Trận so găng thế kỷ giữa Pacquiao và Mayweather hay cú lừa ngoạn mục của truyền thông?

09/05/2015 18:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Không biết định mỉa mai hay nói thật, cựu vô địch quyền Anh hạng nặng Evander Holyfield bình luận về trận so găng được chờ đợi giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquiao: Rùm beng quá không làm nên một màn so găng vĩ đại.

Trên võ đài MGM Arena không có một màn knockout nào, không có võ sĩ nào cho thấy được sự áp đảo tuyệt đối của mình (ba trọng tài cho Mayweather thắng điểm 118-110, 116-112, 116-112). Đọng lại chỉ có những tranh cãi. Tranh cãi về chiến thắng của Mayweather và về thất bại của Pacquiao. Đối với người hâm mộ quyền Anh thuần túy, chiến thắng cho Mayweather là xứng đáng, chứ không buồn tẻ như cách nhìn của các fan trung lập. Và nếu cho rằng, võ sĩ người Philippines tấn công nhiều hơn, thì các thống kê cho thấy, Mayweather đã tung ra 435 cú đấm so với 429 của đối thủ, trong đó 39% là chính xác (148) so với 19% của Pacquiao (81).

Không phải vô cớ mà Floyd Mayweather cha và cũng là huấn luyện viên cho con trai mình tự tin tuyên bố “nó gần như quá giỏi so với bản thân”, trong khi việc Pacquaio tiết lộ anh bị chấn thương vai từ cách đây ba tuần chẳng khác gì lời bào chữa cho thất bại

Đến lúc này, người hâm mộ mới ngã ngửa về màn so găng được ví là trận đấu thế kỷ và đặt câu hỏi rằng, tại sao hai võ sĩ lại nhận được nhiều tiền đến vậy?

Một lần nữa thì nhắc lại những gì Holyfield từng nói “rùm beng quá không làm nên một màn so găng vĩ đại”, tất cả có lý do để cho rằng, Mayweather, Pacquiao, các nhà tổ chức, truyền thông… đã tạo ra cú lừa ngoạn mục. Bởi Mayweather và Pacquiao làm sao có thể tạo nên sự vĩ đại như Muhammad Ali, George Foreman, Joe Frazier hay Mike Tyson khi họ chỉ là những nhà vô địch hạng bán trung. Hạng bán trung thì mấy ai quan tâm nếu không có sự quảng cáo của truyền thông và nhiều hơn là sự tò mò của tất cả : Tại sao hai võ sĩ phải mất tới 5 năm để sắp xếp cuộc gặp này?

Một lần nữa ở Las Vegas, người ta thấy được quan hệ giữa thể thao và tiền bạc chặt chẽ như thế nào. Nhờ truyền thông đánh vào sự tò mò của công chúng, cuộc so găng giữa hai võ sĩ hạng bán trung được thổi lên như là “trận đấu thế kỷ”, biến trận đấu rất đỗi bình thường trở thành một trong những sự kiện thể thao đắt giá nhất trong lịch sử với doanh thu lên đến hơn 500 triệu USD. Trong số này, 74 triệu USD là tiền vé, 5,6 triệu USD tiền tài trợ, 35 triệu USD tiền bản quyền truyền hình nước ngoài, tiền thuê bao truyền hình từ 300-500 triệu USD. Tính ra, con số dao động trong khoảng 415 triệu USD đến 615 triệu USD. Mayweather trước cuộc so găng đã là gương mặt thể thao giàu có nhất thế giới và sau một lần thượng đài không lấy làm gì hấp dẫn lắm, võ sĩ người Mỹ lại bỏ túi thêm 200 triệu USD nữa. Còn Pacquiao nhận về 130 triệu USD sau khi đã kí một loạt hợp đồng quảng cáo với Nike, Foot Locker, và Nestle.

Nghĩ cho cùng, việc truyền thông rùm beng Mayweather và Pacquiao cũng là điều dễ hiểu. Ít nhất đó cũng là hai trong số những võ sĩ xuất sắc nhất ở thời đại của họ, một người bất bại, một người là nhà vô địch của sáu hạng cân. Chẳng lẽ họ không mang lại được gì cho những khán giả chờ đợi ở họ sau 5 năm đàm phán về chuyện tiền bạc, những tranh cãi giữa các kênh truyền hình và cả chuyện kiểm tra doping. Thêm nữa thì cũng không có môn thể thao nào mang tính đối kháng và có tính biểu tượng hơn những cuộc so găng đêm.

Thế mới nói truyền thông đã làm rất tốt vai trò của họ ở cuộc so găng tại Las Vegas. 74 triệu USD tiền vé, con số này đã vượt qua kỷ lục ở trận so găng giữa Mayweather và Saul Alvarez năm 2013. Và với giá vé trao tay lên đến hàng trăm nghìn USD, cũng dễ hiểu khi khán giả chỉ có những thành viên trong ê kíp của hai võ sĩ, khách mời của các tập đoàn, công ty hay khách VIP của các sòng bài, những người phải có tài khoản ít nhất là 250.000 USD. Trong khi đó, ở khách sạn Excalibur nằm trên con đường nơi cuộc so găng diễn ra ở võ đài MGM, khách đặt phòng phải bỏ ra 400 USD nếu muốn xem Mayweather và Pacquiao đánh trên màn hình TV ở quầy bar.

Về truyền hình, con số chính xác không được công bố nhưng cũng có ít nhất ba đến bốn triệu thuê bao của HBO và Showtime theo dõi cuộc so găng, vượt xa kỷ lục 2,4 triệu người ở trận Mayweather và Oscar De La Hoya năm 2007. Nên nhớ rằng, nếu xem trận so găng qua truyền hình HD, họ sẽ phải trả thêm 99 USD.

Rốt cuộc thì kẻ thất bại không phải là Pacquiao mà là khán giả, người hâm mộ bởi khi trận đấu quyền Anh khép lại, kẻ thắng cuộc thực sự là hai võ sĩ, là những nhà tổ chức, hai kênh truyền hình HBO và Showtime, khách sạn và sòng bài MGM, các đại lý bán vé thứ cấp và dĩ nhiên là thành phố Las Vegas, nơi giá phòng tăng với mức kỷ lục.

Dĩ nhiên, Mayweather và Pacquiao của năm 2015 hoàn toàn kém xa năm 1995 khi 28 triệu người Mỹ bật TV ngồi xem Mike Tyson đánh bại Buster Mathis trên Fox. Hay năm 1985 khi 19 triệu người Anh xem Barry McGuigan trở thành nhà vô địch thế giới. Vì vậy, dù có mất ít tiền, tất cả sẽ thở phào và tự an ủi rằng, nếu đó là “trận đấu thế kỷ”, thật may là vẫn còn 85 năm nữa để họ chờ đợi một trận đấu thế kỷ thực sự.

Cuộc so găng Mayweather và Pacquiao diễn ra vào đúng thời điểm mạng xã hội bùng nổ và kinh tế Mỹ phục hồi. Nhờ vậy mà tất cả đều có lý do để nói về họ theo cái cách chưa từng có tiền lệ. Nhờ vậy mà tài khoản ngân hàng của họ có thêm những con số mới. Trừ một điều.

Đó là thể thao và người hâm mộ đáng ra sẽ được chứng kiến những pha đấm đẹp mắt hơn nếu Mayweather và Pacquiao so tài ở đỉnh cao phong độ, thay vì ở giai đoạn cả hai bắt đầu nghĩ đến việc treo găng.

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Trận so găng đắt giá nhất lịch sử 


Doanh thu của trận đấu hơn 500 triệu USD. Trong đó, 74 triệu USD tiền bánvé, 5.6 triệu USD tiền tài trợ, 35 triệu USD tiền bản quyền truyền hình nước ngoài, tiền thuê bao truyền hình từ 300-500 triệu USD.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm