08/05/2015 20:06 GMT+7 | Thế giới
Gần 60 đơn vị là các nhà hàng, khách sạn, showroom… trên các tuyến đường du lịch trọng điểm như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn đồng loạt treo logo hướng dẫn của dự án để phục vụ du khách. Trước mắt các điểm này hoàn toàn miễn phí.
Thethaovanhoa.vn đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thạch Bàn miền Trung, người đã đưa ra ý tưởng và phát triển thành dự án xã hội hoá nhà vệ sinh công cộng tại Đà Nẵng để thông tin thêm về dự án.
* Ông có thể cho biết ý tưởng xã hội hoá nhà vệ sinh công cộng trở thành những nhà vệ sinh công cộng 5 sao bắt nguồn từ đâu?
- Hiện nay ngoại trừ công trình vệ sinh tại các cơ sở lưu trú và khu nghỉ dưỡng thì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 19 công trình vệ sinh công cộng, trong số đó có 13 công trình hoạt động tạm được, 6 công trình còn lại ít được sử dụng và mới đây 2 công trình đã bị phá bỏ.
Bên cạnh đó hầu hết các công trình vệ sinh công cộng tại các điểm và khu du lịch sinh thái xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đó là chưa kể chi phí cho việc xây dựng, quản lý và bảo trì khá cao. Có thể nói, nhà vệ sinh công cộng đang là một vấn đề cấp bách đối với thành phố du lịch, lễ hội như Đà Nẵng nhất là vào mùa cao điểm.
Vì vậy giải pháp đưa ra chính là làm cách nào phải sử dụng nguồn lực sẵn có trong cộng đồng một cách hiệu quả nhất nhằm giảm đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng của thành phố.
Dự án Xã hội hoá nhà vệ sinh công cộng” lấy ý tưởng từ việc thiết lập một chuỗi các nhà vệ sinh bán công, có nghĩa là các nhà vệ sinh này là công cộng nhưng không phải là của thành phố đầu tư xây dựng và có thể đưa vào sử dụng được ngay khi bắt đầu triển khai dự án. Đó là hàng nghìn nhà vệ sinh sẵn có của các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… đăng ký tham gia dự án.
* Dự án đã bắt đầu giai đoạn 1 để kịp phục vụ du khách đổ về Đà Nẵng trong dịp lễ. Vậy phản hồi của du khách và của các đơn vị tham gia dự án như thế nào?
- Có thể nói giai đoạn 1 của dự án đã bước đầu có những thành công. Gần 60 đơn vị đã tham gia dự án chỉ trong vòng 2 tuần triển khai (sau khi có sự kiểm định của nhiều nhóm thực hiện dự án về mức độ vệ sinh, tính khả thi và đảm bảo độ an toàn cho cả khách lẫn chủ…) đó là các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng, showroom… đặc biệt là ở các tuyến đường du lịch huyết mạch như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn…
Mặc dù vẫn chưa có nhưng chương trình đào tạo cụ thể đối với các nhân viên các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn… tại các đơn vị tham gia nhưng với sự đồng thuận hưởng ứng của các chủ doanh nghiệp, du khách trong dịp lễ đã thật sự cảm thấy hài lòng trước sự niềm nở và thân thiện của các nhân viên khi đón khách du lịch đến sử dụng nhà vệ sinh bán công này.
* Ban quản lý dự án đã thiết kế logo riêng nhằm tạo dấu hiệu nhận biết cho du khách và người dân biết được đâu là những nhà vệ sinh bán công này, tuy nhiên điều đặc biệt là trên logo này lại không ghi rõ nhà vệ sinh miễn phí hay nhà vệ sinh công cộng?
- Trên logo nhận biết các điểm là nhà vệ sinh bán công này có ghi cả 2 thứ tiếng gồm tiếng Việt và tiếng Anh: Thoải mái như ở nhà - comfort at home, chứ không hề có dòng chữ nào ghi là nhà vệ sinh công cộng. Bởi chúng tôi cho rằng, những nhà vệ sinh bán công của dự án có sự khác biệt so với các nhà vệ sinh công cộng do chính quyền xây dựng nên bởi “nhân viên phục vụ” ở đây hết sức lịch sự.
Sau giai đoạn 1 triển khai tại quận Hải Châu, chúng tôi sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo để mở rộng địa bàn và tăng thêm mới các đơn vị tham gia. Giai đoạn 2 tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vào tháng 5 và 6 nhằm phục vụ du khách trong mua du lịch biển 2015 và giai đoạn 3 là từ tháng 7 và 8 tại các địa bàn còn lại của Đà Nẵng.
Đồng thời chúng tôi cũng sẽ tổ chức các nhóm đào tạo cho nhân viên các điểm này về thái độ đón tiếp, cách phục vụ cũng như xử lý các tình huống khi đón khách, tiễn khách… để đạt được mục đích cuối cùng là tạo cảm giác thoải mái như ở nhà đối với bất cứ du khách, người dân nào có nhu cầu sử dụng.
* Dự án được xem là đã có được những thành quả ban đầu, vậy theo ông để dự án có thể thành công và tiếp tục được duy trì lâu bền thì cần những điều gì?
- Trước mắt, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đã giúp cho dự án có được bước đầu thành công. Tuy nhiên để dự án có thể được triển khai sâu, rộng và duy trì thì cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các sở ban ngành cũng như sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bước đầu của dự án là các đơn vị cho người dân, du khách sử dụng miễn phí hoàn toàn, nhưng về lâu về dài các đơn vị tham gia dự án cũng cần có sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương trong một số phương diện như giảm giá hoặc trừ bớt lượng điện, nước và một số dịch vụ trả tiền liên quan…
Bởi, người dân, doanh nghiệp đã sẵn sàng hỗ trợ cho chính quyền trong việc tạo nên một môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự cũng như giảm bớt áp lực về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo trì các nhà vệ sinh Công cộng thì cũng cần được chính quyền ghi nhận và hỗ trợ một phần. Dựa trên mối quan hệ tương hỗ như vậy thì chắc chắn dự án sẽ được thành công.
Ngoài ra chúng tôi cũng cần và mong muốn chính quyền địa phương cùng tham gia tuyên truyền về dự án để nhiều người dân, du khách biết thêm về dự án và tham gia hỗ trợ dự án…
Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục triển khai mở rộng, hoàn thiện và truyền thông cho dự án: truyền thông về logo nhận biết trên nhiều phương tiện kể cả facebook, tạo website chỉ dẫn các điểm nhà vệ sinh bán công, liên kết với Hội hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng để hướng dẫn cho các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu, tổ chức trainning cho các nhân viên các điểmm nhà vệ sinh bán công này….
* Cám ơn ông về cuộc trao đổi và chúc dự án sẽ thành công tốt đẹp một cách sớm nhất để TP Đà Nẵng có thể trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn thân thiện, xanh sạch.
Hiếu Nguyên (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất