“Trạm trung chuyển” cầu thủ Porto: Chức vô địch chỉ là bước đệm

03/07/2011 06:03 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Giống như tất cả các CLB bóng đá Bồ Đào Nha, Porto thường xuyên mắc kẹt trong những khoản nợ ngập đầu, nhưng đội bóng đã vô địch quốc gia sáu lần trong 10 năm qua vẫn luôn duy trì được thế thượng phong của họ và đôi khi làm nên những kỳ tích ở đấu trường châu Âu (như chức vô địch Champions League 2004 dưới thời Jose Mourinho) bằng một chính sách chuyển nhượng nhất quán: Bán đi những cầu thủ giỏi nhất vào cuối mỗi mùa bóng. 

Mùa Hè này Falcao sẽ rời Porto với giá "khủng"? - Ảnh Getty

Quá trình mua rẻ bán đắt diễn ra liên tục giúp Porto thu về những khoản lợi khổng lồ, đồng thời giúp họ duy trì vị trí ở đỉnh cao, cả trong nước và trên đấu trường quốc tế. Có thể nói không ngoa rằng ở sân Dragao, những danh hiệu chỉ là bước đệm cho thành công thực sự: Tiền lãi bán cầu thủ, và cả huấn luyện viên! Kể từ triều đại vinh quang của Mourinho, Porto đã thu về khoản tiền khó tin 386 triệu euro từ việc bán đi những tuyển thủ quốc gia hàng đầu của họ, những người muốn tìm kiếm các cơ hội và thử thách mới ở các giải đấu danh giá hơn và những CLB hàng đầu châu Âu. Trong 10 năm qua, Porto cũng đã kiếm được khoản lãi 200 triệu euro riêng từ việc bán cầu thủ.

Những cầu thủ mới nhất trong danh sách mua rẻ bán đắt của Porto là Raul Meireles, về Liverpool với giá 18 triệu bảng (20 triệu euro) và Bruno Alves, sang Zenit với giá 13 triệu euro. Meireles đã về Dragao theo dạng chuyển nhượng tự do năm 2004, còn Alves trưởng thành từ đội trẻ. Theo các nhà tài chính, Porto đã đút túi trọn 33 triệu euro mà không hề phải bỏ ra đồng nào. Danh sách đó sẽ còn rất dài nếu tính các năm trước nữa. Mùa Hè 2009, Lisandro được bán sang Lyon với giá 23 triệu euro. Porto mua tiền đạo người Argentina vào năm 2005 từ Racing Club với giá còm cõi 2,3 triệu euro. Hậu vệ trái Aly Cissokho cũng sang Lyon với 15 triệu euro và tiền vệ Lucho Gonzalez sang Marseille, 18 triệu euro. 

Ngoài ra, những hợp đồng lớn khác có thể kể ra đây là tiền vệ người Brazil Anderson, bán cho M.U với giá 30 triệu euro năm 2007; Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira và Jose Bosingwa, sang Chelsea cùng Mourinho với giá tổng cộng gần 100 triệu euro hay Ricardo Quaresma, một món hàng hớ nặng mà Inter Milan đã trả tới 19 triệu euro. Đó là chưa kể hàng loạt hợp đồng lẻ tẻ khác như việc bán tiền vệ người Brazil Ibson cho Spartak Moskva, Paulo Machado cho Toulouse hay Assuncao cho Atletico Madrid... giúp họ thu về hàng trăm triệu euro nữa.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một đội bóng thành công như vậy lại chấp nhận phải tái thiệt lại đội hình gần như sau mỗi mùa giải? Có hai lý do. Thứ nhất là vấn đề chi phí. Porto, như nhiều đội bóng khác ở một giải vô địch không thành công về mặt tài chính nhưng lại có sức cạnh tranh tương đối cao như Liga Bồ Đào Nha, thường ngập trong nợ nần và họ cần tiền để trả cho sân bóng mới xây vào năm 2003, với chi phí lên tới 100 triệu euro hầu hết được tài trợ bằng các khoản nợ. Chi phí lương khổng lồ do đội hình lớn và việc giữ chân các ngôi sao cho đến khi được giá cũng ảnh hưởng đến chính sách chuyển nhượng.

Thứ hai, đó là một chính sách cho đến giờ đã được chứng minh là thành công, cả về phương diện tài chính lẫn các danh hiệu trên sân bóng. Trong khi Chủ tịch Porto Pinto da Costa không phải là nhân vật được ưa thích nhất ở Dragao, vì tình trạng tài chính không rõ ràng của CLB và việc ông cứ bán đi hết ngôi sao này đến ngôi sao khác sau mỗi mùa giải, thì những con số buộc bạn sẽ phải đồng ý rằng ông đã đúng.

Da Costa và hệ thống Dragao

Vị vua của Dragao, Da Costa đã trở thành một nhân vật với quyền lực gần như vậy sau 25 năm đảm nhận cương vị chủ tịch, là một động lực không thể tranh cãi trong việc đưa CLB đến với đỉnh cao như bây giờ. Porto, từ chỗ chỉ là một ứng viên gây bất ngờ trong một giải đấu bị thống trị bởi Sporting Lisbon và Benfica trước năm 1984, giờ đã là ông chủ không thể tranh cãi của Liga Bồ Đào Nha. Họ giành 13 chức vô địch trong 19 mùa gần nhất, cộng thêm rất nhiều Cúp quốc gia, Siêu cúp, Cúp UEFA và đỉnh cao là Champions League 2004. Porto giờ cũng là đội bóng có nhiều CĐV nhất nước và sân Dragao chào đón mỗi tuần khoảng 38.000 khán giả, con số khổng lồ tại một thành phố chỉ có 200.000 dân.

Da Costa, trong suốt thời gian ông tại vị, và đặc biệt là một thập kỷ trở lại đây, đã đảm bảo rằng chính sách chuyển nhượng của CLB dựa trên cơ sở đội hình không quá phụ thuộc vào một cầu thủ và luôn sẵn sàng được thay máu mà vẫn có thể thành công. Lisandro, Lucho, Meirles, Alves... hay thậm chí Mourinho và mới nhất, Andre Villas-Boas, tất cả đều là những nhân vật quan trọng ở Dragao, nhưng không ai trong số đó là không thể thay thế. 

Porto cũng chịu đầu tư, nhưng luôn là theo cách khôn ngoan nhất, với chi phí hiếm khi nào vượt quá 10 triệu euro. Fernando Belluschi, một trong những ngôi sao lớn nhất mùa này, đến từ Olympiakos với giá 5 triệu euro. Hậu vệ người Uruguay Alvaro Pereira từ Cluj, 4,5 triệu euro hay Joao Moutinho, 11 triệu euro từ Sporting Lisbon. Một điểm quan trọng nữa trong việc mua cầu thủ: rất ít người quá 25 tuổi, để việc bán lại họ sau này dễ dàng hơn. Ngay cả Villas-Boas, người thay thế của Mourinho, cũng là một hợp đồng rất được giá. Porto không mất gì khi mời ông về từ CLB vô danh Academica, nhưng đã thu về 13 triệu bảng (14,5 triệu euro) khi để ông sang Chelsea, chỉ kém khoản bồi thường trước đó cho Mourinho... 7,8 triệu euro.

Để có thể thực hiện thành công chính sách chuyển nhượng mua rẻ bán đắt, Porto đã xây dựng một hệ thống tuyển lựa cầu thủ cực kỳ hiệu quả. Họ rất chịu khó lùng sục mọi ngóc ngách của thế giới bóng đá, nhất là tại Nam Mỹ, nơi Porto có thế mạnh đặc biệt nhờ những mối gắn kết về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử. Việc nhiều ngôi sao Nam Mỹ thuộc sở hữu của một “đại lý cầu thủ” thay vì một CLB cũng khiến nhiều đội bóng lớn khác ngại ngần, trong khi Porto sẵn sàng vượt qua rào cản khó chịu đó. Lucho là một ví dụ. Tiền vệ người Argentina đến Dragao từ River Plate năm 2005, nhưng Porto chưa sở hữu anh toàn bộ mà chỉ chia sẻ cổ phần với hãng đại diện cầu thủ Global Soccer Agencies. Đội bóng trả 4,6 triệu euro để mua nửa quyền sở hữu và thêm 6,65 triệu euro nữa để có Lucho trọn vẹn hai năm sau đó. Một thỏa thuận như thế, trong khi sẽ là rất khó chịu với các đội bóng lớn, lại được Porto ưa thích. Đội bóng chỉ phải trả khoản phí chuyển nhượng ban đầu nhỏ và nếu cầu thủ không tăng được giá trị hoặc không khẳng định được tài năng, Porto vẫn còn đường rút lui.

Mùa Hè này, một trong những ngôi sao lớn nhất của sân Dragao, Radamel Falcao, người đang được liên hệ với M.U, Arsenal và nhất là Chelsea sau khi Andre Villas-Boas tới Stamford Bridge. Ban đầu, Porto chỉ sở hữu 60% giá trị tiền đạo 25 tuổi người Colombia, được họ đưa về từ River Plate với giá 3,9 triệu euro, nhưng hiện giờ nhà vô địch Bồ Đào Nha đã có toàn quyền với anh và sẽ có thể hét cái giá nào mà họ thích. Với rất nhiều cầu thủ như Falcao, Porto gần như là điểm đến lý tưởng duy nhất, nơi anh có thể hòa nhập dễ dàng, làm quen với cuộc sống mới và tận hưởng bóng đá Champions League, trước khi chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. 

Trần Trọng

Tài chính của Porto 10 mùa gần đây

Mùa giải

Thu

Chi

Lãi

2010-2011

39

33

6

2009-2010

70

29

41

2008-2009

54

43

11

2007-2008

70

17

53

2006-2007

10

6

4

2005-2006

44

22

22

2004-2005

98

39

59

2003-2004

10

14

-4

2002-2003

13

9

4

2001-2002

-

8

-8

2000-2001

15

4

11

Tổng cộng

423

224

199

Đơn vị tính: triệu euro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm