15/04/2023 07:11 GMT+7 | Giải trí
Không cần kịch bản quá kịch tính đầy drama, chỉ cần khai thác câu chuyện xoay quanh những phận đời lam lũ, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những bộ phim Việt này vẫn có sức hút đặc biệt.
Phim truyền hình Việt ngày càng được yêu thích nhờ khai thác sâu rộng nhiều đề tài, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh thể loại về tình yêu đôi lứa, chính luận, hay hình sự phá án, thì câu chuyện về những số phận bất hạnh cũng đem đến nhiều xúc cảm đặc biệt.
Cuộc đời vẫn đẹp sao đang là bộ phim được đón nhận và trở thành một trong những bộ phim ăn khách hiện tại của VFC. Khác với nhiều câu chuyện nơi chốn phồn hoa là sự tranh giành quyền lực, là chuyện tình lãng mạn, đạo diễn Danh Dũng lại chọn khai thác một góc khác đầy tối tăm, đó là cuộc sống mưu sinh của người lao động nơi khu chợ nghèo.
Xem phim, khán giả có thể thấy được phần nào cuộc sống của những người làm nghề cửu vạn, bốc vác và làm thuê tại các chợ đầu mối. Với đặc thù công việc là làm đêm và sáng sớm, vì thế mà đa phần các cảnh quay đều thiếu sáng. Không những vậy, ngay cả chốn họ đi về, nơi che nắng che mưa cũng tạm bợ, dột nát. Tất cả như vẽ nên một khung cảnh thiếu thốn, hoang tàn.
Từng con người tô điểm cho bức tranh ấy cũng đều là một màu sắc khác nhau. Luyến (Thanh Hương) với cảnh "gái góa mẹ già", lại ôm thêm khoản nợ lớn mà người chồng để lại. Vì thế mà cô buộc phải "lươn lẹo", thảo mai để tìm kiếm sự giúp đỡ, chút nào hay chút ấy. Vậy mà sau bao năm góp nhặt, khổ sở, trả được nợ, cũng là lúc cô phát hiện chồng mình vẫn còn sống và có một gia đình đầy đủ, hạnh phúc.
Bà Tình (NSƯT Thanh Quý) vì thương con dâu mà chẳng thể làm gì khác cũng chỉ biết ngày ngày đội thúng bánh rán đi bán rong khắp các con đường. Đổi lại, dành dụm được bao nhiêu của nải là bà lại phần cho Luyến, đến con cá cũng ăn khúc đầu, khúc đuôi, còn nhường con khúc giữa. Sau này, khi biết con trai còn sống, nhưng bà vẫn chọn được ở cạnh con dâu đến cuối đời.
Gã đàn ông tên Lưu (NSƯT Hoàng Hải) vì bị vợ bỏ đi từ ngày con còn đỏ hỏn vì chê nhà nghèo nên cũng trở nên cộc cằn, thô lỗ và ngại "dây vào phụ nữ". Vậy nhưng, trong sâu thẳm con người ấy vẫn là một trái tim biết yêu thương, bao nhiêu năm ròng rã "gà trống nuôi con", ông vẫn luôn tự hào về cậu con trai vừa đẹp trai vừa học giỏi, lại đỗ thủ khoa đại học của mình.
Nơi xóm nghèo ấy còn có những người như Điền (Tô Dũng), như Bình (Minh Cúc), mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh, nhưng cũng chưa từng nảy sinh ý muốn làm hại ai. Tất cả họ từng có những lúc xô xát, ghen ghét nhau, để cuối cùng cũng chính họ, trong hành trình đầy gian nan, không thể một mình gánh vác, lại nhận ra được giá trị của nhau, sự tốt đẹp của đối phương khi được san sẻ phần nào gánh nặng.
Đó cũng là mục đích của đạo diễn Danh Dũng khi anh muốn khai thác nội tâm nhân vật với đủ cả mặt tốt và mặt xấu, với những gì "đời" nhất. Để làm được điều đó, cả ekip đã chọn chợ đầu mối Long Biên làm bối cảnh quay phim. Phim cũng được thu thanh đồng bộ trực tiếp tại hiện trường nên nhiều cảnh quay phải quay đi quay lại vì lẫn tạp âm.
Thông qua những cuộc đời sần sùi của các nhân vật trong phim, Cuộc đời vẫn đẹp sao cho thấy khát vọng sống, sự lạc quan của con người khi đứng trước nghịch cảnh. Mỗi người mỗi cảnh, người thì quá khứ nhiều tổn thương, người hiện tại bất ổn, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ khao khát vươn lên để sống tốt hơn, họ cũng chưa bao giờ từ bỏ đi bản chất tốt đẹp, lương thiện, tử tế của con người.
Trước Cuộc đời vẫn đẹp sao, một bộ phim cũng từng lấy đi không ít nước mắt của khán giả là Mẹ rơm của đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Lấy bối cảnh từ một làng quê nghèo khó, vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, mỗi nhân vật trong phim cũng đều có số phận đáng thương. Thậm chí, có những người không chỉ nghèo vật chất, mà ngay cả một hình hài nguyên vẹn cũng không may mắn có được.
Đó là Mô "gù" (Thái Hòa) với thân hình dị dạng như cái tên mà người làng đặt cho anh. Dù tật nguyền nghèo khổ, nhưng vì tốt bụng, vì lòng trắc ẩn mà phải "gà trống nuôi con". Cô con gái Hạt Dẻ mà Mô nuôi thậm chí còn không phải con đẻ của anh. Vậy mà trong những lúc cùng quẫn nhất, Mô vẫn luôn yêu thương Hạt Dẻ, thậm chí là sẵn sàng hy sinh mạng sống cho con.
Đó là Loan "khờ" (Huỳnh Hồng Loan) cũng chẳng mấy khi được thông minh, tỉnh táo. Vì thế mà Loan cũng bị hại để rồi có bé Hạt Dẻ. Loan được mẹ nuôi yêu thương, nhưng rồi mẹ mất khi cái thai trong bụng cô ngày một to. Để giữ cái thai, Loan phải bỏ nhà ra đi. Loan sau đó đã để lại Hạt Dẻ rồi mất tích.
Nơi làng quê nghèo ấy còn vô vàn những phận đời bất hạnh khác. Một bà Năm "mù" sống bằng nghề đan lát nhưng luôn yêu thương, giúp đỡ Mô gù; một cô Hồng (Ngọc Lan) vì món nợ do bị người yêu cũ lừa mà phải lên thành phố làm gái bán hoa. Ngay cả đến Liễu (Lily Chen), tưởng như là người nhàn hạ nhất, cũng luôn sống trong đau khổ vì mất đi đứa con vừa kịp hình thành trong bụng, chồng thì ngoại tình.
Với câu chuyện về tình phụ tử cao cả và thiêng liêng, bộ phim đã khiến không ít người phải khóc qua nhiều tập phim. Góp phần làm nên thành công đó là sự hóa thân xuất sắc của Thái Hòa - nam diễn viên chính dày dặn kinh nghiệm. Hơn tất thảy là câu chuyện về tình yêu thương, thứ đã sưởi ấm, chữa lành, cảm hóa những người đang có suy nghĩ chưa đúng.
Một bộ phim khai thác về đề tài "những người khốn khổ" nữa có thể kể đến là Cát đỏ của đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh. Phim lấy bối cảnh ở vùng cồn cát Bình Thuận đầy nắng gió, xoay quanh số phận ba người phụ nữ: Đủ, Nhớ và Nhan. Nhớ (Thúy Diễm) chạy trốn khỏi xưởng nước mắm với cái thai trong bụng. Nhan (Nguyễn Hoàng Thúy Nga) trốn khỏi nhà khi mới 13 tuổi vì bị cha dượng xâm hại. Đủ (Trinh Tuyết Hương) có con với ông Tư nhưng không thể kết hôn vì lời thề với vợ quá cố của ông Tư.
Mỗi cô gái một số phận, tưởng chừng họ cứ an phận sống qua ngày ở vùng cát đỏ cằn cỗi, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận và dám hành động, đấu tranh, vượt qua một hành trình dài để tìm hạnh phúc.
Cát đỏ nhờ thế mà đã mang lại những cảm xúc mãnh liệt về khát vọng được yêu thương. Càng xem, càng đi sâu cảm nhận, người ta sẽ càng rung cảm cùng số phận những con người với những hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện tình trong Cát đỏ cũng được khai thác đến tận cùng của yêu thương, ghen tuông, thù hận, nhớ nhung…
Có lẽ, với những điểm đặc biệt đó mà mỗi bộ phim lại đem đến những xúc cảm khó quên khác nhau. Nhưng điểm chung lớn nhất là thông điệp nhân văn, ý nghĩa mà người làm phim muốn truyền tải. Phim khai thác được bộ phận người kham khổ, lam lũ; diễn viên cũng dùng khả năng của mình để hòa mình cùng tâm lý nhân vật. Tất cả tạo nên tổng hòa bức tranh đẹp và đa màu sắc của phim truyền hình Việt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất