Phụ nữ suốt ngày than khổ, vậy đàn ông Việt có sung sướng?

16/11/2017 13:30 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT

(Thethaovanhoa.vn) – Phụ nữ Việt thường hay than buồn với khổ, nhưng kỳ thực phái mạnh cũng không sung sướng gì, nhất là trong xã hội hiện đại, tiêu chí đánh giá đàn ông “chuẩn” ngày càng cao.

Đàn ông Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong công việc, sức khỏe, vị thế trong gia đình và xã hội.

Rắc rối lớn nhất là tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính do tình trạng ham đẻ con trai. Theo số liệu từ Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Dù xuất hiện muộn, nhưng tốc độ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn và ở khắp 6/6 vùng lãnh thổ. Càng người có điều kiện kinh tế, học vấn cao lại càng chọn giới tính khi sinh nhiều.

Áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ, tỷ lệ mất cân bằng giới tính hiện nay là 112 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này tại Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái. Ở một số huyện ngoại thành Hà Nội có tỉ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132 bé trai/100 bé gái); Mê Linh (127/100)… và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ, trong khi hiện tại mới thiếu hụt vài trăm nghìn.

Hậu quả của việc thiếu phụ nữ là nam giới sẽ khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn; làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao.

Điều này còn kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó là một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Chú thích ảnh
Đàn ông Việt phải đối mặt với vấn đề sức khỏe và sinh lý suy giảm (Ảnh minh họa internet)

Thứ hai, sức khỏe và sinh lý suy giảm cũng là một vấn đề quan trọng mà đàn ông Việt đang phải đối mặt do môi trường ô nhiễm, sinh hoạt không lành mạnh, lười tập thể dục, lao lực quá nhiều, thói quen nhậu nhẹt…

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Nam học tiếp nhận gần 7.000 nam giới đến khám, trong đó hơn 400 người đến khám về tình trạng xuất tinh sớm. Độ tuổi trung bình mắc chứng xuất tinh sớm khoảng 29 tuổi.

Nghiên cứu về đời sống chăn gối người Việt Nam mới đây được công bố chỉ ra thực trạng đáng giật mình, có tới gần 40% đàn ông Việt gặp các vấn đề về bệnh nam khoa, đặc biệt là bệnh lý xuất tinh sớm (30%).

Cứ 3 người đàn ông thì có 1 người lo ngại về thời gian “hành sự” của mình khiến bạn tình không thỏa mãn. Đáng lưu ý, có đến 56% người ở TP HCM tự nhận mình bị xuất tinh sớm, trong khi đó tỷ lệ các quý ông tự nhận tại Hà Nội là 23%.

Theo các chuyên gia nam học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này, một trong số đó là việc giới trẻ ngày càng quan hệ tình dục sớm và sử dụng nhiều tư thế không đúng cách.

Chú thích ảnh
Tiêu chuẩn chọn bạn trai, bạn đời của phụ nữ ngày càng cao (Ảnh minh họa internet)

Thứ ba, tình trạng thiếu phụ nữ, phụ nữ ngày càng sống độc lập, giỏi và tự tin hơn khiến cho những yêu cầu, tiêu chí lựa chọn “bạn đời”, bạn trai cũng cao hơn hẳn.  

Ông bà ta xưa thường nói “trai tài, gái sắc”, nhưng ngày nay, yêu cầu trai tài còn phải “đính kèm” thêm vẻ đẹp về ngoại hình. Nghĩa là người đàn ông hấp dẫn phải vừa đẹp trai vừa có tài, có đức, vừa phải có thêm tài lẻ, khiếu nói chuyện hài hước và lãng mạn…

Tất nhiên, vẻ đẹp ngoại hình của người đàn ông không nhất thiết phải tự nhiên, sinh ra đã có, nó có thể được hình thành trong quá trình sống bằng cách luyện tập, sống năng động, lạc quan.

Thêm vào đó, các quan niệm cũ như muốn sinh con trai nối dõi, “trọng nam khinh nữ” hiện nay vẫn tồn tại trong nhiều gia đình Việt chính là điều gây ra những áp lực lớn với nam giới. Một bộ phận không nhỏ đàn ông Việt hiện vẫn được bao bọc, sống phụ thuộc vào gia đình, thiếu độc lập và quyết đoán, yếu đuối, dễ bị tổn thương…

Trước các vấn đề trọng đại của cuộc đời như công việc, hôn nhân, vai trò trụ cột trong gia đình, nuôi dạy con cái… nhiều khi đàn ông Việt không thể làm chủ, khó tự quyết và dễ bị suy sụp, mất phương hướng khi gặp biến cố.

Thế mới nói thời nay, đàn ông Việt được gọi là phái mạnh mà không chắc đã… mạnh, ngược lại phụ nữ là phái yếu nhưng chưa chắc đã… yếu.

Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ rằng, Ngày Quốc tế Nam giới (19/11) đã được 70 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận. Tại sao không dành một ngày cho đàn ông tại Việt Nam?

Theo anh: “Đề ra một ngày cho đàn ông không phải là để tôn vinh hay để ăn mừng. Chẳng có gì để tôn vinh hay ăn mừng cả, mà là để cánh đàn ông nói lên vấn đề của mình và để xã hội cùng lắng nghe họ. Đàn ông mạnh ư? Có đấy, nhưng họ cũng có rất nhiều vấn đề cùng được quan tâm. Mà mình nghĩ, chăm sóc đàn ông tốt thì cũng tốt cho cả phụ nữ nữa. Chắc chắn là vậy rồi...”.

Ngày Quốc tế Nam giới là ngày nào? Tại sao phải có?

Ngày Quốc tế Nam giới là ngày nào? Tại sao phải có?

Ngày Quốc tế Nam giới là một sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 19/11 hàng năm. Theo người sáng lập, Ngày Quốc tế Nam giới không để cạnh tranh với ngày Quốc tế Phụ nữ…

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm