Quảng Ninh tự lực, tự cường vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới

28/10/2024 16:03 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tầm vóc, vị thế và mở ra thời kỳ phát triển mới cho vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Từ khi thành lập tỉnh đến nay, nhất là sau 40 năm đổi mới, Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên để phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện, tạo bước phát triển bứt phá.

Thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực

Kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao, giữ vững đà tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2023 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao nhất), năm 2023 tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 56.600 tỷ đồng, vượt 7% so với dự toán trung ương giao và 4% dự toán tỉnh giao, tăng 4% so vớ cùng kỳ năm trước (CK). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 121 lần năm 1986, gấp 334 lần năm 1991, gấp 58 lần năm 2000, gấp 7,5 lần năm 2010, gấp 2,8 lần năm 2015, gấp 1,5 lần năm 2020.

Quảng Ninh tự lực, tự cường vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới - Ảnh 1.

Quảng Ninh đạt nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực

Những nỗ lực đổi mới trong 61 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh liên tục được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Kết quả thu hút đầu tư liên tiếp đạt những con số kỷ lục, năm 2023 đạt 5 tỷ USD; trong đó thu hút FDI cao nhất từ trước đến nay,đạt hơn 3,1 tỷ USD.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, với 05 thành phố, 01 thị xã trực thuộc tỉnh. Tỉnh quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn, như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, cao tốc Hạ Long - Móng Cái… đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.

Quảng Ninh tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, gấp đôi bình quân cả nước, cao nhất khu vực phía Bắc, gấp 3,9 lần năm 2010, gấp 1,4 lần năm 2020. Tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh gấp 1,4 lần so với trung ương về tiêu chí thu nhập. Tỉnh hoàn thành xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Càng gian khó càng tỏa sáng

Nhiều thành quả của tỉnh từ khi thành lập đến nay đã được khẳng định, nhất là trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bên cạnh đó, tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh những vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất là thiệt hại nặng nề của bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh, khoảng gần 25.000 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước.

Với tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm rất cao, sự chủ động, quyết liệt, nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tập trung cao nhất, với tinh thần khẩn trương nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách thần tốc, hiệu quả, nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả của bão. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh để chỉ đạo, tập trung cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, triển khai kịp thời các chính sách cấp bách hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp…, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở. Tỉnh dành nguồn lực 1.000 tỷ đồng thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động SXKD sau bão số 3 (Nghị quyết số 266/NQ-HĐND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh). Cụ thể: Hỗ trợ về nhà ở, nâng mức bảo trợ xã hội, miễn học phí cho học sinh, hỗ trợ trục vớt tàu, thuyền bị chìm do bão số 3.

Tỉnh nhanh chóng thành lập các tổ công tác để khôi phục, tái thiết nền kinh tế; xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời báo cáo đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.

Dù thiệt hại do bão số 3 là vô cùng lớn, trong thiên tai, bão lũ, tình thế cấp bách, khó khăn, nhưng tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã được khơi dậy mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã tiếp nhận từ 2.482 tập thể, cá nhân đăng ký ủng hộ 89,92 tỷ đồng (86,8 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật quy ra tiền trên 3 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. 

Phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", Quảng Ninh đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số. Năm 2024 tỉnh quyết tâm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, thu NSNN không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 3 tỷ USD.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm