việc tại một tòa án huyện. Trong thời gian làm thư ký, Y. đã bị một thẩm phán nam quấy rối tình dục (QRTD) liên tục. Ban đầu là những lời khen, những cái vuốt tóc, nựng má... Y. bị stress một thời gian dài không tìm ra cách giải quyết nên tìm đến chuyên gia tâm lý. Chuyên gia khuyên Y. nên tỏ thái độ thẳng thắn với ông ta. Y. đã thẳng thắn nói chuyện với ông này nhưng kết quả không khả quan. Trong một lần cơ quan tổ chức tiệc tất niên, ông đã giả vờ xỉn rồi gợi ý nhờ Y. chở về nhà. Trên đường về, ông giả vờ gục đầu vào người Y., thỉnh thoảng sờ soạng nhiều nơi. Sau lần đó dù chưa tìm được việc làm mới, Y. vẫn đành nộp đơn xin nghỉ việc.

Thế nào là quấy rối tình dục

Tại các phòng tư vấn tâm lý, lượng khách hàng bị QRTD như Y. không phải hiếm. Chuyên viên tư vấn tổng đài 1088 Lê Thị Minh Hoa cho biết nhiều người nhờ chị gỡ rối việc này trong tình trạng lo lắng. Chị đã từng khuyên những cách đề phòng hoặc né đi bởi không có luật để xử lý. Nay thì có luật rồi nhưng vẫn khó có thể đưa ra pháp luật được vì luật chưa định nghĩa thế nào là QRTD.



Lần đầu tiên hành vi QRTD được Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-5 tới đây) đưa vào luật để điều chỉnh. Trong đó có nêu QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị QRTD. Đây là điểm tiến bộ trong sửa đổi Bộ luật Lao động. Mới đây, dự thảo Nghị định xử phạt về lĩnh vực lao động có quy định xử phạt hành vi này mức phạt cụ thể phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng. Tuy nhiên, những điều quy định này vẫn còn nửa vời bởi đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thế nào là QRTD, kể cả trong dự thảo nghị định nêu trên.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết ông đã rất vui khi biết hành vi QRTD tại nơi làm việc được đưa vào luật bởi tình trạng này xảy ra không ít trên thực tế nhưng là chuyện khó nói, khó giải quyết và nạn nhân phải chịu thiệt thòi trong thời gian dài.

“Tôi hoan nghênh việc xử phạt hành vi vì trong quan hệ lao động không chỉ có tiền công, tiền lương mà còn có quan hệ đạo đức. Thực tế hiện nay đạo đức trong quan hệ lao động còn bị xem nhẹ, người lao động còn bị xem thường. Có người lao động còn bị người tuyển dụng đòi hỏi “chuyện ấy” khi mới bước chân đi xin việc” - ông Tuấn nói. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, QRTD bây giờ rất tinh vi bằng nhiều hình thức, để phân biệt một hành vi là QRTD hay chỉ là một cử chỉ thân thiện cần có hướng dẫn cụ thể mới áp dụng xử phạt được.

Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cần hướng dẫn cụ thể thế nào là QRTD. Cho xem tranh ảnh nude, một cái nhìn khiêu khích, lời tán tỉnh theo kiểu “vòng một của em hôm nay đẹp quá” hay đụng chạm mông, má... có bị cho là QRTD? QRTD là khái niệm rất trừu tượng nếu chưa được định nghĩa các cơ quan chức năng không thể áp dụng xử phạt được. Định nghĩa hành vi rõ ràng nhằm xử lý đúng hành vi, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng sự mập mờ của luật để xử những người vô tình bị gài bẫy.

Có cần thiết phạt cao?

Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Luận, không thể gộp chung một câu rằng hành vi “QRTD tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng” như dự thảo đã ghi. Cần phân loại mức độ nhẹ, nặng của hành vi này để quy định những mức phạt khác nhau. Có những trường hợp QRTD diễn ra trong thời gian dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm nạn nhân bị stress đến mức nhảy lầu tự tử...

Đáng ngạc nhiên là mức phạt cho hành vi QRTD lại cao nhất trong tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Trả lời trên một tờ báo, một chuyên gia trong ban soạn thảo dự thảo này cho biết QRTD là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 của Bộ luật Lao động nên tổ biên tập mới dự kiến đưa ra mức xử phạt đến 75 triệu đồng. Hơn nữa, trong Bộ luật Hình sự chưa có quy định hành vi QRTD nên tổ biên tập đã đưa mức phạt cho hành vi này lên mức tối đa.

Không đồng tình quan điểm này, luật sư Nguyễn Minh Luận cho rằng QRTD là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhân cách con người nên đồng tiền, mức phạt cao hay thấp không là vấn đề chính yếu. “Một khi hành vi QRTD đã đến mức phải xử phạt hành chính thì bản thân người bị phạt đã bị mất thể diện, ảnh hưởng nhiều đến công việc, quan hệ xung quanh. Cái đó nó còn nặng hơn phạt tiền nhiều. Thậm chí chỉ cần lập biên bản, thông báo cho cả đơn vị biết hành vi này đã là sự răn đe cần thiết rồi” - luật sư Luận nói.

Cuối năm qua, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức nghiên cứu nhanh về tình trạng QRTD tại nơi làm việc trên 102 người là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên…Vì là nghiên cứu nhanh, chưa có thông tin định lượng nhưng kết quả cho thấy QRTD diễn ra ở khắp nơi, nhiều độ tuổi nhưng tập trung nhất là ở độ tuổi từ 18 đến 30. Hình thức QRTD là những lời lẽ tán tỉnh thô tục, kích dục; đụng chạm thể xác; đề nghị quan hệ tình dục. Kẻ QRTD thường đưa ra những điều kiện như nâng lương, đề bạt, tuyển dụng.

Cán bộ, công chức, viên chức được miễn trừ?

Điều 2 dự thảo Nghị định có nêu “cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này”. Như vậy, quy định này chỉ điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức hành chính được miễn trừ hay sẽ được điều chỉnh theo quy định riêng? Tôi không hiểu sao lại có sự phân biệt đối xử như vậy khi mà theo nghiên cứu thì hành vi QRTD diễn ra nhiều nhất ở hai ngành sự nghiệp là y tế và giáo dục.

Một luật sư giấu tên

Theo Thanh Mận
Pháp luật TP.HCM


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm