Phim 'Singin’ In The Rain': Hãy hát lên dù trời có mưa bão

25/04/2020 06:39 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Singin’ In The Rain (Hát trong cơn mưa) thường được nhắc tới như là bộ phim âm nhạc hay nhất mọi thời đại ở Hollywood và câu chuyện về quá trình sản xuất nó giờ đây nhuốm một màu huyền ảo trong giới làm phim.

The Artist - Phim ca nhạc/hài hay nhất Quả cầu vàng 2012

The Artist - Phim ca nhạc/hài hay nhất Quả cầu vàng 2012

Bộ phim dẫn đầu số lượng đề cử (6 đề cử) tại giải Quả cầu vàng đã giành giải Phim hay nhất trong hạng mục Phim Ca nhạc/hài. Chiến thắng này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn.

Nữ diễn viên chính Debbie Reynolds nhấn mạnh rằng “Đóng Singin’ In The Rain và sinh con là hai điều khó nhất tôi từng làm trong đời” còn nam chính Gene Kelly lên cơn sốt tới 39 độ C vì cảnh hát dưới mưa - một hình ảnh mang tính biểu tượng hiện nay.

Khởi nguồn từ nhiều năm trước đó

Câu chuyện về bộ phim đã bắt đầu từ 20 năm trước khi nó chính thức ra rạp. Nhà sản xuất của tập đoàn Metro Goldwyn Mayer (MGM) Arther Freed hồi những năm 1920 là người viết lời và làm nhạc cho phim câm cùng Nacio Herb Brown và ca khúc Singin’ In The Rain của họ từng xuất hiện trên phim The Hollywood Revue từ năm 1929.

Sang thập niên 1940, Freed (giờ là người đứng đầu Freed Unit của MGM) thời ấylà người đứng sau những sản phẩm nhạc kịch hào nhoáng và quyến rũ của xưởng phim, đã nảy ra ý tưởng về một bộ phim dựa trên danh mục các ca khúc của ông. Betty Comden và Adolph Green được thuê để viết kịch bản.

Ban đầu, Comden và Green định từ chối. Lý do là bởi đại diện của họ khi đó cam đoan rằng hợp đồng với MGM tức là họ phải viết lời cho tất cả các ca khúc, trừ từ nhạc của Irving Berlin, Cole Porter, hay Rodgers và Hammerstein. Sau 2 tuần đình trệ, đại diện mới, Irving “Swifty” Lazar, đã xem lại hợp đồng và nói rằng điều khoản đó hoàn toàn là sáng tác của đại diện cũ, rằng không có chút gì như thế trong hợp đồng. Nghe được điều này, Comden và Green liền bắt tay vào dựng cốt truyện và viết kịch bản.

Khi bắt đầu dự án, họ nhận ra các ca khúc được ra đời trong thời kỳ rất thân thuộc với họ, đó là khi phim câm đang dần nhường chỗ cho phim nói và nhạc kịch đặc biệt được khán giả yêu thích. “Vì vậy, thay vì dùng các ca khúc để tạo nên một câu chuyện đương thời, phức tạp, chúng tôi để chúng nở bừng rực rỡ nhất trong câu chuyện diễn ra vào thời chúng được viết” - các biên kịch chia sẻ.

Chú thích ảnh
Áp phích quảng cáo vui nhộn của “Singin’ in the Rain”

Khi Howard Keel được đề cử đóng vai chính, họ đã cố viết cốt truyện về một ngôi sao phim miền Tây, người đang trở lại trong vai trò chàng cao bồi ca hát. Thế nhưng, tâm trí họ lại luôn bị lôi cuốn vào câu chuyện về một anh hùng lãng mạn nghĩa hiệp với nền tảng hài kịch, người sống sót qua giai đoạn chuyển giao nhờ khả năng vừa hát vừa nhảy, một câu chuyện rất hợp với diễn viên Gene Kelly. Tuy vậy, không thể tiếp cận với Kelly vào thời điểm đó vì anh đang đắm chìm trong An American In Paris (1951), nơi anh đóng vai chính và là đồng biên đạo múa với Stanley Donen.

Dù vậy, Comdem và Green vẫn miệt mài với ý tưởng, và có tới 3 phương án cho mở màn phim: 1 buổi ra mắt phim câm, 1 buổi phỏng vấn với ngôi sao Hollywood, hay hành trình nam minh tinh gặp rồi để lạc mất cô gái trong mộng. Không thể quyết định được nên dùng phương án nào và khai triển tiếp ra sao, họ vừa định trả lại tiền tạm ứng của MGM và thừa nhận thất bại thì chồng của Comdem từ New York tới và gợi ý họ kết hợp cả 3 mở màn trên vào 1. Kịch bản với phần mở màn được viết lại đã nhận được cái gật đầu từ Freed và người đứng đầu bộ phận sản xuất của MGM là Dore Schary.

Tới lúc này, quá trình quay phim An American In Paris đã xong, và Freed đề nghị đưa kịch bản cho Kelly đọc. Cả Kelly và Donen đã nhiệt tình đáp lại, và ngay lập tức cùng viết lại và chỉnh sửa kịch bản. Comdem, Green, Kelly và Donen đều là bạn bè lâu năm nên mọi việc diễn ra rất trôi chảy. Cuối cùng, Singin’ In The Rain được định hình là một câu chuyện phim trong phim với cảm hứng lấy từ ngôi sao phim câm John Gilbert.

Chú thích ảnh
Hình ảnh thường được bình chọn là kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood

Không hề thơ mộng như trên phim

Singin’ In The Rain đi vào sản xuất vào ngày 15/6/1951, và kéo dài suốt 5 tháng mỏi mệt. Kelly không chỉ giữ vai trò nam chính, đồng đạo diễn mà còn kiêm cả đồng biên đạo múa. Thay vì chỉ tập trung vào các ca khúc, Kelly trực tiếp chỉ đạo các màn nhảy đi kèm. Với một người có nền tảng như Kelly, việc vừa hát vừa nhảy thế này không phải vấn đề quá to tát gì. Nhưng với các diễn viên khác thì ngược lại.

Debbie Reynolds, 19 tuổi, thủ vai nữ chính, vốn xuất thân là vận động viên thể dục dụng cụ được phát hiện qua một cuộc thi sắc đẹp, không có chút kinh nghiệm về vũ đạo nào. Kelly, trái với hình ảnh người tình say đắm trên màn ảnh, rõ ràng đã mỉa mai cô về chuyện này, khiến cô vô cùng buồn khổ.

Trong một ngày ngồi khóc dưới cây đàn dương cầm trong xưởng phim, vị cứu tinh đã hiện ra với cô và đó là vũ công Fred Astaire. Để an ủi cô, anh đã cho cô xem anh diễn tập nhảy. “Anh để tôi ngồi bên cửa và xem anh sống đi chết lại trong từng bước nhảy” - Reynolds nhớ lại. “Anh ấy sũng mồ hôi, mặt đỏ tía tai, và sau khoảng 1 giờ như vậy, anh quay qua và nói, đủ rồi. Em đã thấy nó vất vả thế nào chưa? Nó chưa khi nào là dễ dàng cả”.

Trong phân cảnh “Good Mornin” nối tiếng trong phim, quay từ 8h sáng tới 23h đêm, chân Reynolds đã tứa máu. Cô được đưa ngay vào phòng thay đồ. Nhưng như chúng ta đều biết, cô đã không bỏ cuộc và khi xem Singin’ In The Rain, không ai nghĩ rằng Reynolds vốn không hề biết nhảy trước khi nhận vai. Ngoài ra, cô cũng không để bụng mà sau đó vẫn trò chuyện bình thường với Kelly, khiến anh cũng phải ngạc nhiên.

Nhưng không chỉ dân nghiệp dư như Roynolds bị suy sụp, nam phụ Donald O’Connor, người đã ở trên sân khấu Vaudeville từ 3 ngày tuổi, cũng gục xuống vì kiệt sức. Trong phim, O’Connor vào vai người sáng tác nhạc, bạn thân nam chính và là người có tính cách lạc quan, vui nhộn. Cảnh ấn tượng nhất trong phim của O’Connor hẳn là “Make ‘Em Laugh” (mà Kelly tạo ra vì muốn O’Connor có màn solo), một cảnh tiếp sức sống cho đoàn phim. Thế nhưng, sau cảnh này, O’Connor, 27 tuổi, người đốt 4 bao thuốc mỗi ngày, đã phải nằm liệt giường mất 1 tuần. Ấy thế mà do lỗi thiết bị khiến đoạn phim không dùng được, anh đã phải quay lại toàn bộ cảnh này một lần nữa!

Hình ảnh biểu tượng của điện ảnh

Ngay cả Gene Kelly, là biên đạo múa và đang ở trạng thái thể lực đỉnh cao, cũng không thoát khỏi kiếp nằm giường bệnh khi quay phân đoạn hát ca khúc chủ đề Singin’ In The Rain, khi nam chính hân hoan tột cùng vì tìm thấy ánh sáng trong cả sự nghiệp và tình yêu sau nhiều biến cố.

Sau này, nó sẽ trở thành cảnh ca hát nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh, tuy nhiên, tại thời điểm làm phim, Kelly đã phải nói quanh co về nội dung diễn với nhà sản xuất Freed vì sợ bị gạt đi. “Nhà sản xuất, ông Freed, hỏi tôi rằng tôi định làm gì trong cảnh này. Đây là ca khúc yêu thích của ông trong tư cách tác giả. Và tôi đã trả lời là sẽ có mưa còn tôi thì hát”.

Đúng như tên ca khúc, cảnh này được quay dưới mưa. Và Kelly, say sưa nhảy nhót khắp con đường, đá nước, xoay ô… nên đã bị sốt tới 39 độ C. Có thông tin rằng Kelly đã xoay sở để diễn cả bài trong 1 lần quay nhờ đặt nhiều máy quay tại các địa điểm xác định trước. Tuy nhiên, thực tế đâu dễ dàng như vậy. Phải mất tới 2, 3 ngày cho riêng cảnh này và Kelly thì kiệt sức. Dù thế, sau tất cả, khiêm nhường hơn bao giờ hết, Kelly đã nhường thành công của cảnh này cho đoàn làm phim và các nhạc sĩ.

Xoay quanh cảnh này cũng có “huyền thoại” rằng nước được trộn thêm sữa để những giọt hiện rõ hơn trên máy quay nhưng sự thật là hiệu ứng hình ảnh được như ý là nhờ khâu sản xuất, mặc dù khó khăn, cụ thể là hệ thống đèn.

Ngoài ra, phải kể thêm rằng, một cú ngoặt lớn trong phim nằm ở chi tiết nhân vật của Reynolds lồng tiếng cho Lina Lamont do Jean Hagen thủ vai. Tuy vậy, MGM lại không thích giọng Reynolds. Hagen, trong phim ăn nói the thé chói tai, hóa ra ngoài đời lại có chất giọng rất đẹp. Và chính cô, chứ không phải ai khác, là người lồng tiếng cho nhân vật của Reynolds. Tức là: Hagen đã lồng tiếng cho nhân vật đã lồng tiếng cho nhân vật của cô trong phim. Thật trái khoáy!

Tất cả để nói lên rằng phía sau những thước phim tuyệt đẹp và nội dung giàu ý nghĩa của Singin’ In The Rain là rất nhiều hy sinh, cực khổ của cả đoàn làm phim. Nhưng họ đã được đền đáp xứng đáng. Mặc dù bị Oscar gần như lờ đi, phim được khán giả nườm nượp kéo tới xem.

Hơn thế, hẳn ngay cả đoàn làm phim cũng không tưởng tượng được rằng gần 70 năm, giữa kỷ nguyên của HD, CGI, khi hầu hết họ đã qua đời, hết thế hệ này tới thế hệ khác vẫn đắm đuối với Singin’ In The Rain không chỉ ở nghệ thuật làm phim mà còn ở thông điệp tươi sáng muôn đời của nó. Gần đây nhất, ban nhạc K-pop lừng danh nhất thế giới BTS đã dành cả MV đình đám Boy With Luv để tôn vinh bộ phim.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm