Phim 'Mỹ nhân' quá cẩu thả về phục trang

12/11/2015 07:44 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa nói đến tổng thể bộ phim, phục trang đã là một điểm trừ rất lớn của phim cổ trang Mỹ nhân. Bộ phim sẽ phát hành toàn quốc vào ngày 13/11/2015.

Bộ phim đã ra mắt báo chí tại Hà Nội và TP.HCM vào tối 11/11/2015. Các nhà báo đi xem bộ phim này với tâm thế mang theo "kính lúp" soi xét kỹ phần phục trang.

Vì trước đó báo chí phát hiện trong trailer quảng bá, nhân vật mặc quan phục có họa tiết thêu hình con sư tử giống hệt nhân vật Vua sư tử trong phim hoạt hình Lion King

Ngay sau khi báo chí phản ánh, Hãng phim Giải phóng đã phải giải trình với Cục Điện ảnh và khắc phục sai sót về trang phục để ra rạp toàn quốc đúng ngày 13/11/2015.

'Mỹ nhân' đã cắt vua sư tử trên quan phục, chuẩn bị ra rạp

'Mỹ nhân' đã cắt vua sư tử trên quan phục, chuẩn bị ra rạp

Phim "Mỹ nhân" đã chỉnh sửa xong và sẽ ra mắt khán giả toàn quốc vào ngày 13/11/2015 như dự kiến.

Theo quan sát của phóng viên, nhà sản xuất đã khắc phục lỗi trang phục bằng cách dùng kỹ xảo máy tính, trám những hình ảnh thay thế vào trang phục có hình ảnh Lion King. Cách khắc phục (cực chẳng đã) này ít tốn kém hơn, nhưng đã kéo theo sự thiếu đồng nhất về mặt hình ảnh. Vì khi nhân vật chuyển động là phần trám này bị lộ.

Tuy nhiên, dù có chỉnh sửa, thì cũng không cứu vãn nổi tình trạng phục trang của Mỹ nhân. Hệ thống phục trang của bộ phim này không chỉ sơ sài, mà còn cẩu thả, cả về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, họa tiết...

Những cận cảnh họa tiết trên trang phục, cho thấy đây là "hàng chợ". Ngay cả hình tượng con rồng trên áo của nhân vật đóng vai Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thiếu nét uy nghiêm và rất khó xác định là rồng của thời nào. Cận cảnh mỹ nhân Thị Thừa thắt đai áo nàng may cho Thế tử Phúc Tần họa tiết thêu quá đơn giản, tầm thường.

Có một lỗi trang phục rất khó chấp nhận, đó là khi Chúa Phúc Lan băng hà, Thế tử Phúc Tần lên ngôi, đã mặc lại nguyên trang phục giống hệt của Chúa Phúc Lan. Lẽ nào để nhân vật thiếu trang phục đến mức phải mặc chung?

Sau khi Chúa Phúc Lan băng hà, Thế tử Phúc Tần kế vị mặc nguyên bộ trang phục của cha

Hệ thống trang phục dành cho quan võ cũng rất sơ sài, đặc biệt là mũ của quan võ không hề có chất liệu kim loại, thay vào đó là chất liệu mềm, khiến quan võ mất đi sự dũng mãnh, uy nghiêm.

Ngoài ra, màu sắc phục trang phim này khá lòe loẹt. Có những nhân vật xuất hiện mặc áo khoác màu vàng, áo yếm xanh lá cây và chân váy đỏ rực rỡ...

Phục trang là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó không chỉ là một mảng hòa sắc trong bối cảnh, mà còn là một thứ nhận diện cho biết nhân vật đó sinh ra ở thời đại nào, có vị trí ra sao, phục trang còn thể hiện cả tính cách, tâm lý của nhân vật. Khán giả sẽ giảm cảm xúc khi xem phim, nếu thấy phục trang không phù hợp với nhân vật. Bản thân diễn viên cũng sẽ bị ảnh hưởng về diễn xuất khi phục trang không phù hợp với họ.

Nội dung phim "Mỹ nhân"

Thế kỷ 17, xã hội phong kiến Việt Nam chứng kiến nhiều biến động liên quan đến sự phân tranh của chúa Trịnh - chúa Nguyễn cũng như trong nội bộ mỗi triều đại. Một cô đào hát với nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” may mắn nhận được sự sủng ái của chúa thượng khiến triều đình nhiều lần rơi vào khó khăn khi quân vương bỏ bê việc triều chính. Các quân thần lo lắng cho an nguy bá tánh đã lập ra một mưu kế để diệt trừ hậu họa. Một cô ả góa phụ dùng nhan sắc để dụ dỗ các bậc vương quan với mưu đồ khuynh đảo chốn kinh thành đưa con lên làm vua.

Mỹ nhân là câu chuyện khắc họa một phần lịch sử của giai đoạn phân tranh cùng với những âm mưu thâm độc và đầy bí hiểm chốn hậu cung giữa các phi tầng kề cận đấng quân vương.


Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm