Tiến tới giải Oscar lần thứ 86: Trở lại huy hoàng, Disney mơ Tượng vàng

25/02/2014 11:28 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Gặt hái thành công thương mại và nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình, bộ phim nhạc kịch hoạt hình Frozen (Nữ hoàng băng giá) đánh dấu cuộc phục hưng thứ 2 của Walt Disney khi hãng phim huyền thoại đang kỳ vọng sẽ giành giải Oscar cùng phim này.

Khả năng Frozen “rinh” Tượng vàng Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 86, được tổ chức vào đêm 2/3 (theo giờ địa phương, tức sáng ngày 3/3 theo giờ Việt Nam), đang được rất nhiều nhà quan sát đặt ra.

Phim hoạt hình hay nhất

Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là phim nhựa hoạt hình đầu tiên của Disney đoạt giải, kể từ khi hạng mục trên được bổ sung hồi năm 2001.

Cho đến nay, Frozen đã thu về được gần 1 tỷ USD, sau khi đến với khán giả từ tháng 11/2013. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Bà chúa Tuyết của nhà văn Hans Christian Andersen, phim kể về một nàng công chúa dũng cảm, đã tham gia một hành trình gian khó tìm chị gái, cùng với một anh chàng trai miền núi cường tráng, dễ rung động, ấm áp nhưng hơi thô lỗ; chú tuần lộc trung thành của anh ta và một chàng người tuyết vui nhộn. Người chị gái của công chúa là một nữ hoàng sở hữu sức mạnh tạo ra băng giá, đã khiến cả vương quốc chìm trong mùa đông vĩnh cửu và dù rất yêu em gái lại vô tình làm hại cô.

Giới phê bình từng ca ngợi đây là một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất của hãng Disney, sau thành công của phim The Princess And The Frog (Công chúa và con ếch - 2009), Tangled (Công chúa tóc mây - 2010) và Wreck-It Ralph (Ralph đập phá - 2012).     

Phần âm nhạc được coi là “linh hồn” của phim Nữ hoàng băng giá và ca khúc Let It Go được sử dụng trong phim cũng nhiều khả năng sẽ “ẵm” giải Oscar Ca khúc hay nhất.

Cuộc phục hưng thứ hai

Thành công của Frozen về cả mặt thương mại và nghệ thuật đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Disney.

Kể từ khi bước vào thiên niên kỷ mới, hãng đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Pixar, khi hãng này tung ra một loạt quả bom tấn ăn khách như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Cars (Chuyện những chiếc xe), Finding Nemo (Đi tìm Nemo ), Ratatouille (Chú chuột đầu bếp) và Up (Vút bay ).  

Trong những năm 1970 và 1980, Disney từng rơi vào bế tắc, cho đến khi một thế hệ các nhà làm hoạt hình mới đầu quân cho hãng, tạo nên những bộ phim chất lượng như The Little Mermaid (Nàng tiên cá - 1989), Beauty And The Beast (Người đẹp vào quái thú - 1991), The Lion King (Vua Sư tử - 1994), bộ phim thành công ngoạn mục. Đây được xem là cuộc phục hưng đầu tiên của hãng.

Trớ trêu thay, người tạo nên cuộc phục hưng này là John Lasseter, người về sau tách ra thành lập Pixar. Sau khi Disney mua lại Pixar với giá 7,9 tỷ USD, Lasseter đã nắm ghế sáng tạo phim hoạt hình của Disney và tạo ra cuộc phục hưng thứ hai cho hãng.

“Kể từ khi mua lại Pixar hồi năm 2006, đơn vị phim hoạt hình Disney Animation nằm trong sự chỉ đạo trực tiếp của John Lasseter, một nhà làm phim hoạt hình. Điều này chưa từng lặp lại kể từ năm 1966, thời Walt Disney còn nắm quyền điều hành. Lasseter đã tuyển dụng rất nhiều tài năng mới vào hãng. Họ là các nhà biên kịch và đạo diễn trẻ thông minh. Hơn nữa, chúng ta còn chứng kiến Disney trở lại với cách làm phim nhạc kịch sau 20 năm” - Sito, người từng làm việc tại Disney, đánh giá.

Đòi hỏi và cạnh tranh làm nên chất lượng

Nhà sản xuất phim Peter Del Vecho nhận xét: “Lasseter đã thay đổi văn hóa làm việc tại Disney. Lasseter luôn đặt ra chuẩn mực cao trong cách kể chuyện, trong nghiên cứu tìm tòi và bạn luôn muốn đạt được chuẩn mực đó”.  

Ngoài ra, không khí làm việc của Disney còn thể hiện tinh thần cạnh tranh cao, ở đó các nhà biên kịch và đạo diễn có thể đưa ra quan điểm thẳng thắn của mình về phim của những người khác.

Theo ông Sito: “Nghệ thuật làm phim hoạt hình nhất thiết phải có sự cạnh tranh. Walt Disney đã làm được một số tác phẩm hoạt hình hay trong khi phải chiến đấu với những thách thức từ Max Fleischer và Looney Tunes. Tương tự, thành công của The LEGO MovieDespicable Me (Kẻ cắp Mặt trăng) đang tạo nên môi trường  tuyệt vời cho những ý tưởng sáng tạo hoạt hình mới”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm