22/06/2022 07:52 GMT+7 | Văn hoá
LTS: Từ ngày 24/6 đến 4/7/2022 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình, TP.HCM) sẽ diễn ra triển lãm Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái. Triển lãm này đáng lý đã diễn ra nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái hồi 1/9/2020, nhưng vì đại dịch Covid-19, nên phải dời lại cho đến nay.
Triển lãm trưng bày khoảng 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu, thuộc bộ sưu tập của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và Trần Hậu Tuấn. Triển lãm cũng trưng bày nhiều ghi chép, phác thảo, kỷ vật của Bùi Xuân Phái, để qua đây, hiểu thêm tâm tư, tình cảm và cả sự chuẩn bị cho việc hình thành các sáng tác, các tác phẩm.
Nhân sự kiện đặc biệt này, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn về phố Phái.
1. Phố cổ Hà Nội gần như đã trở thành “độc quyền” của hội họa Bùi Xuân Phái, đến mức người ta phải đặt câu hỏi: Liệu sẽ có một ngọn bút tài hoa nào đủ sức tạo nên một không gian nghệ thuật khác cho phố cổ Hà Nội không? Và một người thưởng ngoạn chưa bao giờ đặt chân đến 36 phố phường sẽ cảm nhận vẻ đẹp của tranh phố Phái như thế nào?
Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân viết: “Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vướng vào anh”. Dường như châu Mỹ là do Christopher Columbus phát hiện ra và bất kỳ nhà thám hiểm nào vượt biển đến Tân thế giới sau ngày 12/10/1492 cũng sẽ vướng vào Columbus. Nhưng Hà Nội còn hơn cả một vùng đất để khám phá, cũng như châu Mỹ là một không gian văn hóa với những giao cảm sâu thẳm của cư dân bản địa.
Thái Bá Vân còn viết: “Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật, rằng Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó”. Bùi Xuân Phái đã thấm đẫm cái hồn cốt tạo hình của Hà Nội xưa, một Hà Nội của hội họa với tất cả những thâm trầm, đạm bạc của những góc phố ngơ ngác, những mái ngói rêu phong, những mảng tường xiêu vẹo, những cột đèn trơ trọi, những khung cửa sổ không mở ra không gian mà mở vào thời gian… Có lẽ không một nơi nào trên thế gian này có những hình ảnh như thế hay gần như thế. Phố cổ Hội An thấp thoáng đâu đó một vài nét gợi hoài niệm tương tự, nhưng không có cái hồn cốt tạo hình hài của phố Phái. Tuy nhiên, hình dáng phố cổ Hà Nội chỉ tạo thành cái vỏ cho không gian nghệ thuật của Bùi Xuân Phái mà chúng ta sẽ phải thăm dò và gọi tên.
Vậy một người chưa bao giờ sống trong âm vang huyền hoặc của những nền văn hóa Maya, Inca, Aztec… sẽ cảm nhận vẻ đẹp của các đền đài Machi Picchu hay Yucatan như thế nào? Chúng ta rung động trước vẻ đẹp thuần khiết của phố Phái mà không cần viện dẫn bất kỳ kỷ niệm nào về những ngày lang thang trên các vỉa hè 36 phố phường. Bùi Xuân Phái là một người Hà Nội, nhưng Hà Nội của phố Phái là những gì thuộc về riêng Bùi Xuân Phái, nó nằm trong trái tim ông, trong tài hoa của ông, mang dấu ấn của ông. Và sẽ có Hà Nội của những nghệ sĩ khác, những tài năng dẫu khác vẫn chỉ là những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” ấy, những rêu phong ấy...! Bởi những gì tạo nên phố Phái cũng sẽ tạo nên những giao cảm khác cho những ngọn bút tài hoa khác, dù phố cổ sẽ không còn cổ nữa hay những ngôi nhà chọc trời lấp loáng nhôm kính và biển quảng cáo hôm nay có thay thế những mảng tường xỉn màu năm tháng…
Chúng ta vẫn còn đó một danh họa Bùi Xuân Phái của phố cổ Hà Nội nhưng ông không độc quyền đề tài này, cũng như sẽ không độc quyền bất kỳ một mảng cảm xúc nào. Ông chỉ độc quyền tài năng của chính ông, thứ mà mọi biến cố lịch sử, mọi dòng lũ quét của thời gian cũng không hủy hoại được hay thay thế được.
Vì thế, phố Phái là bất tử, cũng như nghệ thuật là bất tử.
“Trong tâm tưởng của chúng ta, phố Phái gợi lên hoài niệm là vì chúng ta xem tranh bằng hoài niệm, chúng ta so sánh, lồng ghép tác phẩm nghệ thuật với ký ức của chính mình…” (Trần Hậu Tuấn) |
2. Đã có nhiều suy tư về phố của Phái và Phái của phố. Người ta so sánh Bùi Xuân Phái với Maurice Utrillo (1883-1955) và phố Phái với Paris của Montmartre hay Latin Quarter trong tranh Utrillo. Nhưng Paris cũng vậy, không chỉ có Utrillo mà còn rất nhiều tài năng khác, ngay cả Paris trong tranh Guy Dessapt sặc sỡ kiểu “bờ hồ”, cũng mang đến một đằm thắm rất riêng cho kinh đô ánh sáng.
Điều thú vị là người ta có thể trầm trồ về một Hà Nội “rất Bùi Xuân Phái” cũng như một Paris “rất Utrillo” chứ không phải là một Bùi Xuân Phái rất Hà Nội hay một Utrillo rất Paris, là vì con người mang lại tâm hồn cho cảnh vật và xứ sở chứ không phải xứ sở mang lại tâm hồn cho con người. Chúng ta có thể nói rằng Bùi Xuân Phái đã dành một phần quá khứ của mình cho riêng Hà Nội, chứ không phải Hà Nội dành một phần quá khứ cho riêng Bùi Xuân Phái. Năm tháng trôi trong tâm hồn Bùi Xuân Phái rồi “vào” phố Phái một cách tự nhiên, chứ không phải năm tháng trôi trên các mái phố rồi “vào” ông một cách tự nhiên.
Từ những suy tư ấy, có thể nói rằng Bùi Xuân Phái đã tạo ra phố cổ Hà Nội, không phải là phố cổ Hà Nội tạo ra ông. Dòng chảy đời sống và dòng chảy nghệ thuật không bao giờ ngừng nghỉ, trong cảnh sắc và trong tâm tưởng của con người. Hà Nội sẽ còn được tạo ra bởi nhiều tài năng nghệ thuật khác cùng với Phái, trước Phái và sau Phái.
Hơn nữa, có những thuộc tính của phố Phái là hoàn toàn của họa sĩ, không phải là của Hà Nội. Lặng lẽ, buồn bã, cô quạnh, trầm tư… là cảnh quan tâm hồn của Bùi Xuân Phái. Đó cũng là cảnh quan tâm hồn của Utrillo, nhưng Paris chẳng hề là như vậy trong tranh của các họa sĩ Paris khác.
Trong phố của Bùi Xuân Phái không phải là một thứ “Thăng Long thành hoài cổ”. Trong tâm tưởng của chúng ta, phố Phái gợi lên hoài niệm là vì chúng ta xem tranh bằng hoài niệm, chúng ta so sánh, lồng ghép tác phẩm nghệ thuật với ký ức của chính mình, chúng ta thưởng thức nghệ thuật bằng niềm thương nỗi nhớ một quê hương có thực và không có thực luôn luôn vẫy gọi cuộc trở về.
Có tác phẩm nghệ thuật nào lại không chiếm lĩnh tâm tưởng chúng ta bằng những âm vang của quá khứ, một quá khứ nằm sâu trong tiềm thức? Đó là âm hưởng “phi thời gian”, bởi nó không ngừng tạo nên các hệ quy chiếu cho ngày mai. Tâm tưởng con người không phải là một hành trình tuyến tính chỉ hướng đến tương lai hay quay về dĩ vãng mà chúng ta ngược xuôi không ngừng trên cả hai chiều thời gian. Dù ở chiều nào, tác phẩm nghệ thuật bậc thầy cũng luôn đồng hành với chúng ta, cùng chúng ta thăm dò những cõi miền sâu kín của tiềm thức, mà đôi khi chúng ta ngỡ rằng đó là những hoài niệm, là những gì từng hiện hữu. Nhưng có thứ gì không từng hiện hữu trong vang vọng tâm hồn con người? Ở nơi chốn ấy, chúng ta sống các dự cảm như thể hoài niệm và sống các hoài niệm như thể dự cảm… Phố của Phái nằm ở đó.
Câu chuyện phố Phái có thể kéo dài cũng vô tận, không có khởi đầu, chẳng có kết thúc, một câu chuyện không để kể lại… Chúng ta có thể lần theo hành trình của họa sĩ khi ông vẽ một góc phố cô đơn đến nao lòng vì vô số chân dung con người nhòa trong những nét run rẩy ấy. Đó là những ký ức nhọc nhằn của một đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Đó là những ám ảnh về thời gian hóa thân vào từng kỷ niệm. Đó là những giấc mơ tưởng chừng đã tàn lụi lại bùng cháy bất ngờ. Đó là phố Phái, là đời người, là tất cả…
2 cuốn sách về Bùi Xuân Phái Nhân triển lãm này, NXB Trẻ cũng phát hành 2 cuốn sách về Bùi Xuân Phái. Cuốn đầu tiên là Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi, do Trần Hậu Tuấn viết, dày hơn 180 trang, gồm 12 tùy bút in kèm rất nhiều tranh Bùi Xuân Phái. Cuốn thứ hai là Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim, gồm 165 tranh và ký họa, gồm 25 bài viết của 14 nhà nghiên cứu và phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thái Bá Vân, Dương Tường, Ngô Văn Tao, Nguyễn Quân, Nguyễn Thụy Kha, Phan Cẩm Thượng, Bùi Thanh Phương, Trần Hậu Tuấn, Nguyễn Bá Đạm, Hoàng Anh, Feffrey Hatover, Francois Thierry. |
Trần Hậu Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất