Chiến thắng của Quang Anh - Sức mạnh bình chọn: Lý lẽ hay trái tim?

09/09/2013 06:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vẫn còn nhớ cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long cách đây ít lâu, sau đó mang lại cho danh thắng này thêm một danh hiệu: Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cuộc vận động cho hình ảnh quốc gia này kéo dài nhiều năm, diễn ra ở cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, được đánh giá là cơ hội lớn đối với ngành du lịch để xây dựng và quảng bá Hạ Long, để mời gọi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, chiêm ngưỡng vẻ đẹp vịnh Hạ Long và tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam.

>>>Đọc các bài viết về Giọng hát Việt nhí 2013 tại đây

Không giống như cuộc vận động giành danh hiệu kỳ quan thế giới mới cho vịnh Hạ Long, nhưng người Việt cũng từng “xiêu lòng” khi Hoa hậu Thế giới mở cửa bầu chọn cho thí sinh vào chung kết. Năm 2006, nhờ sự hậu thuẫn của khán giả Việt, Mai Phương Thúy lọt vào Top 17 nhờ được bình chọn nhiều nhất qua mạng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trở lại câu chuyện đang “nóng”: Chung kết Giọng hát Việt nhí với chiến thắng thuộc về cậu bé Quang Anh,12 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa với 215.903 bình chọn. Sẽ chẳng có gì phải “lăn tăn” về ngôi vị quán quân của Quang Anh (bởi trong số 3 thí sinh vào tới đêm chung kết Giọng hát Việt nhí, ai chiến thắng cũng đều xứng đáng) nếu như các cơ quan nhà nước ở tỉnh Thanh Hóa (như Sở Giáo dục & Đào tạo, UBND phường…) không ra công văn kêu gọi bình chọn cho thí sinh là người của địa phương mình.

Chúng ta từng có hẳn những cuộc vận động rầm rộ bầu chọn cho vịnh Hạ Long. Nhưng như đã nói, đó là một cuộc bầu chọn tầm quốc tế, cho những lợi ích quốc gia, vì hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Còn Giọng hát Việt nhí chỉ là một sân chơi ca hát trên truyền hình nhằm tìm kiếm những tài năng ca hát nhí. Hai cuộc bình chọn như vậy không nên và không thể mang ra để so sánh.

“Con hát mẹ khen hay”, người xưa đã nói như vậy. Thời hiện đại, không chỉ có mẹ khen hay mà cả cô, dì, chú bác, họ hàng, bạn bè gần xa, thân bằng cố hữu cũng… khen hay. Và tất nhiên, cái sự khen hay kia không thể hiện suông mà được hiện thực hóa bằng các tin nhắn bình chọn tới tổng đài. Nhưng chẳng ai có tới vài trăm ngàn người họ hàng, bạn bè, mà nói gì thì nói, họ phải thực sự “cảm hóa” được trái tim công chúng không gì khác là bằng giọng hát.

Vậy cần hiểu thế nào về sự can thiệp của “lý lẽ”: các văn bản của cơ quan quản lý? Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa không phạm quy khi ra văn bản trên. Bởi đó chỉ là công văn kêu gọi chứ không phải quyết định bắt buộc. Nhưng nó không ổn ở chỗ, có thể họ không tự tin lắm ở tài năng của con em mình? Còn “cư dân mạng” thì được dịp “ném đá” không tiếc tay bằng cách lôi ra đủ thứ lý lẽ (nhưng rất cảm tính) về sự sắp đặt kết quả, về tính cục bộ địa phương… v.v.. và v.v… Tuy nhiên, đáng buồn là người lớn đang nhìn cuộc chơi của con trẻ, nơi đáng lẽ cần sự động viên, khuyến khích chân thành và đầy tính nhân văn, trong sự toan tính, thậm chí tới mức “ăn thua”, của mình… Còn cơ quan quản lý về giáo dục, đáng lẽ phải là tấm gương về “đạo học” cho con trẻ thì cũng mắc “bệnh thành tích” cả trong một cuộc chơi.

Giọng hát Việt nhí đã khép lại, những ì xèo có lẽ cũng nên khép lại, để còn tình cảm của khán giả truyền hình dành cho những giọng ca nhí thật sự tài năng và bản lĩnh…

Hà Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm