Phim truyền hình Nhật Bản: 'Món ngon' khó tìm!

11/03/2014 09:29 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Từ thập niên 90 thế kỷ 20, phim truyền hình Nhật Bản với những Oshin, Nữ tiếp viên hàng không, Ngôi sao may mắn, Dưới một mái nhà… đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả Việt Nam (thậm chí từ “ô-sin” đã đi vào ngôn ngữ đời thường). Nhưng hơn 10 năm qua, trước sự đổ bộ của “làn sóng Hàn”, phim Nhật cũng vắng bóng trên sóng truyền hình trong nước và dần trở nên xa lạ với số đông khán giả hôm nay.

Tuy nhiên vẫn có bộ phận khán giả rất “mặn mà” với phim Nhật và phương tiện duy nhất đáp ứng được nhu cầu xem phim Nhật chỉ có thể là: Internet!

Xem phim Nhật trên mạng

Với sự lấn lướt của các phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… trên màn ảnh nhỏ nhiều năm qua, những tưởng phim Nhật Bản chỉ còn là một ký ức nhạt nhòa. Nhưng nếu lướt qua các diễn đàn phim ảnh hay các trang web cộng đồng (nổi bật nhất là: japanest, dienanh, vietsub, kst, kites…), mới thấy phim Nhật vẫn rất được yêu thích.

Phim Mẹ chồng nàng dâu đang lên sóng HTV9

Phim Mẹ chồng nàng dâu đang lên sóng HTV9

Chủ đề về phim Nhật được cập nhật thường xuyên và nhận được nhiều lời bàn luận sôi nổi. Trang facebook Phim Nhật mở ra không lâu đã có hơn 25.500 người theo dõi và trở thành kênh thông tin bổ ích giúp khán giả yêu phim Nhật cập nhật tin tức và lựa chọn phim để xem.

Bên cạnh đó còn hàng loạt fanpage của các diễn viên được nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu mến như: Nakama Yukie, Oguri Shun, Satoh Takeru, Ikuta Toma, Miura Haruma…  Thực tế, cộng đồng fansub - làm phụ đề cho phim vì yêu thích và hoàn toàn phi lợi nhuận - vô cùng hùng hậu (trên thế giới, phim Nhật cũng có lực lượng fansub mạnh bậc nhất với đủ các thứ tiếng) cung cấp phim đủ các thể loại, đề tài, từ những phim ra đời cách đây hàng chục năm đến những phim đang lên sóng  ở Nhật Bản.

Đừng bỏ qua một dòng phim giá trị

Tuy nhiên, “khách hàng” thực sự của sản phẩm truyền hình phải là khán giả xem đài thực sự. Phim Nhật sẽ vẫn chỉ là “người lạ” nếu không được phổ cập trên sóng truyền hình. Mà đây lại là vấn đề làm đau đầu các nhà đài.

Ông Nguyễn Quý Hòa (Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM) từng chia sẻ: Chất lượng và danh tiếng phim Nhật đã được khẳng định từ lâu, nhiều phim khá tương đồng với xã hội Việt Nam nhưng rào cản về phí bản quyền không dễ vượt qua! Với hệ thống rating đo lượng khán giả xem đài, các đài truyền hình Nhật Bản luôn cạnh tranh gay gắt với nhau mà phim truyền hình là một mảng chủ lực.

Ngoại trừ dòng phim Taiga (chuyên đề tài lịch sử) và Asadora (khai thác đề tài truyền thống, văn hóa - Oshin là phim Asadora) có độ dài hàng chục đến hàng trăm tập, còn lại dòng phim Renzoku mới là diện mạo chính của phim truyền hình Nhật Bản thường chỉ gói gọn trong 8 - 12 tập. Thời lượng quá ngắn, các đài rất khó thu hút quảng cáo bù đắp cho phí bản quyền.

Và sau bao năm quá quen với những mô-típ “lọ lem - hoàng tử”, những cuộc tình tay ba, tay tư, ân oán tình thù đẫm đầy nước mắt… cùng dàn diễn viên long lanh của những phim tâm lý - tình cảm Hàn Quốc hay phim thần tượng Đài Loan… thì những câu chuyện dung dị, đời thường mà giàu triết lý nhân sinh hay những gương mặt không thật bắt mắt và chỉ “đẹp” trong vai diễn của phim Nhật lại có vẻ buồn chán… Phim Nhật dường như không phải là một lựa chọn tốt về mặt kinh tế cho các nhà đài!

Tuy nhiên, thời gian qua, khi khán giả bắt đầu… ngán sự cũ kỹ, lê thê của phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc… thì nhu cầu “đổi món” cũng được đặt ra. Và nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, dưới sự hỗ trợ của các công ty truyền thông (điển hình là Công ty Cổ phần Phát triển truyền thông quảng cáo MAC Việt Nam), hàng loạt phim Nhật đa dạng đề tài đã “đổ bộ” các kênh của VTV và HTV như: Cô giáo Yankumi, Bác sĩ Jin, Hậu cung, Người mẹ, Cô gái tham vọng, Mẹ chồng nàng dâu… Đây thực sự là tín hiệu vui cho khán giả yêu phim Nhật nói riêng và khán giả truyền hình nói chung và cũng là cơ hội để phim Nhật trở lại chinh phục số đông khán giả Việt Nam.

Chiêu Văn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm