19/08/2022 22:28 GMT+7 | Văn hoá
“Trong ngõ nhà mình ở phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày trước có ông hàng xóm tên là Nhàn. Ông có sạp báo khá to bán ở con ngõ cạnh cửa hàng Bodega trên phố Tràng Tiền.
Thực chất sạp báo của ông là 1 chiếc xe đẩy đóng bằng gỗ, rộng khoảng 1m, dài gần 2m, cao trên bụng người lớn (khi đó thì phải cao đến cổ đứa bé 11 tuổi như tôi), 4 bánh xe nhỏ bằng sắt to cỡ miệng bát ăn cơm, cuối xe có tay bằng gỗ để đẩy”, nhà báo Trần Đăng Sơn đã nhớ về những ngày tờ Tin nhanh Espana 82 ra đời...
Vẫn lời kể của nhà báo Trần Đăng Sơn: “Hàng ngày, ông Nhàn đi lấy báo ở các nơi như Nhà in báo Nhân Dân, Phát hành báo chí (Nay là Công ty Phát hành Báo chí Trung ương), Thông tấn xã Việt Nam... từ tầm 5-6h sáng, đẩy xe ra Tràng Tiền tầm 7h sáng, đến 5-6h chiều lại đẩy về Hai Bà Trưng.
Ông bán báo từ những năm 60 của thế kỷ trước, thời gian đầu ông còn đẩy xe bán ở gần chỗ hiệu kem Bốn mùa, sau này mới bán ở Tràng Tiền. Khi còn khỏe, ông còn đẩy xe từ Hai Bà Trưng ra Tràng Tiền, sau sức khỏe yếu, lại bán thêm nhiều báo, tạp chí, chở nặng nên ông xin gửi luôn trong ngõ Bodega.
Tầm đầu tháng 6/1982, TTXVN xuất bản tờ Tin nhanh thể thao, khi đó trên bìa ghi là Tin mới nhất Espana 82. Bản tin gồm 4 trang khổ giấy A4, in màu đơn 1 mặt ngoài, phát hành vào buổi chiều hàng ngày với giá 1,5 đồng. Riêng số tổng kết cuối cùng của đợt Tin nhanh ra 8 trang, giá 3 đồng.
Thời kỳ bao cấp, không chỉ kinh tế khó khăn, mà ngay cả việc tiếp cận thông tin thế giới, đặc biệt là thông tin về thể thao cũng rất hạn chế. Việc TTXVN xuất bản, phát hành tờ Tin nhanh Espana 82 như thổi một luồng gió mới, làm thỏa cơn khát thông tin của người hâm mộ.
Hè năm 1982, khi đó mình học lớp 4 trường Trưng Vương, nhưng đang nghỉ Hè, nên ngày nào ông Nhàn cũng nhờ tụi trẻ con trong ngõ ra đầu TTXVN, góc nhìn sang Trường Đại học Tổng hợp xếp hàng mua bản Tin nhanh Espana 82.
Ông thường ứng trước cho mỗi đứa khoảng 10 đồng. Lũ trẻ chúng tôi đứa nào đứa nấy ra sức “quay vòng” mua 3-5 tờ mỗi ngày. Cả hội có mấy đứa sàn sàn tuổi nhau, thường xuyên đổi áo cho nhau, lúc thì mặc áo may ô, lúc thì mượn áo cộc tay. Mua xong thì vừa đi vừa đọc, để khi đưa báo cho ông cụ thì cũng đọc được hết các thông tin chính của bản tin nhanh. Đổi lại vào cuối chiều, ông cho mỗi đứa 1 cái kẹo vừng, hoặc lâu lâu thì 1 chiếc bánh rán. Có hôm trời mưa, mua xong phải giắt báo vào trong người, chạy một mạch về nhà, thế mà báo vẫn bị ướt nhoét.
Và khi nhiều người bắt đầu biết về tờ Tin nhanh, lượng người đến xếp hàng mua báo ngày càng đông. Khi đó các chiêu trò “quay vòng” của tụi mình không còn hiệu quả. Có lần mình mua đến tờ thứ 2 thì bị cô bán hàng (hình như tên là Nga) cốc 1 cái vào đầu, nói “nhóc này mua mấy tờ rồi ?”, thế là thằng bé tiu nghỉu lui ra phía sau. Tất nhiên, tụi mình về vẫn có kẹo vừng.
Hết đợt tin nhanh, TTXVN xuất bản tờ Văn hóa - thể thao quốc tế ra thứ Bảy hàng tuần nên tụi mình không đi mua báo hộ ông Nhàn nữa. Đến kỳ EURO 1984, lúc này ông bán báo cũng yếu (ông mất năm 1985), các con ông tiếp quản sạp báo nên tụi chúng tôi cũng không tham gia.
Sau này, khi vào làm việc tại TTXVN, và đặc biệt từ năm 2008, mình lại có duyên được gắn bó với tờ báo mà mình yêu thích.
Quyên Quyên (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất