16/01/2023 21:51 GMT+7 | AFF Cup 2022
Những gì siêu-hậu-vệ-đạo đeo băng đội trưởng tuyển Thái Lan, Theerathon Bunmathan, đã cảnh báo chúng ta trong trận lượt đi, đã lại tái diễn ở trận lượt về. Trận này, Aum (biệt danh của Bunmathan) không tập trung khoá Văn Hậu, Tấn Tài (hay Văn Thanh) nữa, cũng không tung ra đường chuyền "chết chóc" nào, mà trực tiếp ghi bàn luôn. Đó là một siêu phẩm.
Pha duỗi mu trong bằng chân không thuận của Aum, bóng đi căng như kẻ chỉ và cực kỳ hiểm hóc, từ khoảng cách ngoài 20m, đã không cho Đặng Văn Lâm một mảy may cơ hội cản phá nào. BLV nhà đài gọi Bunmathan là "quái vật" cũng không sai.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết Aum hay thế, nguy hiểm thế và ở đẳng cấp khác biệt thế, chúng ta lại không có phương án khoá cầu thủ này?! Có lẽ, việc tìm hiểu một cách cặn kẽ Theerathon Bunmathan chơi ở vị trí nào trên sân, cũng đã quá nan giải. Khi thì cầu thủ đeo áo số 3 này lệch biên, lúc bó vào trong như một tiền vệ mỏ neo, thậm chí lùi sâu điều tiết như một trung vệ thòng... Chân phải hay chân trái mới là chân thuận của Aum?! Cũng là không ai đoán được. Khi Aum ghi bàn, anh đứng ở vị trí của một tiền vệ tấn công, dứt điểm tuyến 2, bằng chân phải.
Xem lại pha lập công của Theerathon
Theerathon Bunmathan sinh năm 1990, hơn các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất của Việt Nam là Văn Quyết 1 tuổi và Hải Quế 2 tuổi. Gương mặt của Aum, thoạt nhìn giống một cầu thủ tuổi teen, thể hình không cao lớn, nhưng lối chơi quái kiệt thực sự. Một cầu thủ lớn từng kinh qua rất nhiều CLB nổi tiếng như Buriram United, Muangthong United, Vissel Kobe và cả Yokohama Marinos, những đội bóng hàng đầu ở J-League 1..., đã hay từ lâu rồi.
Trong màu áo đội tuyển Thái Lan gần đây, Bunmathan không còn chơi bám biên, mà được trao không gian hoạt động rộng hơn rất nhiều. Và các tiền đạo, cũng như tiền vệ của Việt Nam đã làm gì để khoá hay ít nhất gây áp lực, hòng hạn chế tầm ảnh hưởng của "con quái vật" này. Không gì cả. Với Tiến Linh, Văn Đức và Hùng Dũng; thêm Hoàng Đức, Tuấn Anh..., đều không hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự từ xa, khi đáng ra phải tích cực hơn. Trong bàn thắng của Bunmathan, Hùng Dũng không kìp lùi về và hệ thống phòng ngự cũng chậm dâng lên be góc sút. Phải chăng tất cả đều nghĩ Bunmathan không thể dứt điểm bằng chân phải từ khoảng cách xa như thế, cho đến khi ôi rồi ôi!?
Tất nhiên, Thái Lan không chỉ có mỗi Bunmathan biết chơi bóng. Họ vẫn còn Adisak xông xáo sẵn sàng săn hậu vệ của Việt Nam, vẫn còn Sarach Yooyen cầm nhịp cực hay, bên cạnh Chamrasamee... Đội bóng của HLV Park Hang Seo một lần nữa lép vế trước Thái Lan của đồng nghiệp Polking. Thực tế, chúng ta không phải không còn các phương án khả dĩ hơn, ví như Văn Toàn hay Văn Quyết chẳng hạn, một nhanh, khoẻ, khéo, một còn lại đầy bản lĩnh và đủ đẳng cấp "nói chuyện". Điều quan trọng nữa là bầu nhiệt huyết có thừa.
Tuấn Anh bị thay ra, khi hiệp một trận chung kết lượt về còn chưa khép lại. Tương tự là các hậu vệ Việt Anh, rồi Văn Thanh, thêm Văn Đức..., nhưng những người vào sân, đều không phát huy được khả năng và không thay đổi được vận mệnh. Biểu hiện cho thấy, HLV Park Hang Seo đã chuẩn bị trận đấu này chưa tốt. Lần thứ 2 liên tiếp tại AFF Cup, họ loại bỏ Việt Nam trong các cuộc đối đầu trực diện, năm 2020 là các trận bán kết.
Và, người ta đã lờ mờ hiểu ra giới hạn chinh phục của đội tuyển Việt Nam và của chính HLV người Hàn Quốc. Thắng/bại là chuyện bình thường trong bóng đá, nhưng sự chênh lệch Việt/Thái thì đã rõ rồi. Chúng ta vẻ như vẫn hơi "rén" khi đối đầu trực diện với họ.
Tạm biệt ông Park, giờ thì về quê ăn Tết nào. Chúng ta đã nỗ lực thì không bao giờ phải cúi đầu.
Video bàn thắng Thái Lan 1-0 Việt Nam
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất