28/09/2014 15:19 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Song nếu được chứng kiến những gì đang diễn ra tại Incheon trong những ngày này thì mọi người đều có thể hiểu rằng, Incheon hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Trên thực tế, người Hàn Quốc không chỉ giỏi “PR” cho các sự kiện của mình bằng hàng loạt chiến dịch truyền thông hoành tráng, mà họ chinh phục tất cả bằng những việc làm thực tế, từ những chi tiết nhỏ nhất.
ASIAD 17 và dự án “Tầm nhìn Incheon”
Người Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ cho ASIAD 17. Họ miệt mài hành động với mục đích cao nhất là cần phải tạo nên một sự đột phá mang tên Incheon, so với 2 lần tổ chức ngày hội lớn nhất của thể thao châu lục tại Seoul (năm 1986) và Busan (2002).
Vậy nên, sự choáng ngợp ngay khi bạn đặt chân tới sân bay quốc tế Incheon và trải qua hành trình đầu tiên đến với trung tâm Incheon bằng một cây cầu dây văng vượt biển dài khoảng 22km.
Không có những kỷ lục ồn ào như “lớn nhất”, “cao nhất” hay “quy mô nhất” nhất như nhiều quốc gia châu Á vẫn thường sử dụng để quảng bá cho hệ thống cơ sở vật chất của mình. Thay vào đó, các công trình phục vụ cho ASIAD 17 chỉ mang một khẩu hiệu tương đồng với slogan của đại hội: “Sự đa dạng tỏa sáng”, với tổng chi phí ước tính khoảng 2 tỷ USD.
Số tiền này được đầu tư cho một số công trình xây mới hoàn toàn như SVĐ Dream Park (thi đấu golf, bắn súng, cưỡi ngựa biểu diễn), Nhà thi đấu Gwanghua (taekwondo, wushu), Trung tâm Thể thao dưới nước Munhak (bơi), SVĐ Sipjeong (quần vợt, squash)…. và cải tạo những điểm thi đấu được xây dựng từ trước đó theo các tiêu chí: hiện đại, thông minh, có lợi nhất cho môi trường sống.
Và đương nhiên, tất cả đều được quy hoạch hết sức khoa học, có tầm nhìn lâu dài, đồng thời hết sức hài hòa với những công trình phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày khác tại đây.
Incheon và chiếc “smart phone”
Đặt chân tới Incheon, bạn sẽ không phải lo lắng bất cứ điều gì nếu như chỉ cần có một chiếc smart phone (điện thoại thông minh) trong tay. Sự phát triển về công nghệ ở Hàn Quốc đã hỗ trợ rất tốt và thiết thực cho cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong việc di chuyển và đi lại. Bản đồ toàn thành phố được được cập nhật chi tiết tới từng số nhà trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS), nên chỉ cần có địa chỉ chính thức, có thể đi tới bất cứ nơi đâu tại Incheon mà không bao giờ sợ lạc đường.
Hệ thống giao thông công cộng tại Incheon cũng khá đa dạng, có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển bằng tàu điện ngầm, xe buýt hoặc taxi và sử dụng chung một phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc loại thẻ riêng phục vụ cho việc di chuyển.
Incheon có diện tích khoảng hơn 1.000km vuông nhưng khi di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác tại đây, dường như người Incheon không có khái niệm về độ dài hay cây số, tất cả đều được tính bằng thời gian di chuyển. Vì lý do này, tàu điện ngầm là phương tiện được đa số người dân lựa chọn để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, bởi không chỉ di chuyển trong nội bộ Incheon, bạn cũng có thể đi tới nhiều thành phố lân cận khác chỉ bằng mức phí rất rẻ hơn rất nhiều so với taxi.
Sự nhiệt tình của người Hàn Quốc
Trong những ngày đầu tác nghiệp tại ASIAD 17, nhóm PV TT&VH, cũng như các phóng viên Việt Nam khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển tới các địa điểm thi đấu do chưa biết phương thức đi lại hàng ngày tại đây. Việc di chuyển thường được lựa chọn là xe taxi, song mất thời gian di chuyển rất nhiều do khoảng cách các điểm thi đấu cách nhau khá xa và mật độ các phương tiện khác dày đặc.
Ngoài ra, có một điểm khá đặc biệt là người dân Hàn Quốc khá hiện đại trong lối sống nhưng họ ít sử dụng ngôn ngữ khác và tiếng Anh không thực sự được “chào đón” tại đây. Hoặc nếu có người nói được tiếng Anh thì cũng rất khó nghe do bị ảnh hưởng bởi âm điệu và ngữ điệu của tiếng Hàn.
Tuy nhiên, rào cản tưởng chừng rất khó vượt qua này lại được khắc phục rất dễ dàng bằng sự nhiệt tình của các tình nguyện viên, cảnh sát hay bất cứ người dân nào tại Incheon. Họ sẵn sàng giúp đỡ và hướng dẫn bạn đi đến nơi cần đến một cách chu đáo nhất.
Trong một lần tác nghiệp tại Trung tâm báo chí và ra về khá muộn (vào lúc gần 1h sáng), khi nhóm PV TT&VH chưa biết làm thế nào để gọi được taxi, thì một bạn sinh viên của Đại học quốc tế Incheon trên đường trở về nhà đã rất nhiệt tình giúp đỡ. “các bạn yên tâm, tôi sẽ đứng đây đến khi các bạn có taxi đến đón”.
Không chỉ liên lạc với tổng đài taxi và đứng chờ thêm gần 1 đồng hồ, phải đến khi chúng tôi lên xe, bạn sinh viên này mới tiếp tục trở lại hành trình của mình. Tôi cứ ấn tượng mãi đôi bàn tay vẫy vậy của anh, dáng vóc nhỏ bé lọt thỏm giữa màn đêm, giữa đại ,lộ hàng chục làn xe.
Từ Incheon nghĩ về Hà Nội
Từ những điều được tận mắt chứng kiến và cảm nhận tại Incheon nên khi nghĩ về quyết định không đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019 của Việt Nam là điều hoàn toàn hợp lý. Đơn giản, bởi tổ chức lem nhem, thì phản ứng ngược về hiệu quả quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước là chắc chắn xảy ra.
Chưa nói đến chuyện chúng ta sẽ phải đầu tư bao nhiêu tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống nhà thi đấu, sân vận động, làng VĐV… trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, riêng cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống liên lạc và công nghệ hiện tại (thậm chí có thể là 5 năm nữa) ở Hà Nội cũng sẽ khó lòng đáp ứng cho yêu cầu của ASIAD nếu như nhìn vào những gì đang có ở Incheon.
Không phủ nhận, tổ chức một kỳ đại hội thể thao châu lục với sự tham gia của gần 15 ngàn VĐV, HLV, quan chức các đoàn thể thao của 45 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á, cùng với gần 2.000 phóng viên, nhà báo tác nghiệp trực tiếp là một cơ hội cực kỳ quý báu để quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn thế giới.
Và tất cả những gì đang diễn ra ở Incheon, đằng sau đó cũng chẳng có mục đích nào khác của người Hàn Quốc ngoài việc đưa Incheon trở thành một điểm du lịch thu hút khách du lịch quốc tế tới đây.
Tuy nhiên, sẽ là phản tác dụng, nếu như chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đủ nội lực để làm được điều đó và nguy hiểm hơn là cố gắng để làm cho bằng được.
Đơn giản, hãy nhìn vào những gì người Hàn Quốc đã và đang làm để tổ chức một kỳ ASIAD, quá hoàn hảo. Nội lực sung mãn là thế nhưng sau ASIAD, Incheon vẫn phải gánh một khoản nợ rất lớn.
Hãy nhìn lại SEA Games 2003, sau khi kết thúc, hàng loạt công trình thể thao đắp chiếu, không khai thác hết công năng, và quan trọng là nền thể thao chúng ta vẫn không thể vượt giới hạn.
Vũ Lê (từ Incheon)
Thể thao & văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất