Phổ - Thứ - Lựu - Đàm: Văn hóa Việt chinh phục thế giới

20/06/2019 18:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xét về tuổi tác và thời gian vào nghề, bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm cùng thời với Trí - Lân - Vân - Cẩn. Nhưng họ định cư tại Pháp từ trước Thế chiến 2 đến khi qua đời, tác phẩm mới hồi hương sau này, do vậy trong nước ít thông tin. Nếu xét về quan hệ thị trường, bộ tứ này giữ vai trò đối ngoại, một kênh quan trọng để quốc tế sớm biết, sớm hình dung về “từ trường” mỹ thuật Việt hiện đại.

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Những ngôi sao sáng nửa sau TK 20

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Những ngôi sao sáng nửa sau TK 20

So với các bộ tứ mỹ thuật còn lại, trong nước, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái có lẽ nổi tiếng hơn, do họ gần như gắn bó chặt chẽ với thăng trầm của nền mỹ thuật nửa sau thế kỷ 20. Đây cũng là giai đoạn mà về phê bình, về thị trường, về định vị thương hiệu… diễn ra mạnh mẽ hơn trước đó. Tên tuổi của bộ tứ này đều đã có tên đường và góp 4 tác phẩm vào bảo vật quốc gia.

Trong bộ tứ, Lê Phổ (2/8/1907-12/12/2001) thọ nhất, ông gần như sống xuyên suốt thế kỷ 20, với hơn 30 năm đầu tại Việt Nam, hơn 60 năm sau tại Pháp. Ông học khóa 1 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với bạn thân Mai Trung Thứ (còn ký Mai Thứ, 10/11/1906-10/10/1980) và các đồng môn Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Cao Luyện, Công Văn Trung, Georges Khánh, Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh)…

Với 2 người còn lại, Vũ Cao Đàm (29/2/1908- 23/7/2000) học khóa 2, nhưng là khóa đầu tiên của bộ môn điêu khắc (1926-1931). Bên cạnh hội họa, những đóng góp của Vũ Cao Đàm với điêu khắc rất nổi bật, nhiều thành tựu. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hai bức tượng tiêu biểu của ông là Chân dungThiếu nữ cài lược. Lê Thị Lựu (19/01/1911-6/6/1988) học khóa 3, tốt nghiệp thủ khoa; bà cùng với Alix Aymé (1894-1989) là hai nữ họa sĩ quan trọng đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. Ảnh: TL

Hoài cố hương

Sống tại Pháp từ sớm, Phổ - Thứ - Đàm đều lấy vợ Tây, quan hệ xã hội rộng rãi, công việc có gắn bó mật thiết với các giới văn hóa văn nghệ nước sở tại, riêng về mỹ thuật thì kết giao được với nhiều tên tuổi thời danh, chia sẻ nhiều trường phái. Thế nhưng, hoài cố hương là chủ đề trọng yếu và xuyên suốt của bộ tứ này: ngay cả vẽ người Tây, cảnh Tây thì tranh họ cũng đậm chất Việt, hương vị Việt. Tinh thần ấy bàng bạc trong hàng ngàn tác phẩm và là đóng góp nổi bật của họ.

Sau khi chính thức định cư tại Pháp, năm 1938, Lê Phổ làm triển lãm cá nhân tại phòng tranh với chủ đề cũng về hoài cố hương, đa số tranh vẽ Việt Nam. Ông có ưu trội khi vẽ phụ nữ. Những người đẹp trong tranh của ông đương nhiên là người Việt, với nét mơ màng, buồn vương rất đặc trưng. Thậm chí khi vẽ các điển tích Công giáo … thì Lê Phổ cũng lấy nguyên mẫu và bối cảnh Việt Nam. Điều này không là dị biệt, Thứ - Lựu - Đàm cũng làm tương tự như vậy. Nhiều chân dung Lê Thị Lựu vẽ người Tây phương hoặc những tranh phong cảnh Tây phương của Vũ Cao Đàm đều thấm đượm tình xứ Việt.

Ở khía cạnh thị trường, nếu trong nước Bùi Xuân Phái là nguồn cảm hứng sau 1975, thì ngoài nước, Lê Phổ đã có sức hút từ trước 1945. Các tranh xuất hiện trong triển lãm cá nhân năm 1938 sau này sớm trở thành tiêu điểm trên thị trường quốc tế, như Hoài cố hương (bán gần 230 ngàn USD), Tình mẫu tử (bán 370.000 euro)… Năm 1941, Lê Phổ và Mai Trung Thứ tổ chức cuộc triển lãm tranh tại xứ Alger (thuộc Pháp), rất nhiều tác phẩm hoài cố hương đã được bán. Với vật liệu lụa, Mai Trung Thứ được xem là nhà cách tân về đa dạng màu sắc, mạnh về các màu nóng - điều mà mãi sau này mới có Bùi Tiến Tuấn kế tục và phát triển thành công.

Chú thích ảnh
Bức “Mona Lisa” (gouache và mực trên lụa, 25cm x 15,5cm, 1961) được Mai Trung Thứ ứng tác theo phong thái Việt. Đây có thể nói là một trong vài tác phẩm tiền phong về tinh thần đương đại, hậu hiện đại của Việt Nam. Bức này đầy tinh thần hoài cố hương

Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu cũng có tinh thần hoài cố hương tương tự. Ngày 31/3/2018 tại Sotheby's Hong Kong, bức khỏa thân trên lụa Nghỉ ngơi sau tắm (115cm x 75cm, khoảng1938-1939) của Vũ Cao Đàm đã bán giá 4.920.000 HKD (hơn 14 tỷ đồng). Bức này đặc biệt vì vẽ hai thiếu nữ người Việt trong tư thế khá táo bạo, bố cục lạ. Các cảm hứng từ Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và văn chương cổ điển Việt Nam được Vũ Cao Đàm khai thác rất riêng biệt, khác hẳn Mai Trung Thứ, Lê Phổ.

Còn với Lê Thị Lựu - một không khí đặc trưng của nghệ thuật tiền chiến, nhà nghiên cứu - phê bình Thụy Khuê nhận định: “Đó là một thế giới đã qua, không bao giờ trở lại: thế giới Tự lực văn đoàn. Ở thế giới ấy, Lê Thị Lựu vừa là đối tượng được các văn nhân thi sĩ mơ ước, vừa là người vẽ lại cuộc sống thơ mộng thời ấy qua chân dung những thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi trên toàn bộ tranh bà”.

Lê Phổ là họa sĩ Việt đầu tiên có tranh cán mốc 1 triệu USD, hiện ông vẫn giữ quán quân về giá bán công khai. Tranh của Mai Trung Thứ từng được UNESCO chọn làm biểu tượng về tình yêu trẻ em. Năm 1987, giám tuyển của một bảo tàng nghệ thuật tại London, Anh quốc, đã ký một ngân phiếu trị giá 400 ngàn bảng Anh để mua một bức tranh của Lê Thị Lựu. Khi đến ngân hàng làm thủ tục nhận tiền thì bà Lựu mới phát hiện ra, nên chuyển trả lại, chỉ giữ 40 ngàn bảng như giá đã đề nghị bán.

Chú thích ảnh
Với giá gõ búa 9.100.000 HKD (hơn 1,1 triệu USD) tại Sotheby’s Hong Kong ngày 2/4/2017, tác phẩm “Đời sống gia đình” (lụa, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939) của Lê Phổ là tranh Việt đầu tiên cán mốc 1 triệu USD tại thị trường công khai. Bức này cũng đầy tinh thần hoài cố hương

Mỗi người một vẻ

Dù đều ưu thích vẽ thiếu nữ, thiếu phụ và thiếu nhi với tâm trạng hoài cố hương, nhưng bộ tứ này mỗi người vẽ một vẻ. Lê Phổ có 3 dòng tranh chính là thuần Việt (vẽ lúc ở Hà Nội), hoài cố hương, tĩnh vật và hoa. Hai dòng sau ông thường dùng tông màu sáng sủa trong tranh phong cảnh, tĩnh vật Tây phương để diễn tả nỗi niềm hoài nhớ, ca ngợi vẻ đẹp hương xa của quê nhà. Mới nhìn, lọ hoa trong tranh tĩnh vật của ông tưởng như bao lọ hoa khác, thường thấy ở châu Âu. Nhưng không, ông cài cắm vào đó vài nét đặc trưng của xứ Việt, phảng phất không khí thanh tao, quyền quý một thời.

Tranh của Mai Trung Thứ có hai giai đoạn chính: những tác phẩm thuần Việt, vẽ khi còn ở Việt Nam, và những tranh có tích văn học và văn hóa Việt xưa vẽ tại Pháp. Về sự lãng mạn, yêu kiều, bay bổng, khó ai trong bộ tứ này bằng Thứ. Vũ Cao Đàm cũng có hai giai đoạn chính giống như Mai Trung Thứ, nhưng cách tiếp cận của ông hoàn toàn khác, nó phảng phất tinh thần siêu thực và hiện thực huyền ảo. Đàm có vẻ cực đoan với hương vị Việt nhất, nên đôi khi tạo hình và triết lý của ông rất khu biệt. Sinh thời Lê Phổ từng đánh giá: “Ở thế kỷ 20, Vũ Cao Đàm là họa sĩ Việt Nam vĩ đại nhất”.

“Màu sắc trong tranh Lê Thị Lựu phản ảnh hai không gian, hai tâm tưởng: ánh sáng Pháp, hồn dạ Việt” - theo nhà nghiên cứu Thụy Khuê. Tác giả này nhận xét thêm: “Tác phẩm của Lê Phổ và những họa sĩ Việt Nam xuất dương cùng thời với ông những năm 1940: Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... không mô phỏng nghệ thuật Đông - Tây một cách ước lệ, mà nối tiếp truyền thống giao hưởng trong ấn tượng, phối hợp hai phong cách, hai vũ trụ nhân sinh. Cái làm cho hội họa Pháp và sau đó là Mỹ, công nhận giá trị của các họa sĩ Việt Nam, là họ đã không chối bỏ nguồn gốc của mình như một vài họa sĩ Nhật Bản đương thời: Nishimoura, Okamoto... cùng xuất thân từ trường phái Paris. Sự thành công của những họa sĩ Việt Nam đầu tiên bên trời Âu, sau thế chiến, đã không dễ dàng, đã trải nhiều cay đắng. Họ xác định chỗ đứng của nghệ thuật tạo hình giao thoa Đông - Tây mà Lê Phổ là một giá trị đích thực”.

Còn theo họa sĩ Trịnh Cung, cũng là một cây bút phê bình: “Trong tranh lụa truyền thống không ai vẽ được những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục,… một cách đậm đà và tươi tắn như Mai Trung Thứ. Đây là một điểm khác biệt rất lớn trong dùng màu cho tranh lụa của Mai Trung Thứ so với tranh lụa của hầu hết các họa sĩ Việt Nam từ những bậc thầy như Nguyễn Phan Chánh, như Lê Văn Đệ… Hầu như các họa sĩ vẽ tranh lụa chỉ dùng màu có độ nhạt và mỏng, trong một gam màu nghiêng về xanh và nâu. Dùng màu cho tranh lụa kiểu Mai Trung Thứ, từng mảng lớn và đậm màu, thì chỉ có thể vẽ khô trên nền lụa đã canvas hóa như ông đã nghĩ ra”.

Trong di sản mà Phổ - Thứ - Lựu - Đàm để lại cho hậu thế có khá nhiều kiệt tác, một vài tác phẩm trong số này xứng đáng là bảo vật quốc tế.

(Còn tiếp)

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm