Quần vợt Australian và khoảng trống Lleyton Hewitt

23/01/2016 14:35 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại của Nick Kyrgios trước Tomas Berdych chiều hôm qua không bất ngờ, nhưng nó rơi đúng vào thời điểm Lleyton Hewitt vừa tuyên bố giã từ sự nghiệp, và chắc hẳn người hâm mộ quần vợt Australia sẽ cảm nhận được một khoảng trống lớn mà tay vợt này để lại.

Cho tới thời điểm này, Hewitt vẫn là tay vợt trẻ nhất từng lên ngôi số một thế giới (20 tuổi 268 ngày). Với chiều cao 1m78, anh cũng là tay vợt số một thế giới thấp nhất. Nhưng điều mà người ta nhớ đến anh hơn cả có lẽ là sự bền bỉ trong sự nghiệp của mình.

Bền bỉ như Hewitt

Khi một phóng viên hỏi Hewitt sau trận thua David Ferrer 2-6, 4-6, 4-6 rằng anh cảm thấy thế nào khi được coi là một “tài sản quốc gia”, anh trả lời: “Tôi chưa đọc được ở đâu viết như thế, nhưng như tôi đã nói, tháng này là khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi yêu từng phút trên sân. Tôi cố gắng tận hưởng nó nhiều nhất có thể”.

Sự nghiệp của Hewitt là một minh họa cho quyết tâm ấy. Khó có một tay vợt nào từng đứng trên ngôi số một thế giới mà lại kiên nhẫn thi đấu trong khi đã qua thời đỉnh cao từ lâu như Hewitt. Lần gần nhất, anh lọt vào bán kết Grand Slam cách đây đã hơn 1 thập kỷ (US Open 2005). Từ năm 2009 đến giờ, anh thậm chí không lọt nổi vào tứ kết Grand Slam. Từ tháng 6/2010 đến giờ, anh giành vỏn vẹn 2 danh hiệu (Brisbane 2014 và Newport 2014).

Hewitt đã giành 30 danh hiệu ATP, đứng thứ 5 trong các tay vợt còn thi đấu. Anh là gạch nối giữa hai giai đoạn thống trị của Pete Sampras và Roger Federer. Anh lọt vào 4 chung kết Grand Slam và vô địch 2 (US Open 2001, Wimbledon 2002). Hewitt cũng hai lần vô địch Masters Cup (2001, 2002) và Davis Cup (1999, 2003). Nhưng thành tích lớn nhất của Hewitt là giúp quần vợt Australia vượt qua một giai đoạn đen tối vì thiếu tài năng.

Năm 1988, một năm sau khi Pat Cash giành Wimbledon, Liên đoàn quần vợt Australia quyết định chuyển từ mặt sân cỏ truyền thống ở Melbourne Park sang sân cứng. Hơn một thập kỷ sau đó, nền quần vợt từng sản sinh ra những Rod Laver, Ken Rosewall, John Newcombe đã sa sút nghiêm trọng. Tay vợt đỉnh cao duy nhất trong suốt giai đoạn ấy là Patrick Rafter người đã giành hai Grand Slam ở cuối thập niên 90 của thế kỷ trước (1997, 1998). Cũng trong năm 1997, cậu bé 15 tuổi Lleyton Hewitt đã trở thành tay vợt trẻ nhất lọt vào vòng đấu chính thức Australian Open. Rafter sau đó nhanh chóng sa sút, nhưng Hewitt đã trưởng thành cực nhanh để lấp vào khoảng trống ấy.

Gánh nặng cho thế hệ 9X

Vào thời điểm Hewitt giành Wimbledon 2002, anh là tay vợt Australia duy nhất kết thúc năm trong Top 10. Tay vợt số hai nước này là Mark Philippousis cũng từng lọt vào chung kết Grand Slam nhưng không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng vì liên tục dính chấn thương.

Nhưng dù sao, thế hệ ấy vẫn được đánh giá cao hơn bây giờ. Trong Top 100 ATP hiện nay, Australia có 5 tay vợt, trong đó đáng chú ý hơn cả là Bernard Tomic (hạng 17), Nick Kyrgios (30), và Thanasi Kokkinakis (86). Đặc biệt, cả ba đều ở lứa tuổi U23, và có thể còn tiến bộ. Nhưng rõ ràng, từ giai đoạn tài năng trẻ đến một cây vợt lớn là một chặng đường dài và khó khăn.

Nhà vô địch trẻ Australian Open 2013 Nick Kyrgios từng vào đến tứ kết Australian Open năm ngoái, và trước đó là tứ kết Wimbledon 2014, nhưng thật ra, anh vẫn chưa giành nổi một danh hiệu ATP nào. Sự nghiệp của Kyrgios gắn liên với những scandal chửi tục, lăng mạ đối phương hơn là thành tích được cụ thể hóa bằng danh hiệu. Bernard Tomic từng lọt vào tứ kết Wimbledon 2011 khi mới 18 tuổi, nhưng đã sa sút dần từ đó. Kokkinakis, 19 tuổi và chưa có danh hiệu nào, vẫn còn quá non.

Họ cũng sẽ là nòng cốt của đội tuyển Australia dự Davis Cup, và thầy của họ chính là Lleyton Hewitt. Liệu anh có truyền đạt được những gì cho thế hệ sau?

2 Trong Top 50 ATP hiện tại, quần vợt Australia chỉ có hai đại diện là Bernard Tomic (17) và Nick Kyrgios (30).

80 Lleyton Hewitt từng có 80 tuần đứng trên ngôi số một thế giới, trong hai giai đoạn 19/11/2011 - 27/04/2013 và 12/05/2013 - 15/06/2013.

30 Tổng số danh hiệu ATP trong sự nghiệp của Lleyton Hewitt, trong đó có 2 Grand Slam (US Open 2001 và Wimbledon 2002).


Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm